27/07/2019 - 13:16

Khi con có tật trộm vặt 

Buổi sáng, chị Kim Ngọc ở quận Ninh Kiều, đem tiền ra chợ trả cho bạn hàng thì bị thiếu 50.000 đồng. Mới tối bữa trước, chị đếm cọc tiền đủ 10 triệu đồng, có gói lại hẳn hoi. Không lẽ chị nhầm? Lu bu công việc rồi chị quên bẵng chuyện này.

Người lớn hãy quan tâm dạy trẻ điều hay lẽ phải, biết phân biệt đúng sai, hướng thiện.

Cách đây mấy hôm, chồng chị Ngọc thắc mắc dạo gần đây tiền tiêu vặt anh hay để trên đầu tủ thường bị mất, mỗi lần vài chục ngàn đồng. Anh hỏi nhưng chị Ngọc nói không biết. Nhà chỉ có vợ chồng, con trai lớn học lớp 9, con gái nhỏ 5 tuổi. Không lẽ con trai làm chuyện này? Chồng khuyên chị Ngọc tìm hiểu kỹ rồi mới hỏi con.

Chị Ngọc kể: “Một lần, tôi thấy con trai lục giỏ mẹ rút tờ 50.000 đồng rồi để xấp tiền lại như cũ. Tôi rất giận nhưng cố kiềm chế. Đợi ăn cơm chiều xong, chồng chở con gái đi chơi, tôi kêu con trai nói chuyện. Tôi hỏi con có đang gặp khó khăn gì cần cha mẹ giúp không; tiền cho hàng tuần đủ chi tiêu không? Tôi nói thẳng là mẹ rất buồn khi thấy con làm chuyện sai, lấy tiền mà không xin phép cha mẹ”. Đến lúc này con trai thú nhận đã vài lần trộm tiền do bạn mời sinh nhật phải mua quà, rồi đi ăn uống, xem phim... Xin hoài sợ bị la, thấy ba mẹ để tiền nhiều nên lấy đại. Chị Ngọc phân tích cho con hiểu trộm cắp dù những thứ nhỏ nhặt, cũng là hành vi rất xấu, nếu con không sửa đổi sẽ thành thói quen gây tai hại sau này. Có việc cần chi xài, con cứ hỏi xin, nếu hợp lý, cha mẹ sẵn sàng cho, bằng không, con có thể tự để dành tiền của mình để giải quyết vấn đề. Con trai chị xin lỗi và hứa không tái phạm.

Chị Hoàng Hương, ở quận Bình Thủy có con gái 9 tuổi, học lớp 3. Cháu rất xinh và học giỏi nên được ông bà, cha mẹ cưng chiều. Dù ngoan nhưng bé gái có tật là đến nhà ai thấy đồ chơi hay thức ăn mà mình thích là tìm cách lấy mang về. Nhiều lần cháu tự ý lấy truyện, viết của anh chị em họ nhưng mẹ bé không la, cho rằng những thứ đó không đáng bao nhiêu. Quen tính táy máy, có lần bé vào siêu thị lấy hộp đồ chơi giấu trong áo, đến khi ra về thì bị phát hiện. Thấy cháu còn nhỏ, chú bảo vệ nhắc khéo, còn chị Hương tính tiền mà ê mặt, tức quá, đánh con tại chỗ. Cũng vì chuyện này mà chị bị má chồng la một trận. Trước đây, bé qua nhà nội tự ý lấy tiền của bà mua bánh mà không xin phép, nội rầy cháu thì chị giận. Giờ chị mới thấm thía hậu quả của việc “cho qua” thói xấu của con. 

Không ít trẻ vướng phải việc cầm nhầm đồ người khác hay tự ý lấy tiền người thân trong nhà tiêu xài. Một số phụ huynh chủ quan, thương con nên không dạy từ nhỏ, vô tình dung túng hành động này, gây không ít hệ lụy khi con vào đời. Có trẻ còn vướng thêm thói xấu khác là nói dối để che đậy việc làm của mình.

Khi phát hiện con mắc sai lầm, phụ huynh đừng chửi mắng, đánh đập, vì như vậy không giúp con ý thức hối lỗi mà chỉ khiến trẻ sợ hãi. Người lớn cần tìm hiểu nguyên nhân, nhỏ nhẹ trò chuyện, giải thích tác hại của hành vi, kiên quyết và tạo điều kiện cho trẻ sửa chữa.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết