06/05/2023 - 08:27

Kể chuyện “Tiếng vọng ký ức” ở tuổi 79 

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Nhà lý luận, phê bình văn học Lê Xuân (Chi hội phó Chi hội Nhà văn Việt Nam tại TP Cần Thơ) vừa ra mắt tập tản văn, bút ký “Tiếng vọng ký ức”, NXB Quân đội nhân dân ấn hành. Những nỗi nhớ niềm thương về quê cha đất Tổ, những trải nghiệm dọc dài vùng đất đã qua, những đồng cảm với các nhân vật “ngọc càng mài càng sáng”... được tác giả 79 tuổi gửi gắm vào những trang văn, nhẹ nhàng mà cuốn hút.

“Mỗi lần nhìn thấy rau má, hay chỉ ngửi mùi ngai ngái của nó là lòng tôi lại rạo rực một nỗi nhớ quê. Người dân quê tôi biết ơn cây rau múa nhiều lắm”, đó là mấy dòng trong bài “Rau má quê choa” đầu tập sách. Để rồi từ đây, tác giả Lê Xuân mở ra một chân trời tuổi thơ đầy thú vị nơi quê nhà Thanh Hóa. Một chiếc sáo diều tung bay trên nền trời xanh thẳm trong “Sáo diều quê tôi”, hay trong “Sông Chu ngày ấy... bây giờ” với hình ảnh con sông quê bao năm cõng nắng cõng mưa, cõng cả những vất vả của người dân quê, vẫn êm đềm con nước lớn ròng cùng bao kỷ niệm của tác giả thuở thiếu thời... Trong những trang văn ấy, nhà lý luận văn học Lê Xuân cũng không quên kể về người cha, người mẹ đáng kính của ông với những hy sinh, vất vả, can trường nuôi con cái lớn khôn.

Một chủ đề khá thú vị trong tập tản văn, bút ký này là viết về những vùng đất mà tác giả đã đi qua. Trong “Sắc hoa Đà Lạt”, tác giả cố công đi tìm và lý giải nét đẹp đặc trưng của thành phố mù sương, từ góc độ khoa học đến sự trải nghiệm riêng. Về với miền Hậu Giang, trong bài “Lung Ngọc Hoàng - Điểm du lịch sinh thái lý tưởng ở miền Tây Nam Bộ”, tác giả kể chuyện từ huyền thoại một cái lung mang tên “Ông Trời” đến những thú vị trong trải nghiệm, sự phong phú của sản vật nơi đây cùng nỗ lực của người Hậu Giang trong giữ Lung Ngọc Hoàng luôn xanh tươi, trù phú. “Hòn Tre quyến rũ”, “Bình Thuận - Vùng đất giàu tiềm năng du lịch”, “Bản đồ đá Việt Nam độc nhất vô nhị”... tiếp nối dòng chảy cảm xúc ấy.

Với nhiều người, nhóm chủ đề về những nhân vật mà tác giả đã gặp, đã thân và đã cảm nhận được những điều bình dị nhưng cao quý trong họ, cuốn hút hơn cả trong “Tiếng vọng ký ức”. Ông kể về họa sĩ Đỗ Năm, bậc gạo cội của làng mỹ thuật Cần Thơ, người dành cả đời để vẽ chân dung Bác Hồ, bằng nhiều chất liệu khác nhau. Nhà lý luận văn học Lê Xuân đúc kết rằng: “Có thể nói, trong giới họa sĩ ở miền Tây Nam Bộ, ít có ai khắc họa hình tượng Bác bằng những chất liệu độc đáo như họa sĩ Đỗ Năm. Lòng kính yêu, ngưỡng một vị lãnh tụ vĩ đại cùng với tài năng là điều cốt lõi làm nên sự thành công ấy”. Ông kể về doanh nhân Lư Hớn Kia ở quận Cái Răng, khởi nghiệp từ nghèo khó và luôn sẵn lòng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Ông còn kể về nữ thương binh Hồ Thị Kiển ở quận Ninh Kiều, người vinh dự 2 lần được gặp Bác Hồ. Hay là câu chuyện về ông Đặng Phúc Minh, “người vác tù và” khuyến học ở huyện Vĩnh Thạnh...

Không là những bài lý luận, phê bình văn học sắc bén, đầy tính nghị luận và khoa học như những quyển sách trước, trong “Tiếng vọng ký ức”, tác giả Lê Xuân mang đến những dòng văn nhẹ nhàng, viết như kể. Những tập tản văn, bút ký này có lẽ không có sự bóng bẩy trong ngôn từ cũng không có những câu văn phải đọc đi đọc lại mới hiểu hết ý tác giả, nhưng đó là những bài văn giàu cảm xúc, cuốn hút người đọc theo cách thầm thì kể chuyện. Đi nhiều, am hiểu nhiều cộng với tư duy và trải nghiệm của một người trọn cuộc đời theo đuổi đam mê văn chương, tác giả Lê Xuân đã viết nên những trang văn đẹp từ chất liệu cuộc sống.

Chia sẻ bài viết