Hiện nay, tình hình vi phạm hành chính (VPHC) diễn ra ở nhiều lĩnh vực như: giao thông, an ninh trật tự, an toàn xã hội, môi trường, xây dựng, đất đai, hải quan, thương mại; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả
Từ đầu năm đến nay, TP Cần Thơ đã xử lý 99.226 vụ việc VPHC, tăng 27.433 vụ so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, có 93.188 vụ việc đã được ngành chức năng xử phạt; đang xử lý 5.841 vụ việc; chuyển hồ sơ đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự 133 vụ việc; chuyển xử lý bằng hình thức áp dụng biện pháp thay thế đối với người chưa thành niên 64 trường hợp. Số tiền phạt thu được từ xử phạt VPHC hơn 67 tỉ đồng, giảm hơn 15 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Có 4 quyết định bị khiếu nại, khởi kiện do mức xử phạt cao và cho là xử phạt không đúng quy trình và thẩm quyền quy định.
|
Một buổi đối thoại giải quyết khiếu nại quyết định hành chính do UBND TP Cần Thơ tổ chức. |
Theo Sở Tư pháp TP Cần Thơ, hành vi VPHC có tính chất ngày càng nghiêm trọng. Việc xử phạt VPHC đối với các hành vi xây dựng, tài nguyên môi trường, công thương trên thực tế thường gặp nhiều khó khăn, do sự phản ứng của các đối tượng vi phạm. Nhiều trường hợp chống đối, không hợp tác, không chấp hành quyết định xử phạt. Có trường hợp chỉ chấp hành quyết định với hình thức phạt tiền mà không chấp hành các biện pháp khắc phục hậu quả. Đây cũng là lĩnh vực thường xuyên nảy sinh nhiều khiếu nại, khởi kiện liên quan đến quyết định xử phạt VPHC. Bên cạnh đó, các hành vi VPHC tập trung nhiều ở nơi có mức độ đô thị hóa cao, nơi tập trung đông dân cư, gây khó khăn cho công tác quản lý thi hành pháp luật về xử lý VPHC.
Nguyên nhân chính của tình trạng VPHC ở một số lĩnh vực, theo Sở Tư pháp thành phố là do chế tài chưa đủ sức răn đe, tổ chức bộ máy thi hành pháp luật trong lĩnh vực xử lý VPHC chưa đáp ứng đầy đủ về số lượng, để kịp thời phát hiện, xử lý nhằm hạn chế các hành vi VPHC. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về xử lý VPHC của các ngành chức năng vẫn còn những hạn chế nhất định nên dẫn đến ý thức chấp hành pháp luật của một số cá nhân và tổ chức chưa cao. Ngoài ra, Luật Xử lý VPHC và việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn còn một số quy định chưa cụ thể, rõ ràng; việc hướng dẫn thực hiện chưa kịp thời, nên ít nhiều đã ảnh hưởng đến hoạt động quản lý xử lý VPHC trên địa bàn; công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan, người được giao thẩm quyền xử phạt VPHC đôi lúc chưa thường xuyên; cơ chế phối hợp giữa cơ quan, đơn vị chưa chặt chẽ
C.H