07/03/2013 - 21:58

Khẳng định thương hiệu Việt

Phiên chợ HVVNT tại huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau thu hút đông đảo người dân tham quan, mua sắm.

Tiếp tục cuộc hành trình đưa hàng Việt về nông thôn, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp với UBND huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau vừa tổ chức phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” (HVVNT) đầu tiên của năm 2013 tại huyện Năm Căn. Đây là phiên chợ thứ 9 được tổ chức tại tỉnh Cà Mau đưa hàng hóa sản xuất trong nước tiếp cận thị trường nơi cuối trời Tổ quốc, tiếp tục cuộc hành trình khẳng định thương hiệu Việt, xây dựng lòng tin cho người dân nông thôn ưu tiên dùng hàng Việt…

Chương trình HVVNT là nhịp cầu nối giữa doanh nghiệp (DN) Việt Nam và người tiêu dùng (NTD) nông thôn; là cơ hội để DN mở rộng thị trường ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa. Phiên chợ nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất hàng Việt hiểu rõ nhu cầu người tiêu dùng nông thôn và xác định chỗ đứng hàng hóa của DN. Chính vì thế, chương trình ngày càng thu hút sự tham gia của nhiều DN. Phiên chợ HVVNT huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau là phiên chợ thứ 9 do BSA tổ chức thu hút khoảng 35 DN tham gia trưng bày sản phẩm, tập trung vào các ngành hàng như: điện tử gia dụng, hóa mỹ phẩm, thực phẩm, thời trang… Bên cạnh lượng hàng hóa bày bán phong phú, chất lượng, Ban tổ chức còn tổ chức nhiều chương trình bổ ích cho người dân vùng nông thôn như: huấn luyện tiểu thương, kết nối tiểu thương và doanh nghiệp, tư vấn kỹ thuật nông nghiệp cho nông dân, tặng quà cho học sinh nghèo, cho hộ gia đình khó khăn… nên người dân rất phấn khởi khi tham gia phiên chợ. Chị Nguyễn Thị Hạnh, ở chợ Năm Căn, nói: “Trước đây, ở huyện cũng có hội chợ này. Tôi mua các vật phẩm thiết yếu về sử dụng thấy tốt. Vì vậy, hội chợ lần này tôi tranh thủ mua thêm nhiều sản phẩm để dành xài. Tôi thích nhất là mua hàng được khuyến mãi thêm sản phẩm, giá cả cũng rất phù hợp với người dân nông thôn. Ngoài ra, cách bài trí gian hàng rất hấp dẫn, nhiều chị em đi chung với tôi rất hài lòng và hy vọng sẽ có nhiều phiên chợ như thế này đến với người dân nông thôn”.

Qua 3 ngày diễn ra phiên chợ, người dân huyện Năm Căn đã được tham gia nhiều chương trình thú vị, hấp dẫn. Trong đó, hoạt động thu hút nhất chính là buổi tư vấn kỹ thuật nông nghiệp cho nông dân với nội dung “Hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc phòng và trị bệnh cho tôm nuôi” và Chương trình “Kết nối tiểu thương và DN”. Đây là cơ hội để người dân huyện Năm Căn tiếp xúc với các chuyên gia về nông nghiệp, các chuyên gia nghiên cứu thị trường ở TP Hồ Chí Minh chia sẻ kinh nghiệm bán hàng. Tại đây, các DN giới thiệu về sản phẩm và các chính sách hỗ trợ tiểu thương, các chương trình khuyến mãi của DN cũng như các yêu cầu khi tiểu thương phân phối hàng hóa của DN. Các tiểu thương tham gia chương trình có thể đặt câu hỏi trực tiếp cho DN về những thắc mắc liên quan đến sản phẩm và chính sách phân phối, hỗ trợ của DN. Chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm bán hàng, các kỹ năng cần thiết giúp tiểu thương bán hàng giỏi, thu hút khách... Anh Trần Văn Minh ở đường 13/12, huyện Năm Căn, chia sẻ: “Tôi chưa từng tham gia buổi tư vấn nào như thế này nên rất háo hức. Buổi tư vấn giúp tôi học hỏi thêm rất nhiều điều về cách thức nhận biết người tiêu dùng mong muốn gì từ người bán, cách khuyến mãi, trưng bày hàng hóa sao cho thu hút khách. Tôi buôn bán tại chợ Năm Căn nhưng trước giờ do không biết cách chăm sóc khách hàng nên làm không hiệu quả, chưa tạo được khách hàng thân thiết. Chương trình đã giúp tôi học hỏi nhiều kiến thức mới, bổ ích”. Chú Nguyễn Văn Phước, tiểu thương ở chợ Năm Căn, vui mừng nói: “Trước đây, tôi chỉ mua bán theo thói quen. Nhờ tham dự Chương trình “Kết nối tiểu thương” học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong buôn bán, trưng bày đến chăm sóc khách hàng. Bây giờ, tôi đã biết tâm lý khách hàng và nhiều kỹ năng hậu mãi để khách hàng gắn bó lâu dài với mình. Bởi những điều các chuyên gia chia sẻ rất đúng với thực tế thường hay mắc phải trong lúc buôn bán…”. Theo đại diện Công ty Cổ phần Thiết bị nhà bếp Vina-Namilux, đây là thời điểm Namilux cần thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện hình ảnh sản phẩm. Đối với từng thị trường khác nhau, Namilux cũng có những chiến lược phát triển cụ thể để phù hợp với đối tượng khách hàng. Hiện tại, dịch vụ hậu mãi của Namilux đã được phủ rộng ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Việc tham gia chương trình HVVNT là một cách mà Namilux chọn để chăm sóc khách hàng của mình ở phân khúc thị trường nông thôn.

Theo Ban tổ chức, trong thời gian diễn ra phiên chợ (từ ngày 1 đến 3-3-2013), các DN như: Namilux, Cholimex, Minh Long Hưng… đã kết nối với 60 tiểu thương chợ huyện để quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường. Để chia sẻ khó khăn với địa phương, các doanh nghiệp Vĩnh Thuận, Kềm Nghĩa, Minh Long Hưng, Hưng Thành Tài, ICC, Trà Tâm Lan, Vissan, Duy Thành, Duy Tân, Liên Thành, Cholimex đã trao tặng 60 phần quà cho người nghèo và học sinh nghèo hiếu học ở địa phương. Chính nhờ những hoạt động thiết thực này, người nông thôn hiểu và gắn kết hơn với hàng Việt. Ông Đỗ Văn Hải, một nhà phân phối ở thị trấn Năm Căn, cho biết: “Người dân địa phương giờ đã ưu chuộng hàng Việt và rất sợ hàng Trung Quốc, kém chất lượng. Sản phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng sẽ rất khó bán. Hàng Việt đã từng bước tạo được lòng tin cho người tiêu dùng nói chung và người tiêu dùng nông thôn nói riêng”.

Không khí mua bán tấp nập của Chương trình HVVNT đầu tiên của năm 2013 đến với người dân vùng sâu, vùng xa nơi cuối trời Tổ quốc đã phần nào chứng minh hàng Việt không còn xa lạ với người dân. Theo nhiều DN, phiên chợ càng về cuối càng thu hút đông đảo người dân đến mua hàng… Đây là cơ hội để DN khẳng định thương hiệu của mình. Dư âm về chất lượng hàng Việt chính hãng, giá cả hợp lý sẽ còn đọng mãi trong lòng người dân vùng đất Mũi.

Bài, ảnh: THU HOÀI

Chia sẻ bài viết