26/08/2011 - 21:38

Kết nối giao thông khu vực trung tâm ĐBSCL

Phối cảnh cầu Vàm Cống - cầu dây văng.

Vào trung tuần tháng 8-2011, Đoàn Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội đã giám sát tình hình triển khai thực hiện dự án (DA) cầu Vàm Cống, DA cầu Cao Lãnh và các DA có liên quan thuộc DA đường Hồ Chí Minh.

Theo Ban Quản lý Dự án (BQLDA) Mỹ Thuận, cầu Vàm Cống và cầu Cao Lãnh trước đây thuộc DA đường Hồ Chí Minh (do BQLDA đường Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư), hiện đã chuyển về BQLDA Mỹ Thuận làm chủ đầu tư, với tên gọi là DA kết nối khu vực trung tâm ĐBSCL.

Dự án này có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 23.017 tỉ đồng từ các nguồn vốn của các nhà tài trợ như: vốn vay thương mại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), vay ưu đãi ODA của Chính phủ Hàn Quốc, viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc, vốn đối ứng của Việt Nam...

DA kết nối khu vực trung tâm ĐBSCL gồm 6 DA thành phần: DA thành phần 1: cầu Cao Lãnh-cầu dây văng (cầu và đường dẫn dài khoảng 7,8 km: điểm đầu giao với quốc lộ (QL) 30 và điểm cuối tại sau nút giao với tỉnh lộ 849, địa điểm xây dựng thuộc tỉnh Đồng Tháp). DA thành phần 2: tuyến nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống (dài khoảng 15,65 km: điểm đầu kết nối với điểm cuối DA thành phần 1 và điểm cuối giao với quốc lộ 54, địa điểm xây dựng thuộc tỉnh Đồng Tháp). DA thành phần 3: cầu Vàm Cống-đây cũng là cầu dây văng (dài khoảng 5,8 km: điểm đầu kết nối với điểm cuối DA thành phần 2 và điểm cuối giao với điểm đầu DA Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (nút giao QL91), địa điểm xây dựng thuộc tỉnh Đồng Tháp và TP Cần Thơ). DA thành phần 4 và 5: tuyến nối quốc lộ 91 và tuyến tránh TP Long Xuyên (tỉnh An Giang), dài 23,6 km. DA thành phần 6: đoạn Mỹ An - Cao Lãnh (từ thị trấn Mỹ An đến nút giao tỉnh lộ 30 dài 26,2 km, địa điểm xây dựng tỉnh Đồng Tháp).

Theo kế hoạch, kết nối khu vực trung tâm ĐBSCL được chia thành 2 giai đoạn thực hiện. Giai đoạn 1 thực hiện các DA thành phần 1,2,3 gồm cầu và đường gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ; DA thành phần 4,5,6 có 2 làn xe. Giai đoạn 2 của dự án sẽ thực hiện các DA thành phần 1,2,3 mở rộng thành 6 làn xe cơ giới và phát triển thành đường cao tốc; DA thành phần 6 mở rộng thành 4 làn xe và cũng phát triển thành đường cao tốc; còn các DA thành phần 4,5 (tuyến nối quốc lộ 91 và tuyến tránh TP Long Xuyên) không có giai đoạn 2... Theo BQLDA Mỹ Thuận, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã xác định thực hiện giai đoạn 1 trước 3 DA thành phần 1,2,3 (cầu Cao Lãnh, tuyến nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống, cầu Vàm Cống) với tổng mức đầu tư khoảng 16.417 tỉ đồng. Nguồn vốn từ nguồn vốn vay thương mại OCR Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), vay ưu đãi ODA của Chính phủ Hàn Quốc, viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc và vốn đối ứng của Việt Nam. Riêng giai đoạn 1 của các DA thành phần 4,5,6 dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 6.600 tỉ đồng, nhưng hiện chưa xác định được nguồn vốn để triển khai. Hiện nay, BQLDA Mỹ Thuận đang lựa chọn tư vấn thiết kế và giám sát cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh và tuyến nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống và sẽ triển khai thiết kế vào tháng 9-2011. Về công tác GPMB, đã hoàn thành cắm cọc GPMB cầu Vàm Cống, đang lựa chọn tư vấn cắm cọc GPMB cầu Cao Lãnh và tuyến nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống... Dự kiến sẽ khởi công giai đoạn 1 của 3 DA thành phần này vào cuối năm 2012 và hoàn thành vào cuối năm 2016...

Bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng, đây là DA rất quan trọng, nhằm kết nối giao thông khu vực trung tâm vùng ĐBSCL, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng nói chung và TP Cần Thơ nói riêng. Do đó, TP Cần Thơ mong muốn DA sớm được triển khai xây dựng, qua các lần báo cáo của chủ đầu tư, TP Cần Thơ đã thống nhất phương án tuyến này. UBND TP Cần Thơ cũng đã chỉ đạo cho quận Thốt Nốt sẵn sàng phối hợp với chủ đầu tư trong công tác GPMB cũng như có phương án bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi DA... Các địa phương còn lại có DA đi qua (tỉnh Đồng Tháp và An Giang), cũng đã kiến nghị nên sớm triển khai khởi công DA này cũng như cho biết đã chuẩn bị các khu tái định cư phục vụ đẩy nhanh tiến độ GPMB DA trong thời gian tới, nhất là tỉnh Đồng Tháp xây dựng 3 khu tái định cư cho DA này. Ngoài ra, các địa phương cũng kiến nghị với Chính phủ, cùng các bộ ngành Trung ương quan tâm huy động nguồn vốn bố trí cho DA thành phần 4,5,6 hiện chưa xác định được nguồn vốn, để DA triển khai một cách đồng bộ.

Trong đợt giám sát triển khai thực hiện DA kết nối trung tâm khu vực ĐBSCL, ông Lê Bộ Lĩnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát, đã đề nghị Chủ đầu tư sớm hoàn thành khảo sát và thiết kế DA, có đánh giá tác động môi trường và xã hội, yêu cầu chất lượng công trình thể hiện ngay trong quá trình thiết kế dự án. Ngoài ra, cần quan tâm đến tính đồng bộ của DA, vì DA này có tới 6 DA thành phần, trong khi thực hiện 3 DA thành phần trước nếu cầu và đường không kết nối được đồng bộ dẫn đến sẽ khai thác không hiệu quả. Đoàn sẽ kiến nghị với Bộ GTVT, Chính phủ bố trí vốn đối ứng cho DA này. Chủ đầu tư và các địa phương cũng cần có sự phối hợp tốt trong công tác GPMB để DA được triển khai thực hiện sớm.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết