20/05/2019 - 20:08

Kết thúc bầu cử “marathon” ở Ấn Độ 

Cuộc bầu cử “marathon” kéo dài nhất thế giới ở Ấn Độ, từ ngày 11-4 và theo 7 giai đoạn, đã kết thúc hôm 19-5. Dù việc kiểm phiếu chỉ bắt đầu vào ngày 23-5, nhưng các cuộc thăm dò ngoài thùng phiếu đều cho thấy đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) của đương kiêm Thủ tướng Narendra Modi và Liên minh Dân chủ Quốc gia (NDA) do BJP đứng đầu giành chiến thắng áp đảo.

Thủ tướng Modi đứng trước một đền thờ Ấn giáo.

Cụ thể, thăm dò của hãng India Today Axis dự báo NDA sẽ chiếm 339-365 ghế trong Hạ viện 543 thành viên, so với 77-108 ghế của Liên minh Tiến bộ Thống nhất đối lập do đảng Quốc đại  đứng đầu. Thăm dò của hãng Todays Chanakya dự đoán NDA sẽ giành khoảng 350 ghế. Các kênh tin tức như Republic, TimesNow, New Delhi Television và India Today thì nhận định BJP và các đồng minh giành từ 287-339 ghế, so với 122-128 ghế của INC và phe cánh của mình. Để giành quyền đứng ra thành chính phủ, một chính đảng hoặc liên minh chính trị chỉ cần chiếm được 272 ghế. Năm 2014, liên minh của Thủ tướng Modi giành thắng lợi vang dội với 336 ghế.

Tuy nhiên, cuộc tổng tuyển cử lần này cho thấy bầu không khí chính trị ở Ấn Độ đang phân cực mạnh mẽ và chia rẽ sâu sắc, thậm chí mang tính thù địch, không chỉ trong các buổi vận động tranh cử mà còn trên các trang mạng xã hội. Phe đối lập do dòng họ Gandhi dẫn dắt và những người ủng hộ  xoáy sâu vào sự thất bại của BJP trong lời hứa chuyển đổi nền kinh tế Ấn Độ thành trung tâm chế tạo toàn cầu, trong khi tỷ lệ thất nghiệp và sự nghèo túng của nông dân không ngừng tăng cao. Trong khi đó, Thủ tướng Modi hướng cử tri tập trung vào uy tín cá nhân của nhà lãnh đạo hơn là hình ảnh, quan điểm truyền thống của đảng phái. Phần này ông Modi chiếm ưu thế vượt trội hơn so với Rahul Gandhi, cháu đích tôn của dòng tộc Nehru Gandhi 3 đời làm thủ tướng.

Đặc biệt, những người phản đối cho rằng Thủ tướng Modi tranh giành lá phiếu của cử tri bằng những lời cảnh báo về sự nguy hiểm tiềm ẩn của người Hồi giáo cực đoan trong nước và từ Pakistan. Ở Mỹ, Tổng thống Donald Trump thúc đẩy chính sách “nước Mỹ trước tiên” thì tại Ấn Độ, vị Thủ tướng 69 tuổi chủ trương “Ấn giáo (Hindu giáo) trước tiên”. Những người ủng hộ thì lập luận rằng ông Modi và các đồng minh đơn giản khôi phục chủ nghĩa Hindu trở lại vị trí trung tâm trong xã hội quốc gia Nam Á đông dân thứ nhì thế giới.

Thế nhưng, chính sách “Ấn giáo trước tiên” của ông Modi có thể khiến Ấn Độ quay lưng với truyền thống cộng hòa thế tục tự do. Do BJP có các phong trào chính trị cánh hữu cứng rắn, sách lược tôn giáo của Thủ tướng Modi có thể làm gia tăng các hành động trừng phạt nhằm vào người Hồi giáo giết mổ thịt bò vốn là linh vật của người Hindu giáo. Cộng đồng Hồi giáo chiếm khoảng 14%  trong tổng dân số 1,3 tỉ người ở Ấn Độ, trong khi người theo Ấn giáo chiếm gần 80%.  Và BJP đã ủng hộ một dự luật cho phép trục xuất hàng triệu người Hồi giáo từ Bangladesh nhập cư vào Ấn Độ từ sau khi Bangladesh độc lập năm 1971.

ĐỨC TRUNG

Chia sẻ bài viết