12/02/2019 - 08:50

Khi Mỹ trở lại Trung Âu 

Từ ngày 11-2, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có chuyến thăm đáng chú ý tại Hungary, Slovakia và Ba Lan. Ông Pompeo là ngoại trưởng Mỹ đầu tiên thăm Budapest kể từ năm 2011 và là quan chức cấp cao nhất của Washington thăm Bratislava trong vòng 20 năm qua. Còn tại Ba Lan, ông Pompeo sẽ dự hội nghị về tương lai an ninh và hòa bình cho khu vực Trung Đông với sự hiện diện của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cùng đội ngũ cố vấn cấp cao về Trung Đông của Tổng thống Donald Trump, người con rể Jared Kushner và đặc phái viên đàm phán quốc tế Jason Greenblatt.  

Huawei là một trong những trọng tâm trong chuyến công du Trung Âu của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo.

Chuyến công du Hungary của ông Pompeo được dư luận theo dõi sát sao nhất bởi nó diễn ra trong bối cảnh chính quyền Thủ tướng Viktor Orban thực thi nhiều chính sách đối nghịch với các giá trị dân chủ, nhân quyền của Liên minh châu Âu (EU), đồng thời xích lại gần hơn với Nga và Trung Quốc. Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama vì thế đã xa lánh chính quyền Orban. Tuy nhiên, chính quyền Donald Trump hiện nay có một số nét “tương đồng” với chính quyền Orban, trong đó đặc biệt là chính sách hạn chế nhập cư. Bản thân Tổng thống Trump từng tuyên bố chỉ ưu tiên chính sách “nước Mỹ trên hết” chứ không can thiệp nhiều các vấn đề nội bộ của nước khác nếu không ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia của Mỹ. Vậy nên, chính quyền Trump được  kỳ vọng có thể dễ dàng ngồi vào bàn đối thoại với chính quyền Orban, qua đó tái thúc đẩy quan hệ giữa hai nước. Trước khi Ngoại trưởng Pompeo đến Budapest, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã đến đây thảo luận về khả năng hợp tác quốc phòng, đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, sự cam kết trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và tầm ảnh hưởng của Nga tại Hungary. Hungary phụ thuộc phần lớn khí đốt từ Nga và nguồn điện nội địa chính yếu cũng đến từ nhà máy năng lượng hạt nhân duy nhất do tập đoàn Rosatom của Nga đầu tư mở rộng với tổng kinh phí lên đến 12,5 tỉ euro.

Cũng tại Hungary, ông Pompeo sẽ có bài phát biểu về mối lo ngại đang gia tăng của  Mỹ đối với tập đoàn Huawei của Trung Quốc, đồng thời gởi thông điệp cho các nước Trung Âu cần cảnh giác với công ty viễn thông lớn nhất thế giới này. Theo hãng tin Reuters, Huawei đang có kế hoạch xây dựng một trung tâm logistics nhằm tăng năng lực sản xuất tại Hungary và đã đề xuất thiết lập trung tâm an ninh mạng tại Ba Lan. Hungary và Slovakia cho rằng họ không có lý do gì phải sợ Huawei, tập đoàn đã có một trung tâm bảo trì và một trung tâm điều hành toàn châu Âu với mức đầu tư khoảng 1 tỉ euro từ năm 2005 tại Hungary. Riêng Ba Lan vừa bắt giữ một nhân viên cao cấp của Huawei vì bị tình nghi gián điệp, trong khi CH Czech cấm Huawei tham gia đấu thầu xây dựng cổng thông tin thuế quốc gia trực tuyến mới.

Daniel Fried, cựu đại sứ Mỹ tại Ba Lan, nhận định sự can dự của Washington vào Trung Âu đã suy giảm sau khi EU và NATO mở rộng vào khu vực này, thay vào đó Mỹ chuyển hướng tập trung vào châu Á-Thái Bình Dương và các cuộc xung đột tại Trung Đông. Do đó, một quan chức Nhà Trắng tuyên bố sự hiện diện của Ngoại trưởng Pompeo tại Trung Âu là “quá chậm và quá cấp thiết”, khi mà các đối thủ của phương Tây đã có được vị thế chiến lược không dễ bị hất cẳng ra ngoài. Riêng tại hội nghị “Tương lai hòa bình và an ninh cho Trung Đông” được tổ chức ở Warsaw, giới chức Mỹ muốn xây dựng một liên minh mới chống Iran thời hậu thỏa thuận hạt nhân. Cũng tại Warsaw, tập đoàn vũ khí Lockheed Martin của Mỹ sẽ ký thỏa thuận bán hệ thống phóng rốc-két di động trị giá 414 triệu USD cho Ba Lan, tiếp nối hợp đồng cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot trị giá 4,75 tỉ USD hồi năm ngoái.

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết