20/02/2021 - 09:12

Khi nông dân tự tin với hướng đi mới 

Nắm được xu thế hội nhập, nông dân Cần Thơ đã mạnh dạn ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Từ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất bền vững, hiệu quả, mang lại thu nhập hàng tỉ đồng mỗi năm.

Trồng lúa chất lượng cao

Sự nhạy bén trong kinh doanh và cách làm sáng tạo đã giúp ông Tiêu Ngọc Lợi ở ấp Tân Lập, xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh có thu nhập hằng năm lên đến hàng tỉ đồng, từ mô hình trồng lúa chất lượng cao và kinh doanh vật tư nông nghiệp. Năm 2017, ông Lợi được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Năm 2017, ông Tiêu Ngọc Lợi được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Trước tình hình lúa hàng hóa bấp bênh “được mùa, mất giá”, ông Lợi chủ động chọn trồng những giống lúa chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Với diện tích 20ha, ông Lợi trồng 3 vụ/năm các giống lúa chủ yếu là Jasmine, Ðài thơm... Ông cho biết: “Vụ lúa đông xuân 2020-2021 có năng suất cao; thương lái mua với giá 6.500 đồng/kg lúa tươi. Với diện tích 20ha, tôi có thu nhập khoảng 700 triệu đồng”.

Bên cạnh kiên trì tìm hiểu, học hỏi, nắm bắt  kiến thức, kinh nghiệm, ông Lợi thường  xuyên tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc lúa chất lượng cao. Ðồng thời, áp dụng các chương trình canh tác tiến bộ trên cây lúa như “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng” để lúa đạt năng suất và chất lượng cao, giảm chi phí đầu tư và nâng cao thu nhập. Theo ông Lợi, trước đây, gia đình ông trồng lúa thương phẩm, chưa chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Khoảng 10 năm gần đây, khi chuyển sang trồng lúa chất lượng cao, hiệu quả kinh tế đáng kể và không phải lo đầu ra.

Những năm gần đây, ông Lợi còn được biết đến nhờ mô hình nuôi cá tra giống, trồng cây ăn trái và kinh doanh vật tư nông nghiệp. Riêng việc kinh doanh vật tư nông nghiệp, ông Lợi có doanh thu trên 15 tỉ đồng/năm, lời gần 1 tỉ đồng/năm. Ông Lợi hỗ trợ nhiều nông hộ gặp khó khăn về nguồn vốn sản xuất bằng việc bán vật tư nông nghiệp trả chậm, không tính lãi. Sau khi thu hoạch, bà con bán lúa, trả lại tiền cho ông. Ông Lợi bộc bạch: “Thời gian đầu, việc mua bán cũng gặp nhiều khó khăn... Còn giờ, khách hàng đến mua vật tư nông nghiệp ngày càng nhiều”.

Xây dựng thương hiệu  gạo sạch

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nông dân phải thay đổi phương thức, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhận thức được lợi ích dài lâu, ông Dương Ðình Vũ ở ấp Vĩnh Phụng, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, đã tiên phong trong việc trồng lúa sạch. Sản phẩm làm ra được thị trường đón nhận, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ðây được xem là mô hình mới, mở ra nhiều triển vọng cho nông dân TP Cần Thơ.

Bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố (thứ 3 từ phải sang) đến thăm mô hình trồng và chế biến lúa sạch của ông Dương Ðình Vũ (thứ 2 từ phải qua).​

Trước đây, ông Vũ trồng lúa truyền thống, chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật, thuê nhân công phun xịt thuốc, ít nhất 700.000 đồng/công. Do sử dụng lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhiều, sản phẩm làm ra còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, năm 2015, ông Vũ mạnh dạn phát triển mô hình trồng lúa sạch. Ông Vũ cho biết: “Những năm đầu thí điểm mô hình trồng lúa sạch theo phương pháp không bón phân hóa học và phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, do chưa có kinh nghiệm nên năng suất lúa không cao. Qua 3 năm nghiên cứu, đến nay, tôi đã làm chủ được quy trình và kỹ thuật trồng lúa sạch cho năng suất cao”.

Hiện tại, ông Vũ sử dụng phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học để cung cấp dinh dưỡng cho lúa và phòng trừ sâu, bệnh… Với cách làm này, ruộng lúa của ông Vũ đã cải thiện được năng suất, sản xuất đảm bảo có lời. Hiện tại, ông Vũ đang trồng 5ha lúa ST24 theo quy trình khép kín và sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng. Ông Vũ Phấn khởi nói: “Tôi trồng các loại ST24, Ðài thơm và gạo tím than để cung cấp ra thị trường, có giá từ 16.000-25.000 đồng/kg. Trung bình 1 tháng, tôi xuất bán 4-5 tấn gạo vào các siêu thị, các doanh nghiệp trong và ngoài thành phố”. Không chỉ mạnh dạn sản xuất lúa sạch, ông Vũ còn vận động nhiều hội viên trên địa bàn ấp phát triển mô hình trồng lúa sạch và hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Ông Vũ còn “có tiếng” bởi mô hình nuôi cá trê xuất khẩu. Với 4 công ao nuôi cá trê, ông Vũ thu hoạch mỗi vụ được 60 tấn cá và được các thương lái thu mua xuất bán sang thị trường Campuchia với giá 18.000-26.000 đồng/kg. Ông Vũ nói: “Cá trê rất dễ nuôi, có đầu ra khá ổn định. Mỗi năm tôi nuôi được 2 vụ và mỗi vụ thu hoạch được khoảng 60 tấn cá, trừ chi phí, mỗi vụ còn lời 400-500 triệu đồng”. Ðể nghề nuôi cá trê của gia đình phát triển bền vững, hiệu quả cao, ông Vũ luôn chịu khó tìm tòi, học hỏi, nắm bắt, ứng dụng khoa học kỹ thuật để sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Phát triển kinh tế tập thể

Mô hình nuôi cá lồng bè ở khu vực 1, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy mang lại hiệu quả kinh tế cao, được nhiều nông dân tham gia. Ðể việc nuôi cá lồng bè bài bản, hiệu quả, năm 2017, Tổ hợp tác (THT) nuôi cá lồng bè ở Cồn Sơn được thành lập. Mỗi thành viên trong THT nuôi cá lồng bè ở Cồn Sơn đều chọn những sản phẩm đặc trưng, mang lại giá trị kinh tế cao. Ông Lê Ngọc Quí, Tổ trưởng THT nuôi cá lồng bè khu vực 1, cho biết: “THT có 7 thành viên tham gia với số lượng 60 lồng bè. Các thành viên trong THT nuôi chủ yếu là cá điêu hồng, cá thát lát cườm, cá tra, cá trê… Nhìn chung các thành viên trong THT nuôi cá đạt hiệu quả và có thu nhập ổn định”.

Với mô hình nuôi cá lồng bè, ông Lê Ngọc Quí có lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm.

Hiện tại, ông Lê Ngọc Quí đang nuôi 20 lồng bè cá điêu hồng. Trung bình mỗi năm ông xuất bán trên 600 tấn cá; sau khi trừ hết chi phí, ông còn lời hàng trăm triệu đồng. Vừa qua, ông Quí ký hợp đồng với 1 hợp tác xã thu mua cá điêu hồng số lượng từ 300-700kg cá/ngày, với giá bán 36.000-40.000 đồng/kg. Từ khi thành lập THT đến nay, các thành viên trong THT được tham quan, tập  huấn về kỹ thuật nuôi cá lồng bè. Qua đó, các thành viên đã tuân thủ, ứng dụng đúng các quy trình nuôi, đảm bảo môi trường. Sản phẩm có đầu ra ổn định và mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các thành viên.

***

Bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố, cho biết: “Trong thời kỳ hội nhập, yêu cầu cơ bản để nông sản có sức cạnh tranh là sản phẩm phải sạch, ngon, số lượng lớn, giá rẻ và có nguồn gốc xuất xứ. Nhiều nông dân trên địa bàn thành phố đã mạnh dạn ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và đảm bảo đầu ra. Những năm qua, Hội Nông dân thành phố phối hợp với các ngành chức năng hỗ trợ nông dân đăng ký thương hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nông dân; vận động nông dân liên kết sản xuất để sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm chất lượng, đồng thời phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất thực phẩm sạch nhằm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và có sức cạnh tranh trên thị trường”.

Bài, ảnh: Thanh Thư

Chia sẻ bài viết