22/03/2012 - 21:17

Khi Mỹ xây căn cứ quân sự để chống buôn lậu ma túy

Lực lượng tuần tra Mỹ bắt giữ tàu chở 6,8 tấn cocaine hồi tháng 8-2011.
Ảnh: U.S. Coast Guard

Trước thực trạng buôn ma túy ngày càng gia tăng, nhiều nước Trung Mỹ và vùng Caribe hợp tác với Mỹ xây dựng một loạt căn cứ quân sự với hy vọng “chặt đứt” các tuyến đường vận chuyển ma túy. Tuy nhiên, giải pháp này vẫn chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi và gây nhiều lo ngại về sự hiện diện của quân đội Mỹ ở các căn cứ quân sự tại Mỹ La-tinh.

Một dự án quân đội Mỹ sắp thực hiện là xây dựng căn cứ trên một đảo nhỏ của Cộng hòa (CH) Dominica. Dự án gồm các hạng mục như xây dựng các doanh trại, thiết lập trung tâm chỉ huy và nâng cấp cầu tàu. Nó được triển khai theo yêu cầu của giới chức CH Dominica nhằm đối phó với nạn buôn ma túy gia tăng đáng kể trên tuyến đường biển từ khi chính phủ nước này truy quét các chuyến bay chở ma túy ở Nam Mỹ hồi năm ngoái. Được xem là trung tâm buôn bán ma túy của vùng Caribe, CH Dominica là cửa ngõ hàng hải quan trọng cho việc vận chuyển ma túy đến Mỹ thông qua hải lộ Mona Passage, nơi chia tách nước này và Puerto Rico. Căn cứ dự kiến sẽ trải dài gần 5 km, chủ yếu ở đảo phía Đông Nam Isla Saona, cho phép Hải quân Dominica hiện diện thường xuyên tại khu vực này, tạo điều kiện giám sát các hoạt động ở Mona Passage.

Căn cứ tại Dominica không có binh lính Mỹ và rất nhỏ so với các căn cứ quân sự khác của Mỹ tại châu Mỹ La-tinh. Dự án này cũng là một ví dụ của phương pháp chống ma túy trong khu vực mà Lầu Năm Góc đang thực hiện, với mục tiêu đánh chặn các chuyến tàu chở ma túy, phần lớn được chuyển đến Mỹ. Để đối phó với nạn buôn lậu, Mỹ tăng cường tìm kiếm các đồng minh như Dominica để xây các “chốt giám sát” ở các tuyến giao thông quan trọng. Hiện tại, Lầu Năm Góc đã thiết lập được các căn cứ tương tự ở Belize, Nicaragua, Panama, Guatemala và Costa Rica. Mỹ cũng tăng cường hiện diện tại căn cứ không quân Soto Cano ở Tây Honduras, với khoảng 600 lính Mỹ đóng quân.

Hỗ trợ của quân đội Mỹ tại Nam Mỹ vẫn tập trung phần lớn vào Mexico và Colombia, hai nước có nhiều các băng đảng ma túy lớn. Mỗi năm, Bộ Tư lệnh đặc trách miền Nam (SouthCom) của Mỹ chi khoảng 25 triệu USD, gần 6% ngân sách của đơn vị vào chương trình cơ sở hạ tầng quân sự chủ yếu ở 11 nước, trong đó có 9 nước thuộc Trung Mỹ và vùng Caribe. “Sự hỗ trợ của chúng tôi theo chương trình này tập trung tăng cường khả năng phòng chống buôn lậu của các nước đối tác thông qua việc xây dựng hoặc nâng cấp cơ sở hạ tầng ở các vị trí quân sự tuyến đầu gồm các bến tàu, doanh trại, trung tâm bảo dưỡng và các trung tâm chỉ huy hoạt động”- phát ngôn viên của SouthCom Raymond Sarracino nói.

Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, SouthCom và các đối tác quân sự ở khu vực đã bắt giữ 117 tấn cocaine, trị giá khoảng 3 tỉ USD của các băng đảng ma túy trong năm 2011. Trong khi đó, lợi nhuận hàng năm mà các băng nhóm tội phạm trong vùng bỏ túi lên tới 18 tỉ USD. Chỉ 1/3 số tàu chở ma túy bị các căn cứ quân sự này chặn lại và tỷ lệ này được cho là đang tụt giảm. Những tay buôn lậu chủ yếu dựa vào các tàu đi với vận tốc nhanh, có thể chở trên 1.800 kg cocaine, để đưa ma túy qua các vùng biển. Chẳng hạn, năm 2010, lực lượng của Mỹ đã từng phát hiện một tàu ngầm chở ma túy trên biển Caribe. Các tàu lớn cỡ này có thể chở đến 10 tấn cocaine.

Bạo lực liên quan đến ma túy khiến nhiều nước Nam Mỹ phải đưa quân đội vào cuộc. Giới bình luận cho rằng sự thất bại trong ngăn chặn nạn buôn lậu ma túy cho thấy những thiếu sót trong phương pháp dùng quân đội đối phó với vấn nạn ma túy. Tuy nhiên, bất kỳ sự hỗ trợ quân sự nào của Mỹ tại các nước này đều có thể vấp phải những rào cản pháp lý, đòi hỏi cơ cấu lại các cơ quan quan trọng. Ngoài ra, căn cứ trị giá 1,5 triệu USD mà Mỹ sắp xây tại CH Dominica còn tạo ra những phản đối tại đất nước từng 2 lần bị Hải quân Mỹ chiếm đóng trong thế kỷ 20. Nhiều người vẫn lo ngại với nhiều căn cứ quân sự ở Mỹ La-tinh, Mỹ sẽ tạo nên ảnh hưởng lâu dài và cho phép Mỹ dễ dàng can thiệp quân sự tại khu vực này.

THUẬN HẢI (Theo CS Monitor)

Lực lượng tuần tra Mỹ bắt giữ tàu chở 6,8 tấn cocaine hồi tháng 8-2011. Ảnh: U.S. Coast Guard

Chia sẻ bài viết