13/08/2021 - 06:57

Kết nối, lan tỏa phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại ĐBSCL 

Nằm ở vị trí trung tâm vùng ĐBSCL, những năm qua, các hoạt động khởi nghiệp của TP Cần Thơ được triển khai rầm rộ, thu hút đông đảo startup trong vùng và nhiều tỉnh, thành trong cả nước tham gia. Trong giai đoạn mới, Cần Thơ tiếp tục kết nối với các tỉnh, thành tạo sức mạnh tổng hợp đưa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) vùng ĐBSCL phát triển lên tầm cao mới. Ðây cũng là nền tảng để thành phố thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp sáng tạo TP Cần Thơ, định hướng phát triển thành Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp sáng tạo vùng ÐBSCL đặt tại Cần Thơ.

Xây nền tảng

Startup đến từ nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại một sự kiện do TP Cần Thơ phối hợp với một số đơn vị tổ chức vào cuối năm ngoái.

Startup đến từ nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại một sự kiện do TP Cần Thơ phối hợp với một số đơn vị tổ chức vào cuối năm ngoái.

Mỗi năm, TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL có khoảng 400-500 dự án khởi nghiệp, trong đó có khoảng từ 20-30% là các dự án có yếu tố sáng tạo. Để phát huy sức mạnh tổng hợp hỗ trợ hoạt động KNĐMST, TP Cần Thơ đã liên kết với nhiều đơn vị, tổ chức và các tỉnh trong vùng hình thành 2 mạng lưới liên kết gồm: Mạng lưới liên kết Hệ sinh thái KNĐMST TP Cần Thơ - CanTho Startup Ecosystem và Mạng lưới Vườn ươm ĐBSCL. TP Cần Thơ còn là thành viên Mạng lưới Khởi nghiệp ĐBSCL - Mekong Startup Network với thành viên thuộc các tỉnh, thành ĐBSCL. Nhờ đó, hệ sinh thái KNĐMST của TP Cần Thơ đã có những bước phát triển mang tính nền tảng và dần hoàn thiện theo hướng phát huy tốt sức mạnh nội tại và liên kết sử dụng hiệu quả các nguồn lực bên ngoài từ các địa phương khác như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội,… và quốc tế.

TP Cần Thơ được biết đến là nơi hội tụ, kết nối và đăng cai tổ chức nhiều hoạt động khởi nghiệp cấp vùng có thể kể đến như: Diễn đàn Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo vùng ĐBSCL năm 2020, với chủ đề: “Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Xu hướng - Lợi thế - Thách thức”;  Hội thảo “Liên kết xây dựng và phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng ÐBSCL”; chuỗi sự kiện “Chợ Công nghệ - thiết bị và Ngày hội KNĐMST vùng ĐBSCL 2019... Anh Phạm Đình Ngãi, Giám đốc Công ty TNHH Trà Vinh Farm, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, cho biết: Tôi tham gia khá nhiều sự kiện kết nối cung cầu; trưng bày, giới thiệu sản phẩm dành cho  startup tổ chức tại TP Cần Thơ. Qua các sự kiện này, tôi không chỉ bán được hàng ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước mà còn có cơ hội học tập, chia sẻ kinh nghiệp từ nhiều startup khắp vùng miền”.

TP Cần Thơ cũng dần hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ hoạt động KNĐMST. Trên địa bàn thành phố hiện có 14 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, cơ sở ươm tạo công nghệ. Trong đó, một số tổ chức có không gian làm việc chung (Co-Working Space) như: Không gian sáng chế Trường Đại học Cần Thơ (MIS-CTU), Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam Hàn Quốc - KVIP (Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ), Không gian làm việc chung Up Green Life (Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Sinh viên Cần Thơ), Tòa nhà BlockUp (Công ty CP Block Up Cần Thơ)… Đặc biệt, từ tháng 9-2019, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ đã đưa vào vận hành thí điểm Mô hình Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cần Thơ - CASTI HUB. Nơi đây đã hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho hơn 100 dự án khởi nghiệp có yếu tố sáng tạo trong các khâu hoàn thiện sản phẩm, hoàn thiện mô hình kinh doanh, kết nối thị trường, tư vấn tài chính, phát triển ý tưởng khởi nghiệp.

Khát vọng kết nối

Ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, cho biết: UBND TP Cần Thơ vừa ban hành kế hoạch số 135/KH-UBND về hỗ trợ phát triển hệ sinh thái KNÐMST TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Kế hoạch này hướng đến mục tiêu tạo lập môi trường thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển các loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và đổi mới phong trào sáng tạo trong doanh nghiệp. Đồng thời, thể hiện khát vọng đưa Cần Thơ trở thành trung tâm kết nối và lan tỏa phong trào KNÐMST trong vùng ÐBSCL. Theo đó, thành phố hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ phát triển hệ sinh thái KNÐMST thông qua Ðề án Thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và sàn giao dịch ý tưởng, sản phẩm KNÐMST; phấn đấu đưa TP Cần Thơ trở thành Trung tâm KNÐMST của vùng ÐBSCL và năm 2030. Trung tâm sẽ là nơi quy tụ, hội tụ và liên kết các nguồn lực bên trong và bên ngoài thành phố để tạo động lực và dẫn dắt hoạt động KNÐMST của vùng trong thời gian tới.

Để đạt được mục tiêu trên, nhiều ý kiến cho rằng, thành phố vẫn còn nhiều vấn đề cần phải được quan tâm giải quyết trong thời gian tới để tạo được sức hút về đầu tư, tạo sự kết nối mạnh mẽ. Cụ thể, cần tiếp tục nâng cao chất lượng các dự án khởi nghiệp, đầu tư mạnh mẽ và xứng tầm về hạ tầng cơ sở vật chất, dịch vụ để phục vụ cho khởi nghiệp, kết nối các nguồn lực từ Trung ương về cho thành phố và cho vùng. Mặt khác, thành phố phải tập hợp “doanh nghiệp đầu đàn” với các nguồn lực đủ mạnh để làm hạt nhân kết nối, điều phối và dẫn dắt hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của vùng. Anh Phạm Đình Ngãi chia sẻ: Qua tham gia các buổi đào tạo do Sở KH&CN TP Cần Thơ tổ chức tôi thay đổi nhiều trong tư duy cũng như rèn luyện ý chí, tâm thế để đi đường dài, nhất là thời điểm startup phải chống chọi với dịch COVID-19 như hiện nay. Tôi hi vọng, các khóa đào tạo sắp tới, thành phố nên có sự phân tầng đào tạo (lớp vỡ lòng, nâng cao...) để phù hợp với từng đối tượng startup. Mặt khác, bên cạnh các kiến thức sách vở, thành phố nên mời các doanh nghiệp, chuyên gia có quá trình “thực chiến” trong sản xuất, kinh doanh để có những chia sẻ sát thực với tình hình hiện nay.

Ông Phạm Minh Quốc, Giám đốc Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (KVIP), chia sẻ: Hiện nay, KVIP hỗ trợ ươm tạo  3 lĩnh vực: cơ khí, chế biến thủy sản và nông sản. Tuy nhiên, KVIP vẫn chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp, đơn vị tham gia do chính sách ươm tạo chưa sát với thực tế. Đơn cử, nhu cầu ươm tạo, hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ 4.0 rất cao nhưng lại không nằm trong diện được ưu tiên ươm tạo tại KVIP. Vì vậy, ông Quốc cho rằng, cần mở rộng lĩnh vực hoạt động ươm tạo của vườn ươm; có chính sách thu hút doanh nghiệp lớn tham gia vào hoạt động ươm tạo, nghiên cứu tại vườn ươm. Ngoài ra, KVIP tiếp tục liên kết chặt chẽ hơn nữa với các viện, trường để chia sẻ ý tưởng, nguồn nhân lực và trang thiết bị phục vụ việc ươm tạo, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp của thành phố và vùng ĐBSCL.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết