30/01/2020 - 09:42

Mỹ công bố Kế hoạch Hòa bình Trung Đông

Kẻ hoan nghênh, người phản đối 

Rạng sáng 29-1 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump sau thời gian trì hoãn đã chính thức công bố Kế hoạch Hòa bình Trung Đông được dư luận chờ đợi lâu nay, trong đó đề xuất giải pháp hai nhà nước cùng tồn tại cho Israel và Palestine.

Thủ tướng Netanyahu (phải) và Tổng thống Trump trong cuộc họp báo công bố Kế hoạch Hòa bình Trung Đông. Ảnh: Reuters

Kế hoạch của Mỹ ngay sau khi được công bố đã nhận được phản ứng trái chiều từ các bên liên quan. Trong khi Israel hết lời tán dương đây là “hướng đi thực tế tới hòa bình lâu dài” thì Palestine chỉ trích nó thiên vị và đáng vứt vào “sọt rác lịch sử”.

►Israel ca ngợi

Phát biểu bên cạnh ông Trump tại buổi lễ ở Nhà Trắng, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gọi đây là “một ngày lịch sử”, nhấn mạnh việc Mỹ công nhận chủ quyền của Israel đối với Thung lũng Jordan và các khu định cư ở Bờ Tây (tổng cộng Israel sẽ sáp nhập khoảng 1/3 diện tích Bờ Tây). Ngoài ra, Jerusalem sẽ tiếp tục là “thủ đô không thể chia cắt” của Israel.

Riêng Tổng thống Trump tỏ ra rất tự hào về “kế hoạch vĩ đại” này, gọi đây là “đề xuất chi tiết nhất từng được giới thiệu”, là “bình minh mới cho Trung Đông” và sẽ tạo ra cơ hội “hai bên cùng thắng” cho cả Israel và Palestine. Theo ông, các đời tổng thống Mỹ từ Lyndon Johnson từng cố gắng và đều thất bại, bởi nỗ lực của họ quá mơ hồ và thiếu những chi tiết quan trọng. Về điểm này, Thủ tướng Netanyahu “phụ họa” thêm rằng các kế hoạch hòa bình trước đây không có “sự cân bằng giữa an ninh của Israel và khát vọng của người Palestine”. Thế nên cả ông Trump và Netanyahu đều gọi đây là “thỏa thuận thế kỷ”.

Ông Trump cũng tự tin nói rằng “Người Palestine có thể không bao giờ có cơ hội như thế lần nữa”, bởi với kế hoạch này, trong đó có việc xây đường hầm nối Bờ Tây với Dải Gaza và hoán đổi đất một số khu vực, vùng lãnh thổ do Palestine kiểm soát sẽ tăng gấp đôi. “Kế hoạch này sẽ tăng gấp đôi lãnh thổ của Palestine và thiết lập thủ đô của nhà nước Palestine ở Đông Jerusalem, nơi Mỹ sẵn lòng mở đại sứ quán…Tầm nhìn của chúng tôi là sẽ chấm dứt sự lệ thuộc của Palestine vào hỗ trợ nhân đạo và viện trợ từ nước ngoài”, chủ nhân Nhà Trắng tuyên bố. (Cần nhắc lại là Mỹ trước đó đã đề xuất đầu tư 28 tỉ USD vào Bờ Tây và Dải Gaza).

Thế nhưng cũng theo kế hoạch trên, Palestine sẽ là nhà nước phi quân sự, chỉ được thành lập lực lượng cảnh sát địa phương, trong khi Israel có nhiệm vụ bảo đảm an ninh chung. Và Palestine cũng phải đạt một số “tiêu chí” mới có thể trở thành một nhà nước, bao gồm diệt trừ chủ nghĩa khủng bố, từng bước thực hiện tự do ngôn luận và các cải cách chính trị khác…

►Palestine tẩy chay

Ngay sau khi Mỹ công bố Kế hoạch Hòa bình Trung Đông, Palestine đã lập tức có phản ứng. Trong một động thái hiếm có, hai phong trào đối địch của người Palestine là Hamas và Fatah đã nhóm họp ở thành phố Ramallah thuộc Bờ Tây nhằm thảo luận các đối sách chung. Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh kêu gọi các cường quốc thế giới tẩy chay sáng kiến của Mỹ, cho rằng đây không phải là một kế hoạch hòa bình cho Trung Đông. Trong khi đó, Tổng thống Mahmoud Abbas tuyên bố: “Âm mưu này sẽ không được thông qua. Người dân chúng tôi sẽ ném nó vào sọt rác lịch sử”.

Palestine những năm gần đây mất dần sự tin tưởng vào vai trò trung gian của Mỹ khi Tổng thống Trump lần lượt công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và dời đại sứ quán tới đây, cũng như ủng hộ chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan và các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây.

Kế hoạch Hòa bình Trung Đông được công bố vào thời điểm cả hai ông Trump và Netanyahu đang đối mặt nhiều thách thức. Đối với ông Trump, đó là phiên tòa luận tội lạm quyền và cản trở quốc hội, cùng cuộc bầu cử tổng thống gay cấn sẽ diễn ra vào cuối năm nay. Kế hoạch trên có thể giúp ông nhận thêm sự ủng hộ từ khối cử tri thân Israel vốn đóng vai trò rất quan trọng trong các cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

Trong khi đó, Thủ tướng Netanyahu đang bị truy tố với 3 cáo buộc tham nhũng giữa lúc cuộc tổng tuyển cử lần 3 trong vòng chưa đầy một năm đang đến gần. Tăng cường quan hệ với một nhân vật quyền lực như Tổng thống Trump, được ông gọi là “người bạn vĩ đại nhất mà Israel từng có trong Nhà Trắng” có thể tạo lợi thế cho ông trong cuộc đua được dự báo là “sát nút” sắp tới.

QUỐC KHÁNH (Theo Fox News, AFP)

Chia sẻ bài viết