Hiện nay, nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm nông sản, thực phẩm ngày càng đa dạng, ý thức và yêu cầu của người tiêu dùng về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa ngày càng cao. Đáp ứng xu hướng này, các doanh nghiệp phân phối, các siêu thị cùng các nhà sản xuất, cung ứng nông sản, thực phẩm đặc biệt chú trọng kết nối cung cầu, phát triển chuỗi cung ứng hàng hóa. Từ đó, giúp người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận được những sản phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng, góp phần gia tăng uy tín cho nhà sản xuất lẫn đơn vị phân phối.
Chủ động kết nối cung cầu
|
Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm với mong muốn trở thành đối tác cung ứng của hệ thống Satrafoods, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA). |
Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) là một trong các đơn vị tham gia Hội nghị "Kết nối cung cầu phát triển chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn 2016" trong khuôn khổ Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam năm 2016 tại TP Cần Thơ. SATRA hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến, bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu. Hạ tầng thương mại của SATRA bao gồm: chợ đầu mối kinh doanh nông hải sản Bình Điền, hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm phân phối, chuỗi cửa hàng thực phẩm Satrafoods, cửa hàng Satra Bakery&Café, nhà hàng Satra, kho lạnh Satra
Ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó Tổng Giám đốc SATRA, chia sẻ: Qua nhiều lần tham dự các hội nghị kết nối cung cầu ở TP Cần Thơ nói riêng và các tỉnh ở ĐBSCL nói chung, tôi nhận thấy các nhà sản xuất, cung ứng hàng hóa tại tỉnh, thành khu vực phía Nam đã bắt đầu quan tâm đến quảng bá hình ảnh sản phẩm thông qua việc cải tiến bao bì, chất lượng sản phẩm được chăm chút hơn, tham gia nhiều hội thảo, nhiều hoạt động kết nối cung cầu hơn. Thậm chí có những nông dân chân chất chưa biết gì về marketing cũng tham gia kết nối, tìm cách tiếp cận để đưa sản phẩm tới giới thiệu, chào hàng với nhà phân phối. Dù có bước phát triển khá tốt, song sản phẩm của các doanh nghiệp tại ĐBSCL còn thiếu sự đa dạng, tập trung vào các sản vật của địa phương là chính; hàm lượng chế biến còn ít, chưa tạo ra được sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Kết nối cung cầu phát triển chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn là yêu cầu đặt ra với các đơn vị sản xuất kinh doanh, các nhà phân phối và các cơ quan quản lý nhà nước. Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, kênh phân phối hiện nay của TP Cần Thơ bao gồm 16 siêu thị, trung tâm thương mại, 107 chợ truyền thống, các cửa hàng tiện lợi và các hộ kinh doanh trên địa bàn. Đối với mặt hàng thực phẩm công nghệ, chế biến, người tiêu dùng thành phố luôn ưu tiên lựa chọn những sản phẩm có uy tín, thương hiệu, bao bì đẹp, thông tin rõ ràng. Đối với mặt hàng rau củ quả, gia súc, gia cầm, người tiêu dùng có xu hướng tìm mua những sản phẩm có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, được nuôi trồng, sơ chế và chế biến theo tiêu chuẩn Viet GAP, Global GAP, Haccpo
"Thời gian qua, Sở Công thương cùng Trung tâm Xúc tiến Đầu tư-Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ nỗ lực tổ chức, mời gọi các doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã trên địa bàn tham gia các chương trình kết nối cung cầu. Tuy nhiên kết quả đạt được còn hạn chế do hàng hóa chưa đủ tiêu chuẩn cung ứng cho người tiêu dùng theo đúng quy định của hệ thống phân phối hiện đại"- ông Nguyễn Minh Toại cho biết.
Đầu tư cải tiến sản phẩm
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến các mặt hàng nông sản, thực phẩm ngày càng chú trọng tham gia kết nối để tìm đối tác cung ứng hàng hóa, học tập các đơn vị bạn về cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm, nắm bắt nhu cầu của khách hàng. Nhiều ý kiến cho rằng, để đẩy mạnh phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn chất lượng và cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn, cần thực hiện các giải pháp như: tăng cường mối liên kết để xây dựng chuỗi giá trị hàng nông sản bền vững, đa dạng hóa thị trường nội địa, quy hoạch phát triển các vùng chuyên canh (lúa gạo, cá tra, trái cây đặc sản), khuyến khích mở rộng các loại hình kinh tế trang trại, phát triển sản xuất lớn phù hợp với cơ giới hóa, gắn với việc xây dựng thương hiệu.
Mong muốn lớn nhất của các đơn vị sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm là tìm kiếm nhà phân phối để tiêu thụ nguồn hàng mạnh hơn. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Cần Thơ, để đưa hàng vào hệ thống siêu thị, những doanh nghiệp có pháp nhân như công ty hoặc doanh nghiệp quy mô lớn sẽ có cách nhìn bao quát hơn. Còn các cơ sở kinh doanh quy mô nhỏ thường gặp khó khăn, lúng túng trong vấn đề chào hàng hoặc đáp ứng các thủ tục pháp lý cần thiết. Tuy nhiên, nếu các cơ sở này đưa hàng vào được siêu thị thì sẽ có khả năng trở thành đối tác cung ứng cho toàn hệ thống. "Khi quyết định chọn lựa nhà cung cấp, siêu thị sẽ xem xét đến các yếu tố như: nhu cầu của khách hàng đối với sản phẩm có cao hay không, nguồn hàng có ổn định hay không, giá có tốt và ổn định hay không. Bởi lẽ, siêu thị luôn mong muốn tìm nhà cung cấp sản phẩm với giá cả ổn định, tránh tình trạng sản phẩm vào được siêu thị rồi yêu cầu tăng giá, gây khó cho nhà phân phối lẫn người tiêu dùng"- bà Nguyễn Thị Thanh Hà chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó Tổng Giám đốc SATRA, hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm, không chỉ tỉnh này có mà tỉnh khác cũng có, thậm chí những doanh nghiệp ở khu vực có điều kiện hơn như TP Hồ Chí Minh có thể đến các địa phương mua sản phẩm đó về tiếp tục gia công để đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng cao, giá trị cao về công nghệ. Để phát triển sản phẩm của mình, các doanh nghiệp tại ĐBSCL phải có sự đầu tư về khoa học, kỹ thuật, phải cải tiến hơn nữa về chất lượng sản phẩm. Khi các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, chế biến những sản phẩm có hàm lượng công nghệ vượt trội, giá trị gia tăng cao sẽ đủ sức cạnh tranh trên thị trường, chinh phục được nhà phân phối và người tiêu dùng, từ đó thu được lợi nhuận cao hơn.
Bài, ảnh: MINH HUYỀN