05/04/2018 - 14:48

Nhật Bản

Khi những phụ nữ bị ép triệt sản lên tiếng 

Sau gần nửa thế kỷ tồn tại và gây ra tổn thất nặng nề về thể chất và tinh thần cho hàng chục nghìn người, Luật Ưu sinh của Nhật Bản cho thấy đã vi phạm nghiêm trọng nữ quyền, thúc giục chính phủ hiện thời cần có hành động bù đắp.

Bà Iizuka trong cuộc trò chuyện tại Đại học Tohoku Gakuin.

Junko Iizuka 16 tuổi khi bị đưa tới một phòng khám ở phía Đông Bắc Nhật Bản và tiến hành ca phẫu thuật bí ẩn vào năm 1963. “Lúc đó tôi bị gây mê nên không còn nhớ gì nữa”, người phụ nữ này cho biết. Về sau, Iizuka phát hiện ra sự thật gây sốc: cô trở thành một trong 16.500 người bị bắt buộc triệt sản theo một đạo luật của Nhật Bản nhằm ngăn chặn sự ra đời của trẻ em “kém cỏi”. Iizuka bị thắt vòi tử cung để không sinh con do bị nghi có khiếm khuyết về tâm thần. Khi kể về những năm tháng gánh chịu tình trạng đau bụng dai dẳng và tổn thương tâm lý nặng nề, người phụ nữ hiện đã 55 tuổi chua xót nói: “Họ đã đánh cắp cuộc đời tôi”. 

Một nạn nhân khác là Yumi Sato, người bị ép triệt sản vào năm 1972 lúc vừa 15 tuổi. Biện pháp này đã làm Sato mất đi cơ hội tiến tới hôn nhân. “Lúc 22 hoặc 23 tuổi Sato có ý định kết hôn, nhưng khi tiết lộ mình không thể có con, người yêu của cô ấy đã từ hôn” - bà Michiko, em dâu của Sato, kể lại.

Vụ kiện mang tính bước ngoặt

Bà Sato gần đây đã khởi kiện chính phủ Nhật đòi bồi thường vì những tổn thất mà biện pháp triệt sản bắt buộc gây ra, với lập luận rằng Luật Ưu sinh vi phạm hiến pháp thời hậu chiến của nước này, bởi nó xâm phạm quyền mưu cầu hạnh phúc của người dân. Đây là vụ kiện đầu tiên ở Nhật và các nạn nhân khác hy vọng nó sẽ  khiến chính phủ nhận ra sai lầm và xin lỗi.

Theo báo Guardian, sau Thế chiến thứ hai, Nhật Bản thực hiện chính sách ưu sinh nhằm hạn chế sinh ra những đứa trẻ có đặc điểm “hạ đẳng”. Theo đó, từ năm 1948 đến năm 1996, khoảng 25.000 người đã được triệt sản, bao gồm 16.500 người bị ép buộc, với khoảng 70% trường hợp là phụ nữ và trẻ em gái (có khi mới 9-10 tuổi).

Mặc dù quy định về triệt sản bắt buộc cuối cùng cũng bị bãi bỏ vào năm 1996, song nhiều người tin rằng thái độ phân biệt đối xử theo luật này vẫn còn tồn tại trong xã hội Nhật. Đơn cử vào tháng 7-2016, 19 người đã bị đâm chết tại nhà nuôi dưỡng người khuyết tật ở Sagamihara, phía Tây Nam Thủ đô Tokyo. Hung thủ gây ra vụ thảm sát là một nhân viên cũ, người từng viết ra giấc mơ về một thế giới mà những người khuyết tật có thể được kết liễu êm ái. “Vụ việc là một cú sốc cho người Nhật, đặc biệt là người khuyết tật và gia đình họ. Đó là một lời kêu gọi thức tỉnh để chúng ta thấy rằng sự kỳ thị về tình trạng tàn tật vẫn còn tồn tại” - Yoko Matsubara, Giáo sư đạo lý sinh học tại Đại học Ritsumeikan, nói.

Guardian cho biết gần đây, một ủy ban của Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu Nhật Bản xóa bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ, kêu gọi chính phủ giúp nạn nhân của Luật Ưu sinh tiếp cận các công cụ pháp lý, được bồi thường và phục hồi chức năng. Tuy viện lẽ rằng biện pháp triệt sản bắt buộc phù hợp với luật pháp, song chính phủ Nhật gần đây đã có những chuyển biến tích cực. Tháng rồi, hãng tin Kyodo cho biết chính phủ đang có kế hoạch làm việc với các chính quyền khu vực để kiểm tra thực tế, có thể mở đường cho việc bồi thường trong tương lai. Giới nghị sĩ cũng đã thành lập một nhóm vận động bồi thường.

 “Tôi muốn mọi người biết sự thật về những gì đã xảy ra. Điều tôi thực sự muốn là chính phủ phải xin lỗi và bồi thường cho tất cả những người bị thiệt thòi” - bà Iizuka bày tỏ trong buổi nói chuyện  tại Đại học Tohoku Gakuin mới đây.

THANH TRÚC (Theo Guardian)

Chia sẻ bài viết