29/09/2009 - 08:55

Khai mạc phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 12

* PHIÊN HỌP THỨ 13 ỦY BAN TÀI CHÍNH-NGÂN SÁCH CỦA QUỐC HỘI: Thẩm tra 2 dự án Luật Thuế tài nguyên và Thuế nhà, đất

Ngày 28-9, phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã được khai mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng.

Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: từ ngày 28-9 đến 3-10, UBTVQH sẽ tập trung làm việc về các nhóm công việc gồm: cho ý kiến về những quan điểm còn khác nhau của 6 dự án Luật chuẩn bị thông qua tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội; nghe và cho ý kiến về báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2009, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2010, phương án phân bổ ngân sách trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2010. UBTVQH nghe báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng và việc điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và cử tri, UBTVQH sẽ dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 6, cho ý kiến chương trình hoạt động giám sát 2009, báo cáo tình hình giải quyết kiến nghị của cử tri năm 2009 và cho ý kiến về kế hoạch kiểm toán 2010...

UBTVQH làm việc phiên họp sáng 28-9, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên, cho ý kiến lần cuối về hai dự Luật Viễn thông và Luật Tần số vô tuyến điện, chuẩn bị để thông qua tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.

Dự Luật Viễn thông sau khi chỉnh sửa, trình xin ý kiến UBTVQH gồm 10 Chương, 63 Điều; gộp một số điều, bỏ 1 điều và bổ sung 3 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.

Thành viên UBTVQH cơ bản thống nhất ý kiến với kết quả báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật viễn thông và tập trung cho ý kiến về một số vấn đề còn chưa thông nhất, nhất là nội dung điều luật quy định về thanh tra chuyên ngành viễn thông.

Tổng kết các ý kiến của thành viên UBTVQH, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh: quan điểm nhất quán từ trước đến nay là cơ quan Bộ chỉ có một đầu mối về thanh tra, thực hiện cả chức năng thanh tra nhà nước và thanh tra chuyên ngành. Trên thực tế thực hành pháp luật, cơ quan lập pháp cần tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động thanh tra chuyên ngành đạt hiệu quả, chất lượng tốt nhất. Vì thế, UBTVQH yêu cầu cơ quan soạn thảo chỉnh sửa lại điều luật quy định về cơ quan thanh tra chuyên ngành viễn thông (điều 11) từ 2 khoản thành 1 khoản. Giữ nguyên điều luật về vấn đề khiếu nại, khiếu kiện trong hoạt động viễn thông, bởi quy định vấn đề này trong luật pháp là cần thiết, còn nâng cao tính khả thi là việc sửa đổi, cải tiến cách thức quá trình thực hiện. Cơ quan soạn thảo cần tiếp thu ý kiến của thành viên UBTVQH để xem xét, sửa đổi các điều luật quy định về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực viễn thông; quy định về cơ quan quản lý chuyên ngành viễn thông và chuẩn bị dự thảo Nghị định hướng dẫn luật để trình Quốc hội theo đúng các quy định của pháp luật về quy trình soạn thảo văn bản pháp luật.

Dự thảo Luật Tần số vô tuyến điện trình xin ý kiến UBTVQH có 8 Chương, 50 điều, đã được bổ sung 3 điều, bỏ 1 điều và chỉnh sửa 45 điều so với Dự luật trình xin ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 12.

Dự luật Tần số vô tuyến điện và Dự luật Viễn thông là hai bộ luật điều chỉnh các mối quan hệ xã hội trong hai lĩnh vực có mối quan hệ liên quan, nên có kết cấu và cách thể hiện tương đối giống nhau. Chính vì vậy, ý kiến của các thành viên Thường vụ Quốc hội cũng khá tương đồng khi nhất trí cơ bản về Dự thảo Luật Tần số vô tuyến điện và bày tỏ những ý kiến chưa nhất trí có nội dung tương tự như đối với Dự thảo Luật Viễn thông.

Sau khi nghe giải trình của cơ quan soạn thảo, tổng hợp ý kiến của các thành viên Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên kết luận: nhất trí yêu cầu loại bỏ điều 8 quy định về Ủy ban Tần số vô tuyến điện ra khỏi dự luật; thống nhất và rút gọn điều 10 (những hành vi bị nghiêm cấm) và điều 13 (thu hồi quyền sử dụng tần số vô tuyến điện để thực hiện quy hoạch); những điều luật quy định về thanh tra chuyên ngành, chính sách của Nhà nước đối với tần số vô tuyến điện cần được nghiên cứu lại và thống nhất như Luật Viễn thông. Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên cũng nhắc nhở cơ quan soạn thảo và Chính phủ cần chuẩn bị Nghị định hướng dẫn luật; hoàn thiện báo cáo tác động và các quy trình ban hành văn bản pháp luật theo đúng quy định.

* Chiều 28-9, tiếp tục phiên họp lần thứ 24, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau, chuẩn bị Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý hai dự án Luật: Luật Người cao tuổi và Luật Khám bệnh, chữa bệnh để trình Quốc hội (khóa XII) xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6.

Về dự án Luật Người cao tuổi, đối với phạm vi điều chỉnh và độ tuổi xác định người cao tuổi (Điều 1 và Điều 3), đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với Dự thảo Luật là chỉ quy định đối với người cao tuổi là công dân Việt Nam mà không mở phạm vi điều chỉnh tới người cao tuổi là người nước ngoài. Điều này là phù hợp với thực tiễn thi hành chính sách, pháp luật về người cao tuổi nước ta cũng như khả năng đáp ứng ngân sách nhà nước cũng như các điều kiện khác nhằm đảm bảo tính khả thi của Luật. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành quy định độ tuổi xác định người cao tuổi là 60 tuổi.

Về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí với tên gọi là Luật Khám bệnh, chữa bệnh, nhằm đáp ứng mong muốn của cử tri và đại biểu Quốc hội về việc chấn chỉnh và giải quyết các bức xúc hiện nay về khám, chữa bệnh (KCB) như: tình trạng quá tải ở các bệnh viện, y đức của cán bộ y tế xuống cấp, phân biệt đối xử giữa bệnh nhân là người có tiền với người nghèo, lạm dụng thuốc và xét nghiệm... Luật Khám bệnh, chữa bệnh là cơ sở pháp lý quan trọng góp phần nâng cao chất lượng KCB.

Về việc cấp chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế (từ Điều 16 đến Điều 19 của Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh), đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề nghị nên cấp chứng chỉ hành nghề một lần vì quy định này có ưu điểm là đơn giản, bớt tốn kém và phiền phức cho cả cơ quan nhà nước cũng như người hành nghề, phù hợp với điều kiện hiện nay của cơ quan quản lý nhà nước và xu thế cải cách hành chính hiện nay, tuy nhiên cần xây dựng lộ trình cụ thể. Trước mắt, các cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, cập nhật kiến thức chuyên môn và định kỳ kiểm tra chất lượng chuyên môn cho các cán bộ y tế.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng dành nhiều thời gian thảo luận về thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở KCB (Điều 43 của Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh), cán bộ công chức, viên chức hành nghề y tế tư nhân...

* Trong 3 ngày từ 28-30/9, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của QH họp phiên thứ 13 để thẩm tra chính thức dự án Luật Thuế tài nguyên; dự án Luật Thuế nhà, đất; Báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2009; cho ý kiến vào Báo cáo giám sát việc mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản nhà nước năm 2007-2008; Báo cáo giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất, kinh doanh; Kế hoạch kiểm toán năm 2010 của Kiểm toán Nhà nước. Ngay trong ngày đầu tiên của phiên họp, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội đã thẩm tra hai dự án Luật: Thuế tài nguyên và Thuế nhà, đất.

Các ý kiến góp ý tại phiên họp đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật với các chế tài đủ mạnh trước tình trạng khai thác tài nguyên diễn ra ồ ạt, kém hiệu quả, khó kiểm soát, làm suy kiệt nguồn tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường hiện nay. Để đảm bảo tính cụ thể của Luật, đa số ý kiến đề nghị hạn chế tối đa số các quy định giao Chính phủ hướng dẫn, thậm chí một số nội dung còn giao cả cấp Bộ quyết định là không hợp lý. Nhiều ý kiến nhất trí với thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách, cho rằng về cơ bản các loại tài nguyên đều nằm trong khung thuế suất có biên độ khá rộng. Việc này tuy tạo sự linh hoạt song lại không đảm bảo tính chặt chẽ trong việc áp thuế suất, có thể dẫn tới áp thuế không công bằng, tạo chênh lệch lớn trong cùng một nhóm hàng giữa các thời điểm khác nhau; đề nghị xem xét thu hẹp biên độ khung thuế suất đồng thời phân loại từng mặt hàng trong cùng một nhóm hàng để quy định cụ thể khung thuế suất riêng biệt. Nhiều đại biểu phản ánh trên thực tế việc khai thác ồ ạt nguồn tài nguyên không tái tạo trong những năm gần đây đã gây hậu quả nhất định, dẫn đến tài nguyên cạn kiệt, thu ngân sách không tương xứng với giá trị tài nguyên; ảnh hưởng đến môi trường, thậm chí kéo theo các tệ nạn... Do đó, cần bổ sung mức thuế suất trên cơ sở phân biệt theo loại tài nguyên thiên nhiên nhằm góp phần sử dụng tài nguyên hợp lý, tránh thất thoát nguồn thu, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường. Các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến xung quanh đối tượng chịu thuế, sản lượng tính thuế, giá tính thuế, miễn, giảm thuế...

Đồng tình sự cần thiết sửa đổi, nâng cao giá trị pháp lý của Pháp lệnh Thuế nhà, đất. Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là việc bổ sung đối tượng chịu thuế là nhà ở. Nhiều ý kiến tán thành việc đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế nhằm tăng cường quản lý, từng bước kiểm soát, điều tiết hợp lý nguồn thu từ nhà ở vào NSNN. Với mức thuế suất khởi điểm thấp (0,03%) đồng thời chỉ tính thuế trên phần giá trị vượt 500 triệu đồng thì đối tượng phải nộp không nhiều, bảo đảm hài hòa về lợi ích giữa người sở hữu nhà với Nhà nước; điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ giải trình rõ để tránh gây phản ứng và tâm lý tiêu cực. Cũng có ý kiến chưa tán thành việc thu thuế đối với nhà do trước khi có tiền xây dựng nhà và trong quá trình xây nhà, người dân đã phải thực hiện nghĩa vụ về thuế. Mặt khác, trong bối cảnh kinh tế và đời sống còn khó khăn, việc áp dụng thêm một sắc thuế có thể sẽ gây tâm lý không đồng thuận. Trên thực tế, việc kiểm soát diện tích, đánh giá giá trị nhà để tính thuế là vấn đề phức tạp, trong khi các điều kiện thực hiện lại chưa sẵn sàng nên đề nghị trước mắt chỉ nên thu thuế đất, chưa áp dụng thuế đối với nhà.

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với quy định trong Dự thảo luật về mức thuế suất đối với nhà có giá trị đến 500 triệu đồng mức là 0%; phần trên 500 triệu đồng, thuế suất 0,03%. Các ý kiến này cho rằng khi điều kiện sống còn chênh lệch, bối cảnh kinh tế chưa ổn định, việc quy định thuế suất nên ở mức hợp lý, không coi tăng thu NSNN là mục tiêu chủ yếu. Các quy định của luật nên đặt ra định hướng chính là đưa nhà ở vào diện chịu thuế để từng bước kiểm soát, quản lý đối với đối tượng này, đồng thời điều tiết hợp lý việc sử dụng đất đai cho mục tiêu xây dựng; bảo đảm tính công bằng xã hội...

Ngày 29-9, Phiên họp thứ 13 Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội tiếp tục làm việc.

NHÓM PV TTXVN

Chia sẻ bài viết