29/06/2017 - 14:06

Kết thúc nửa thế kỷ xung đột ở Colombia?

Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC), nhóm phiến quân lớn nhất ở nước này, hôm 27-6 đã hoàn tất quá trình giải giáp vũ khí theo thỏa thuận hòa bình lịch sử mà họ ký kết với Chính phủ Colombia hồi năm ngoái.

Theo tờ Los Angeles Times, ngoài việc giao nộp 7.132 vũ khí cho Liên Hiệp Quốc (LHQ), FARC cũng cho LHQ biết tọa độ của 900 nơi cất giấu vũ khí trên khắp Colombia. "Hòa bình đã lập lại tại Colombia. Bây giờ chúng ta là người một nhà, sống thuận hòa trong cùng một quốc gia. Đây là thông tin tốt lành nhất đối với Colombia trong vòng 50 năm qua. Cuộc chiến vô nghĩa này giờ đây đã đến hồi kết" - Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos phát biểu tại buổi lễ giải giáp vũ khí với sự tham gia của thủ lĩnh FARC Rodrigo Londono cùng khoảng 2.000 cựu thành viên FARC, giới chức địa phương, thành viên các tổ chức dân sự và phóng viên. Trong khi đó, thủ lĩnh Londono tuyên bố: "Giã từ vũ khí. Giã từ chiến tranh. Chào đón hòa bình".

Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos (trái) hòa giải với thủ lĩnh FARC Rodrigo Londono dưới sự chứng kiến của các quan chức LHQ. Ảnh: AFP

AFP cho biết, sau khi hoàn tất việc giao nộp vũ khí, các cựu thành viên của FARC sẽ bắt đầu quá trình chuyển đổi sang cuộc sống dân sự, còn FARC sẽ trở thành một đảng chính trị ở Colombia.

Theo kế hoạch, giới lãnh đạo FARC sẽ tổ chức một hội nghị vào tháng 8 tới để phát triển chiến lược chính trị, trong đó có thể gồm việc thành lập liên minh với các đảng hiện hành hoặc tự mình phát triển một liên minh riêng. Adam Isacson, chuyên gia về Colombia tại Trung tâm Chính sách quốc tế có trụ sở tại Thủ đô Washington (Mỹ), cho rằng FARC có thể lợi dụng đảng cánh tả mới nổi Marcha Patriotica để giành ít nhất 10 ghế trong quốc hội vào năm tới.

Đến nay Colombia vẫn đang bị chia rẽ sâu sắc xung quanh việc thực thi hiệp định hòa bình mà chính phủ nước này ký với FARC hồi năm ngoái. Nhiều người cho rằng nó quá nhân từ đối với các tay súng FARC. Phần lớn người dân đã bác bỏ thỏa thuận này trong cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 10 năm ngoái. Giới phê bình lo ngại rằng các cựu thành viên của FARC sẽ không từ bỏ những hoạt động phạm tội của họ như bắt cóc tống tiền, buôn lậu ma túy, trong khi những người ủng hộ cũng tỏ ra nghi ngờ xung quanh cam kết chi hàng tỉ USD viện trợ nông nghiệp của chính phủ sau khi đạt được thỏa thuận với FARC.

FARC phát động cuộc nổi dậy tại Colombia vào năm 1964 nhằm đấu tranh giành quyền sở hữu đất đai và bảo vệ các cộng đồng nông thôn nghèo. Cuộc xung đột kéo dài hơn 50 năm qua đã khiến khoảng 260.000 người thiệt mạng, hơn 60.000 người mất tích và khoảng 7 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết