22/04/2009 - 20:31

Khi công nghệ đi vào cơ thể người

Sự kiện nhà làm phim “độc nhãn” người Canada Rob Spence cùng cộng sự chế tạo và thử nghiệm thành công mắt giả có gắn camera là một minh chứng cho thấy công nghệ cao bắt đầu bước chân vào cơ thể người. Triển vọng cơ thể “nửa người nửa máy”, vốn chỉ có trong các bộ phim khoa học giả tưởng, sẽ sớm hiện diện trong đời thực nhờ công nghệ sinh học điện tử đang được các nhà khoa học theo đuổi.

 Con mắt biết quay phim của Spence.

Theo James Geary, tác giả quyển “The Body Electric: An Anatomy of the New Bionic Senses” (Cơ thể điện tử: Ngành giải phẫu giác quan sinh học điện tử mới), từ thuở sơ khai, con người đã biết cách cải thiện sức mạnh của các giác quan. Công nghệ sinh học – điện tử (bionics) theo mô tả của ông là những thiết bị giúp phát huy, phục hồi hoặc nâng cao năng lực giác quan tự nhiên. Nó bao gồm mọi thứ từ ốc tai điện tử giúp người khiếm thính cảm nhận âm thanh cho đến các thiết bị không dây cho phép đàm thoại di động rảnh tay. Võng mạc nhân tạo, cánh tay điều khiển bằng ý nghĩ, điện cực cấy vào não để điều khiển thiết bị điện tử là những phát minh điển hình của lĩnh vực công nghệ sinh học – điện tử.

Những năm gần đây, công nghệ cao không ngừng tiến bộ đã tạo ra các thiết bị điện tử nhỏ gọn và hữu dụng hơn, mở ra xu hướng cài đặt những thiết bị này vào bên trong thay vì bên ngoài cơ thể. Cho nên, dù thị giác của Spence không được cải thiện (do võng mạc bên mắt phải bị hỏng hoàn toàn) nhưng anh vẫn hy vọng nhìn thấy ánh sáng vì một công ty ở Mỹ đang phát triển thiết bị giúp người khiếm thị nhìn thấy được. Công ty Second Sight đang thử nghiệm lâm sàng phát minh mới cho 21 bệnh nhân bị thoái hóa võng mạc trên khắp thế giới. Thiết bị này bao gồm camera gắn trên mắt kính. Hình ảnh thu về sẽ được truyền đến các điện cực cấy trong võng mạc, nơi tiếp nhận và gửi hình ảnh đến não. Máy cho phép bệnh nhân nhận biết các kiểu ánh sáng rồi “thông dịch” chúng thành hình ảnh.

10 năm qua, Tiến sĩ Miguel Nicolelis, chuyên gia thần kinh ở Đại học Duke (Mỹ), đã dày công nghiên cứu mối liên kết giữa hoạt động não bộ và thiết bị điện tử. Lĩnh vực nghiên cứu được gọi là “giao diện máy – não” này được kỳ vọng sẽ góp phần tạo ra cánh tay điều khiển bằng ý nghĩ thế hệ mới. Gần đây, các nhà khoa học Mỹ chứng minh khỉ khi được cấy điện cực vào vỏ não có thể dùng suy nghĩ để điều khiển cánh tay robot. Họ cũng phát hiện phần mềm máy tính có thể thuyết minh các tín hiệu do điện cực thu thập được. Do vậy, “giao diện máy - não” được hy vọng có thể giúp phục hồi vận động cho bệnh nhân bị liệt tứ chi và người bị tổn thương dây thần kinh tủy sống. Tiến sĩ Nicolelis còn là thành viên của dự án toàn cầu “Walk-Again” nhắm tới mục tiêu phát triển bộ quần áo trợ giúp cơ bắp cho người bị liệt.

Dù chưa tìm ra giải pháp an toàn để đưa điện cực vào não người, nhưng các nhà khoa học đang nỗ lực tích hợp thiết bị điện tử vào cơ thể sống. Theo giáo sư David Martin ở Đại học Michigan, đây là thách thức cam go bởi thiết bị điện tử thường làm bằng kim loại, cứng và nhẵn. “Vấn đề là liệu chúng ta có thể cấy thiết bị vào não, tai, mắt và cơ mà không gây tổn thương cho các tế bào”, Martin nói. Ngoài ra, do công nghệ sinh học - điện tử vẫn còn trong giai đoạn sơ khai, nên không ai biết được sau này cơ thể sẽ phản ứng thế nào khi “ăn đời ở kiếp” với thiết bị điện tử.

THỤY TRÚC (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết