Từ vàm rạch Bò Ót phường Thới Thuận của quận Thốt Nốt vào sâu trong rạch một đoạn dài khoảng 1.500m là tới giao điểm của 3 ngã rẽ: Đi về hướng Tây Bắc là rạch Thới Bình, hướng Tây Đông là rạch Bà Chiêu. Nằm giữa hai rạch kia rộng hơn 30m thẳng tắp về hướng Tây Nam chính là kênh Thắng Lợi thuộc phường Thuận An (được tách ra từ phường Thới Thuận năm 2009). Nếu tính từ vàm kênh đi thẳng vô chợ Sáu Bộng của huyện Vĩnh Thạnh phải qua 17 km, ngang các địa phận: Phường Thuận An của quận Thốt Nốt, xã Vĩnh Bình và xã Thạnh Lộc của huyện Vĩnh Thạnh. Kênh Thắng Lợi được chính quyền cách mạng tổ chức cho dân trong huyện khởi đào tháng 2 năm 1976, tức sau 9 tháng tính từ ngày Thốt Nốt được giải phóng (1-5-1975).
Ngày ấy, người dân trong độ tuổi lao động tham gia đào kênh thủy lợi để "trồng lúa tăng vụ" và "di dân vào vùng kinh tế mới". Thật ra, lúc bấy giờ người ta không thể hình dung nổi con kênh ngang 10m, sâu 3m, có chiều dài 17 km với sức lao động chân tay của con người làm sao thực hiện được trong một năm? Và mô hình "vùng kinh tế mới" còn xa lạ với bà con mình trong những năm đầu mới giải phóng, chưa kể bọn tàn quân phá hoại ngay những ngày khởi công thực hiện công trình gây hoang mang trong nhân dân
Thế mà với quyết tâm chung của Đảng bộ và quân dân Thốt Nốt, chỉ trong 2 đợt "ra quân" (gần 50.000 lao động, có 500 nữ) công trình đã hoàn tất, trong 3 tháng trước khi mùa mưa đến. Không thể tả hết bao điều khó khăn thử thách, và những niềm vui dâng trào trong ngày mừng công khai thông dòng chảy đưa nước từ sông Hậu vào cánh đồng.
Bây giờ "cỡi" chiếc xe gắn máy hai bánh chạy bon bon trên lộ bê tông của bờ kênh với nhà cửa khang trang, đông đúc, mà năm xưa cũng có giọt mồ hôi của mình đào đắp (thời thanh niên xung phong) mới thấy giá trị của những ngày tháng dân ta cải tạo ruộng đồng.
 |
Kênh Thắng Lợi. |
Còn nhớ cả cánh đồng Thốt Nốt (kể cả Vĩnh Thạnh bây giờ) xưa có tới 80% diện tích lúa mùa một vụ. Tổng sản lượng toàn vùng năm 1976 chỉ xấp xỉ 200.000 tấn năm
Sau khi đào xong kênh Thắng Lợi năm 1976 và những năm tiếp sau đào các kênh sườn (15 kênh cách nhau mỗi kênh 1km kết thúc 1988) thì chính những con kênh thủy lợi nầy đã thật sự lột xác cánh đồng Thốt Nốt. Tính từ năm 1989 đến năm 2003 khi chưa tách huyện Vĩnh Thạnh, sản lượng lúa hàng năm của Thốt Nốt lên đến 600.000 tấn, đứng đầu các huyện trong tỉnh Cần Thơ. Tăng gấp 3 lần so trước 1975. Sự ra đời của con kênh cùng với chủ trương "liền canh, liền cư" và chính sách khoán đã giúp cho hàng ngàn hộ nông dân không đất, thiếu đất có nhu cầu sản xuất nông nghiệp thật sự đổi đời. Nhìn chung, hiệu quả của kênh đào và chính sách di dân đã làm thay đổi diện mạo một vùng quê
Lần nầy vào kênh Thắng Lợi, tôi cố ý tìm hiểu cụ thể hơn hiệu quả của con kênh đào năm xưa. Từ sáng sớm, tôi đã có mặt tại đầu kênh... Ghe tàu neo đậu ở mỗi đầu vàm khá đông đúc, phần lớn là ghe lúa. Hỏi một chị đẩy xe bán hàng rong mới biết là trong vàm kênh một đỗi có rất nhiều lò sấy lúa, họ chờ tới lượt để sấy. Hai bên bờ kênh có rất nhiều lò sấy đang hoạt động. Mùi lúa ẩm cùng hơi nóng tỏa ra nồng nặc, dưới kênh nhiều ghe lúa đang được công nhân bốc vác chuyển lên, có chiếc thì nhận lúa từ trên lò chuyển xuống
hoạt cảnh lao động và âm thanh rền rền được phát ra từ những máy điện có công suất cao ở các lò sấy khiến cả một đoạn kênh rộn rịp.
Anh Nguyễn Thành Luân, thuộc khu vực II, phường Thuận An cũng là người giúp việc cho một chủ lò sấy lúa tại đây cho biết chỉ riêng đoạn kênh thuộc địa phận của phường Thuận An, Thốt Nốt (3 km) đã có hơn 40 lò sấy với công suất bình quân 25 tấn một ngày đêm cho mỗi lò. Anh còn cho biết thêm, cặp hai bờ kênh từ Thuận An vô xã Vĩnh Bình, xã Thạnh Lộc của huyện Vĩnh Thạnh hiện có trên 70 lò sấy, tập trung nhiều nhất vẫn là Thuận An và Vĩnh Bình
Trên đường đi vào kênh nhất là khu vực giáp ranh giữa Thuận An và Vĩnh Bình gặp rất nhiều lò sấy, xuồng ghe neo đậu, lui tới tấp nập
Đi thêm một đoạn, tôi dừng xe ở một đầu cầu bê tông, chú ý nhìn tấm bảng có những dòng chữ còn sắc nét: Cầu Phó Tiên, kinh Thắng Lợi dài 22m, ngang 4m 2 hoàn thành ngày 16-5-2011. Kinh phí 405.300.000, do nhân dân đóng góp - Trong đó riêng ông bà Lê Thanh Xuân ủng hộ 391.000.000 (chưa tính ngày công lao động). Thấy tôi chăm chú ghi, một chị nhà gần cầu thắc mắc: "Chú ghi chép tấm bảng đó để làm gì hả chú?". Tôi bày tỏ: "Thấy bà con mình ở đây làm xã hội tốt quá nên ghi lại số liệu để cổ vũ bà con nơi khác vậy mà
.". Chị tiếp lời: "Hồi mới đào kinh, nhiều người nói Nhà nước làm thủy hại, bắt đày dân làm lao động, bây giờ dân ở kinh nầy khá nhờ lúa, giàu nhờ làm lò sấy, họ đóng góp mạnh lắm chú ơi
".
Rời cầu Phó Tiên, đi suốt chiều dài kênh Thắng Lợi tôi đếm cả thảy 14 cây cầu, trong đó có 6 cầu thuộc khu vực xã Vĩnh Bình còn bằng cây, ván tạm bợ, song vẫn đảm bảo xe gắn máy qua lại thông suốt, còn lại 8 cầu thuộc phường Thuận An và xã Thạnh Lộc đều bê tông cốt thép, rộng từ 4 đến 6m. Ngoài hệ thống giao thông tiện lợi, thông suốt; dọc theo tuyến kênh: các trường mẫu giáo, tiểu học
cũng được phân bổ trải đều. Nếu tính từ đầu kênh vào chợ Sáu Bộng: có 2 trường mẫu giáo, 4 trường tiểu học, 1 trường trung học cơ sở. Các trạm y tế, chợ, cơ quan hành chánh liền kề... Điện trung, hạ thế và loa truyền thanh được gắn toàn tuyến, dân cư cũng khá đông đúc, nhất là bờ kênh phía trên đoạn đường khu vực Thuận An và đoạn đường khu vực chợ Thạnh Lộc vào chợ Sáu Bộng nhà cửa đông đúc lại khang trang, phần lớn loại nhà cấp 4, hoặc mái ngói, rất ít nhà cây ván, một vài ngôi nhà mới kiểu dáng biệt thự trệt, hoặc nhà đúc kiểu nóc bằng, nhiều ngôi nhà đang xây trông thầy thợ khá khẩn trương, có lẽ để kịp đón Tết - mừng năm mới
Tại chợ Sáu Bộng (nơi cuối kênh Thắng Lợi, giáp kênh Bốn Tổng - Một Ngàn), ông Nguyễn Văn Đủ ngụ ấp Thắng Lợi 1, xã Thạnh Lộc, nguyên là Liên Tập đoàn trưởng liên tập đoàn di dân vùng kinh tế mới, ông là người trong tốp dân đầu tiên vào kênh nhận đất "lập nghiệp" năm 1977 nay là Trưởng trạm cấp nước khu dân cư vượt lũ, được chúng tôi xem là "nhân chứng lịch sử" hồ hởi tiếp chúng tôi tại một quán cà phê gần trạm. Ông Sáu say sưa kể chuyện năm nào: "Hồi đó tụi tui là dân lao động làm thuê ở thành phố Cần Thơ, không nghề nghiệp căn bản, được ban chỉ đạo hồi hương tỉnh tạo điều kiện đưa lên vùng kênh đào Thắng Lợi để lập khu kinh tế mới, có tất cả 360 hộ được cấp nhà, nhận đất; thú thật lúc đầu bà con hăng hái lắm, dần dần những năm sau do thiếu kinh nghiệm sản xuất, đất lúc đó còn nhiễm phèn nặng. Do chưa đào được các con kênh sườn, chưa làm được lúa tăng vụ, dù Nhà nước có hỗ trợ nhà ở, gạo ăn hàng tháng nhưng sinh hoạt đồng bái thiếu thốn mọi thứ bà con lần lượt bỏ đất, bỏ nhà trở về thành thị, chỉ còn khoảng 15% hộ bám trụ. Tuy vậy, từ sau năm 1986 thấy hiệu quả thiết thực từ kênh đào hầu hết nông dân trong huyện Thốt Nốt được Nhà nước cấp đất đều tự nguyện xin vào kênh ở rất đông
Tuy lúc đầu có thiếu thốn về tiện nghi sinh hoạt, giao thông đi lại khó khăn, nhưng sau khi trụ sở UBND xã Thạnh Lộc được di dời xây dựng ngay trên tuyến kênh nhà nước khẩn trương bắc cầu, làm lộ, xây trường học, trạm xá, đáp ứng được nhu cầu cơ bản của người dân nên họ thật sự gắn bó với nhà cửa, ruộng đồng
."
Tôi thắc mắc hỏi ông Đủ vì sao lúc đào kênh rộng chỉ 10m mà nay trên 30m ? Ông Đủ giải thích: "Theo tôi biết kênh Thắng Lợi là kênh chủ lực của cánh đồng Thốt Nốt, không chỉ cải tạo đồng lúa từ một vụ lên 2 -3 vụ mà còn là đường thủy huyết mạch nối nguồn lưu thông từ kênh "Bốn Tổng Một Ngàn" vận chuyển lúa hàng hóa từ Cờ Đỏ, Giồng Riềng ra sông Hậu. Năm 1984 Nhà nước dùng cơ giới mở rộng kênh bằng cách đưa 17 chiếc xáng cạp vào mở rộng kênh lên 30m nhằm đáp ứng nhu cầu lưu thông vận chuyển nông sản. Các con kênh sườn cũng vậy, lúc mới đào chỉ 5m chiều ngang, dần dần những năm sau Nhà nước cho xáng cạp vét rộng ra, hiện cũng trên 10m. Nhờ vậy mà đất ở đây thoát phèn nhanh, làm lúa tăng vụ rất trúng, tàu ghe vận chuyển lúa gạo cũng rất tiện lợi
."
Anh Bùi Văn Sang, một nông dân cùng ngồi uống cà phê, chen lời: "Tôi là người quê ở Cù Lao Tân Lộc mới vào Kênh năm 1987 nhờ nhận được 15 công đất của Nhà nước cấp mà bây giờ cuộc sống mới ổn định, còn dành dụm xây được nhà mới. Tôi còn được biết anh Nguyễn Văn Sộ, người gốc ở Định Yên, Lấp Vò, Đồng Tháp cũng vào kênh năm 1988 (do có đất gốc ở Thạnh Lộc theo chủ trương liền canh, liền cư) qua buổi tiếp xúc mới biết anh hiện có 4 ha đất trồng lúa (do mua thêm) xây được nhà kiên cố, đứa con gái lớn lập gia đình ra riêng, mở được tiệm vàng tại chợ Sáu Bộng, đứa khác cũng vào đại học.v.v
Theo thống kê hiện có khoảng 1.100 hộ dân trên tuyến kênh Thắng Lợi (không kể số hộ ở theo các kênh sườn). Có trên 1.300 ha đất nông nghiệp, bình quân hơn 1ha mỗi hộ. Nếu giá nông sản ổn định như nhiều năm qua nông dân làm 3 vụ lúa hoặc 2 lúa một màu, hay một lúa, một cá thì thu nhập mỗi hộ trong năm cũng trên 150 triệu, lãi ròng từ 70 80 triệu, chưa kể những khoản phụ thu khác từ chăn nuôi gia súc, gia cầm, dịch vụ
Rõ ràng đa số người dân vùng kênh Thắng Lợi đang có tiềm năng lợi thế hơn so với nhiều vùng quê khác. Anh Sang nói " hầu như nhà nào cũng có truyền hình, xe gắn máy, điện thoại bàn, hoặc di động, nhiều hộ sắm cả tủ lạnh, con em họ lên tỉnh, thành vào cao đẳng, đại học cũng đông
".
Tôi đã chứng kiến tận mắt sức sống từ một vùng kênh đào mà trước đây được mệnh danh là vùng "khỉ ho cò gáy", miệt "cây gáo xanh" - sào huyệt của bọn cướp "ông Kiếm ông Cà" ở thập niên 1960 đầy bất an, tăm tối nay thật sự đã "đổi đời" - Điều mà hai mươi năm trước đây, cũng khó hình dung nổi những kỳ diệu có thể mang lại từ một kênh đào
* * *
Rời chợ Sáu Bộng lúc xế chiều, trên đường trở ra đầu kinh, tranh thủ ghé qua chợ Thạnh Lộc xem buổi chợ quê. Chợ chiều người không đông nhưng sầm uất, các gian hàng vẫn bày bán quần áo, mỹ phẩm, giày dép, hàng công mỹ nghệ, đại lý thuốc tây v.v
cùng những quán cà phê ầm vang điệu nhạc. Vào sâu trong nhà lồng chợ một chút thấy rau quả, cá thịt đầy ắp, nhất là các loài cá đồng, rắn, chuột
không thiếu thứ gì.
Trên đường về vừa tới Trường Tiểu học Vĩnh Bình 2 cũng là lúc tan trường, nhìn các em nhỏ cười nói hồn nhiên, nhiều em được cha mẹ đón rước
Tôi chợt nhớ tuổi thơ của mình, từng một thời ở vùng quê hẻo lánh: vào lớp nhì, lớp nhứt (lớp 4 lớp 5) phải lên trường quận, xách gào mên cơm theo ăn trưa để học thêm buổi chiều, rồi lên trung học, vào cao đẳng phải lên trường tỉnh, trường miền, cũng không có cha anh đưa đón như bây giờ
Kênh Thắng Lợi bây giờ đã chứng minh là điểm nhấn, sức sống trỗi dậy của một cánh đồng có từ bàn tay lao động của con người
Thốt Nốt - Vĩnh Thạnh nói riêng và Cần Thơ quê tôi thật yên ả thanh bình
Bài, ảnh: ĐOÀN NÔ