03/03/2013 - 17:41

Khẳng định thương hiệu nếp Phú Tân

Hiện nay, giống nếp CK2003 và CK92 là 2 giống nếp chủ lực của huyện Phú Tân được nông dân lựa chọn canh tác nhiều. (Ảnh: Tham quan ruộng nếp của anh Huỳnh Văn Tâm tại xã Phú Hưng, huyện Phú Tân).

Cây nếp được xem là đặc sản có nhiều tiềm năng và lợi thế của huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Hiện nay, sản phẩm nếp Phú Tân ngày càng khẳng định được chất lượng trên thị trường, góp phần tác động đến giá trị sản xuất cây nếp của An Giang. Hiện nay, tổng diện tích gieo trồng và sản lượng cây nếp của huyện Phú Tân dẫn đầu khu vực ĐBSCL.

Theo nhiều nông dân trồng nếp tại xã Phú Hưng, cây nếp được sản xuất 8 vụ 3 năm với hai giống chính gồm: CK2003 và CK92. Đây là 2 giống nếp chủ lực, có chất lượng cao với độ dẻo cao và hương thơm đặc trưng, độ thuần đến 99%, năng suất đạt từ 8-10 tấn/ha. Đặc biệt, Phú Tân còn có dòng nếp thơm NK2 đang sản xuất và nhân giống tại xã Phú Hưng và Phú An với một quy trình khép kín từ khâu nhân giống cho đến chế biến thành phẩm và được chọn làm sản phẩm xây dựng nên thương hiệu nếp Phú Tân. Ông Huỳnh Bá Lộc, ấp Phú Xương, thị trấn Chợ Vàm, huyện Phú Tân, cho biết: “Trồng nếp, giống là yếu tố được nông dân đặt lên hàng đầu. Bởi nó quyết định nhiều đến nâng suất và chất lượng, nhất là giá cả đầu ra khá ổn định. Hiện gia đình tôi trồng khoảng 1,5 ha giống nếp CK2003, có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, trồng được cả ba vụ trong năm”.

Ước tính năng suất thu hoạch đạt từ 900kg đến 1 tấn/công, giá bán khoảng 6.100-6.200 đồng/kg, trừ đi các khoản chi phí, nông dân lời khoảng trên 2 triệu đồng/công. Bà Nguyễn Thị Lẫm, ấp Thới Hưng, xã Phú Hưng, cho biết: “Trồng nếp dễ hơn trồng lúa, ít tốn công chăm sóc nhưng nâng suất và lợi nhuận cao gấp 2 lần so với trồng lúa. Gia đình tôi trồng nếp đã gần 30 năm, chủ yếu cung cấp cho làng nghề làm bánh phồng tại địa phương và các công ty chuyên sản xuất lương thực xuất khẩu”. Trước đây, phần lớn nông dân trồng nếp chủ yếu bán trong những ngày Tết hoặc bán cho các điểm làm bánh phồng hay làm bánh tét… Những năm gần đây, nếp Phú Tân nổi tiếng, được thị trường tiêu thụ quanh năm nên nông dân canh tác liên tục, sản xuất 3 vụ/năm. Phú Tân xác định nếp là cây trồng chủ lực nên từng bước khoanh vùng, xây dựng hệ thống đê bao kiên cố để ổn định sản xuất và tăng sản lượng giống đặc sản chủ lực của địa phương.

Hiện nay, chất lượng nếp Phú Tân ngày càng được nhiều người đánh giá cao và ưa chuộng. Phú Tân đã xây dựng khá thành công mô hình điểm sản xuất nếp chất lượng cao theo hướng khép kín. Tại các lễ hội ẩm thực, hội chợ hàng Việt, nếp Phú Tân được các nghệ nhân tại các làng nghề chế biến thành các các món ăn đặc trưng như: bánh phồng, xôi phồng… nhằm quảng bá thương hiệu nếp Phú Tân trên thị trường. Để tăng sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp có uy tín, có năng lực tài chính và chuyên kinh doanh mặt hàng nếp đã đầu tư xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Trường Đại học Cần Thơ đã hỗ trợ cho huyện Phú Tân phục tráng giống nếp Phú Tân có chất lượng cao. Qua đó, tổ chức tập huấn, hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật canh tác phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây nếp... cho nông dân để tạo ra các dòng nếp mới, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng ở Phú Tân. Đặc biệt, các loại giống đều có độ thuần 100%, đáp ứng tốt yêu cầu xuất khẩu. Trong đó, giống CK92 được chọn lọc lai tạo từ giống nếp đùm, cho nhiều hạt hơn bộ giống nguyên chủng, có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, trồng được cả ba vụ trong năm. Anh Huỳnh Văn Tâm, ấp Hưng Phú 2, xã Phú Hưng, huyện cho biết: “Hiện vùng chuyên canh nếp Phú Tân đã có quy trình sản xuất khá hoàn chỉnh, từ khâu tuyển chọn giống đến việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào đồng ruộng, cơ giới hóa thu hoạch và xử lý sau thu hoạch…”. Hiện tại, toàn huyện hiện có khoảng 500 lò sấy nếp, nhiều doanh nghiệp kinh doanh lương thực có hệ thống xay xát, lau bóng gạo với công suất lớn, các doanh nghiệp kinh doanh lương thực xuất khẩu mặt hàng nếp…

Để sản phẩm nếp Phú Tân có vị trí cao trên thị trường, đảm bảo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, chiếm được thị hiếu người tiêu dùng, sản phẩm nếp hàng hóa phải được sản xuất bằng giống xác nhận, đảm bảo chất lượng… Vì vậy, thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện Phú Tân đã tổ chức nhiều lớp huấn luyện về kỹ năng chọn tạo giống, kiến thức canh tác cây nếp… giúp cho nông dân sản xuất ra được giống thuần có chất lượng cao, thích nghi với điều kiện canh tác tại địa phương và phù hợp với yêu cầu thị trường tiêu thụ. Hiện nay, nông dân áp dụng đồng bộ các tiến bộ của khoa học kỹ thuật, từng bước đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng từ khâu sản xuất đến sau thu hoạch… Mặt khác, ngành nông nghiệp còn hỗ trợ đắc lực cho nông dân chọn tạo nguồn giống sản xuất đúng theo quy trình kỹ thuật mà ngành nông nghiệp đưa ra để góp phần tạo ra sản phẩm nếp có giá trị kinh tế cao, đưa danh tiếng nếp Phú Tân vang xa trên thị trường.

Bài, ảnh: M. Hoa

Chia sẻ bài viết