05/08/2010 - 22:07

Iraq thời hậu chiếm đóng của Mỹ sẽ ra sao?

An ninh ở Iraq vẫn bất ổn. Ảnh: Reuters

Như tuyên bố mới đây của Tổng thống Barack Obama, quân đội Mỹ sẽ rút toàn bộ binh sĩ chiến đấu của mình ra khỏi Iraq trước ngày 31-8 theo đúng cam kết, đồng thời chỉ duy trì 50.000 binh sĩ làm công tác huấn luyện, bảo vệ an ninh và chống khủng bố trong vòng 16 tháng. Do đó, điều người ta bắt đầu quan tâm là Iraq thời kỳ hậu chiếm đóng của Mỹ sẽ như thế nào.

Sau phát biểu của ông Obama, Đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Iraq Ad Melkert nói rằng việc Washington rút hết binh sĩ chiến đấu ra khỏi Iraq sẽ để lại “bầu không khí không chắc chắn và đầy bất ổn” cho sứ mạng của cơ quan này. Thực tế là các vụ tấn công khủng bố vẫn liên tiếp xảy ra ở Iraq mà gần đây nhất là loạt vụ đánh bom ngày 3-8 làm ít nhất 17 người thiệt mạng.

Bên cạnh an ninh, LHQ cũng thúc giục các nhà lãnh đạo Iraq mau chóng đạt được thỏa thuận xây dựng chính phủ mới. Lời kêu gọi này xuất phát từ tiến trình đàm phán chính trị bị bế tắc sau cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 3-2010, với kết quả là liên minh của cựu Thủ tướng Iyad Allawi đứng đầu với 91 ghế, còn phe của đương kiêm Thủ tướng Nouri al-Maliki được 89 ghế. Vì vậy, không có đảng phái hay liên minh nào giành đủ đa số 163 ghế để tự đứng ra thành lập chính phủ nên buộc phải xây dựng chính quyền mới trên nguyên tắc chia sẻ quyền lực, hòa hợp dân tộc. Tuy nhiên, một chính phủ như thế thật không dễ dàng chút nào vì nó có liên quan đến lợi ích chính trị của các thế lực bên trong lẫn bên ngoài Iraq.

Cụ thể, Thủ tướng al-Maliki đang tiếp tục nhận được sự hậu thuẫn của Hội đồng Hồi giáo Tối cao Iraq và phong trào chống Mỹ của giáo sĩ cấp tiến Muqtada Sadr, hai lực lượng chính trị rất có thế lực ở nước này. Ông al-Maliki cũng nhận được sự ủng hộ của Iran, quốc gia nằm ở phía Đông, vì liên minh của ông đại diện cho quyền lợi của người Hồi giáo dòng Shiite chiếm đa số ở Iraq cũng như Iran. Trong khi đó, cựu Thủ tướng Allawi tuy là người Hồi giáo dòng Shiite nhưng theo quan điểm thế tục, nên nhận được sự ủng hộ của cả người Hồi giáo dòng Sunni. Arabie Séoudite, quốc gia nằm ở phía Nam tự xưng là bảo vệ cho quyền lợi của người Hồi giáo dòng Sunni, dĩ nhiên đứng về phía ông Allawi. Ngoài ra, ông Allawi còn nhận được sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia ở phía Bắc, bởi quan điểm chống tham vọng ly khai của cộng đồng người Kurd. Hơn nữa, ở phía Tây, Syrie được cho là “theo” ông Allawi vì từng ân xá cho các cựu thành viên đảng Ba’ath của của cố Tổng thống Saddam Hussein.

Về phần mình, Mỹ không muốn có sự can thiệp và ảnh hưởng của các nước trong khu vực, đặc biệt là Iran, vào tiến trình chính trị ở Baghdad. Mỹ hy vọng hai ông Allawi và al-Maliki bắt tay xây dựng chính phủ hòa hợp dân tộc nhằm bảo đảm lợi ích của phương Tây trong tiến trình phát triển ở quốc gia Vùng Vịnh giàu dầu mỏ này.

Người ta quan ngại sự bất ổn an ninh và chia rẽ tôn giáo, chính trị sẽ làm đời sống kinh tế-xã hội ở đất nước “nghìn lẻ một đêm” này khó cải thiện. Ngành công nghiệp dầu mỏ, xương sống của nền kinh tế Iraq, chưa thể phục hồi như mức trước thời kỳ bị cấm vận của LHQ cũng như trước cuộc chiến tranh tàn phá năm 2003. Khoảng 1,8 triệu người Iraq chạy tị nạn chính trị và chiến tranh ra nước ngoài, chủ yếu ở Syrie và Jordanie, cho đến nay vẫn chưa được hồi hương. Hàng tỉ USD được đầu tư vào ngành điện nhưng nhiều người Iraq chỉ tiếp cận nguồn điện chưa tới 6 giờ/ngày, thậm chí thấp hơn thời ông Hussein.

PHÚC NGUYÊN
(Theo Latimes, AP, Reuters, WP)

Chia sẻ bài viết