Ngoài tác dụng tích cực lên các chất dẫn truyền thần kinh trong não và hỗ trợ chuyển hóa chất béo, hóa chất tự nhiên inositol còn được chứng minh có khả năng phòng ngừa và điều trị nhiều căn bệnh, kể cả ung thư đại tràng và ung thư phổi.
Inositol là một trong nhiều chất tự nhiên được phát hiện có đặc tính bảo vệ hóa học (chemoprotective) nhưng ít được biết đến. Do đó, ngày càng có nhiều nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu cách thức mà inositol tác động đến sức khỏe, nhất là khả năng phòng ngừa và điều trị bệnh của dưỡng chất này.
Theo báo cáo đăng trên tạp chí Natural News, inositol được phân loại thuộc nhóm vitamin B vitamin B8 vì tính chất hòa tan trong nước và không lưu lại lâu trong cơ thể sau khi được tạo ra hoặc hấp thụ. Các nhà nghiên cứu cho biết một người khỏe mạnh mỗi ngày có thể sản xuất khoảng 4g inositol từ thận. Inositol có nhiều đồng phân khác nhau nhưng dạng phổ biến và hiệu quả nhất là myo-inositol, thường có trong trái cây họ cam quýt, các loại dưa, đậu, quả-hạt khô, yến mạch, bắp, gạo lứt, gan...
 |
Ảnh: lifeextension.com |
Ở cấp độ hóa học, myo-inositol giúp hình thành các chất truyền tin thứ cấp, các tế bào eukaryotic, cấu trúc phospholipid. Chức năng chính của myo-inositol là hỗ trợ chuyển hóa chất béo trong gan và đào thải ra khỏi cơ thể, cũng là yếu tố quan trọng giúp chuyển hóa chất dinh dưỡng thành năng lượng cho cơ thể. Ngoài ra, nhờ có vị ngọt, inositol cũng được xem là một chất bột đường (carbohydrate), nhưng vì không tạo ra tác động bất lợi như đường nên chất này rất lý tưởng cho những ai tránh hấp thu đường sucrose (đường mía).
Nghiên cứu cho thấy inositol có tác dụng duy trì sức khỏe não bộ bằng cách vừa hỗ trợ chức năng các chất dẫn truyền thần kinh, vừa tạo cảm giác thư thái trong tâm hồn. Giới nghiên cứu còn phát hiện myo-inositol có thể hỗ trợ điều trị chứng rối loạn ăn uống, giảm cân, giúp ngủ ngon, giảm âu lo, điều trị trầm cảm, giải độc gan và củng cố hệ tuần hoàn. Inositol cũng được chứng thực có khả năng giảm nhẹ các biến chứng do bệnh tiểu đường gây ra đối với mắt, hệ thần kinh và tình trạng rụng tóc, đồng thời kiểm soát cholesterol và chỉ số triglyceride trong máu. Thiếu hụt inositol có thể dẫn đến táo bón, rụng tóc, mỡ trong máu tăng cao, phát ban đỏ trên da, tính khí thay đổi và dễ giận dữ.
Thông tin thú vị nhất về inositol là các nghiên cứu từ những năm 1970 đã cho thấy đây là chất có khả năng phòng chống nhiều bệnh ung thư. Tiến sĩ Lee Wattenberg, người có biệt danh "cha đẻ của khái niệm hóa phòng ngừa" (chemoprevention tức phòng bệnh bằng các tác nhân hóa học), là người đầu tiên phát hiện tác dụng chữa lành ung thư phổi của inositol, nhưng do khái niệm này quá mới nên ông chưa được giới nghiên cứu đồng tình. Vài năm sau đó, Tiến sĩ Abdul Kalam Shamsuddin hiện công tác tại Khoa Y Đại học Massachusetts (Mỹ) dựa trên nghiên cứu ban đầu của Tiến sĩ Wattenberg đã tạo ra IP6, một dạng inositol có tên đầy đủ là inositol hexaphosphate. Tiến sĩ Shamsuddin đã chứng minh được rằng IP6 giúp phòng ngừa hiệu quả ung thư đại tràng. Các nghiên cứu về sau cũng đưa ra kết luận tương tự về tác dụng của chất này đối với ung thư phổi và đại tràng. Dược chất IP6 (thường có trong gạo lứt) được cho giúp ức chế bệnh bằng cách giảm thiểu các phản ứng viêm nhiễm, trung hòa những thay đổi về mặt di truyền và chặn đứng sự phát triển của khối u cũng như tình trạng di căn.
Lợi ích lớn nhất của inositol tính đến nay là phòng ngừa ung thư phổi đối với những người hút thuốc lá. Trong một thử nghiệm, những người hút thuốc từ 40-70 tuổi có những dạng tế bào phát triển bất thường trong phế quản (bị xem là có "nguy cơ cao" ung thư phổi) được cho hấp thu tối đa 18gr inositol/ngày trong 3 tháng. Kết quả đăng trên tạp chí Cancer Epidemiology Biomarkers & Prevention cho thấy tỷ lệ tế bào bất thường trong phế quản của họ đã giảm đáng kể so với nhóm đối chứng không dùng inositol. Ngoài ra, inositol còn có thể phòng ngừa ung thư vú theo cách gián tiếp thông qua tác dụng chữa trị Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Công bố trên tạp chí Gynecological Endocrinology, các nhà nghiên cứu cho biết myo-inositol "có khả năng khôi phục hoạt động buồng trứng ở hầu hết bệnh nhân PCOS và nhờ đó phục hồi khả năng sinh sản" của họ. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với những người có nguy cơ ung thư vú, bởi PCOS có thể dẫn đến các biến chứng như béo phì và tiểu đường, một yếu tố thúc đẩy hình thành bệnh ung thư.
HẠNH NGUYÊN (Theo Natural News)