21/03/2012 - 14:05

Iran – Thổ Nhĩ Kỳ đấu đá vì Syrie

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (trái) và Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad có còn giữ được mối quan hệ thân thiết sau những bất đồng về Syrie? Ảnh: rferl.org

“Một trong những dư chấn của phong trào nổi dậy tại Syrie là sự kết thúc bất ngờ tuần trăng mật ngọt ngào của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đã bắt đầu ngay sau khi đảng Công lý và Phát triển lên cầm quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ cách đây gần 10 năm. Nhiều năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã nhận ra rằng họ có nhiều điểm chung nhờ vào Syrie. Nhưng giờ đây cũng chính vì Syrie, hai quốc gia này có hàng triệu lý do để bất đồng”. Nhà phân tích Sami Moubayed, trong bài viết “Iran-Thổ Nhĩ Kỳ đấu đá vì Syrie” đăng trên trang thông tin trực tuyến của Thời báo châu Á số ra gần đây, đã nhận xét như thế.

Theo Sami Moubayed, “cuộc hôn nhân” ấy từ lâu đã có dấu hiệu đổ vỡ và nó chỉ diễn ra nhanh hơn khi phong trào nổi dậy tại Syrie nổ ra vào tháng 3-2011. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan luôn thể hiện lập trường cứng rắn chống chính quyền của Tổng thống Syrie Bashar al-Assad, trong khi Iran là chỗ dựa vững chắc cho đồng minh Syrie.

“Quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Iran không giống như đối với các nước khác trong khu vực Trung Đông. Trong mắt họ, Iran là một quốc gia lớn và có tầm quan trọng nên phải được kiểm soát hơn là đối đầu”- Daphne McCurdy, một nhà nghiên cứu về Trung Đông nhận định. Chẳng hạn, quay lại thời điểm năm 1979, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong số rất ít những quốc gia trong khu vực không hốt hoảng khi Cách mạng Hồi giáo diễn ra tại Tehran. Thổ Nhĩ Kỳ cũng trở thành một trong những nước đầu tiên trên thế giới công nhận chính phủ của nhà lãnh đạo Khomeini, đồng thời họ cũng từ chối áp đặt lệnh cấm vận chống Iran sau cuộc khủng hoảng con tin tại Đại sứ quán Mỹ ở Tehran giai đoạn 1979-1981.

Đến thập niên 1990, Thổ Nhĩ Kỳ ký với Iran một thỏa thuận mua bán khí đốt trị giá tới 24 tỉ USD. Ai cũng biết, Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh của Mỹ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng không ít lần Ankara phớt lờ sức ép của Mỹ để duy trì tốt mối quan hệ với Iran. Đơn cử vào tháng 6-2010, Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ phiếu chống nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc do Mỹ soạn thảo nhằm tăng cường các biện pháp cấm vận chống Iran. Có ý kiến cho rằng vì lệ thuộc vào dầu khí của Iran, nên Thổ Nhĩ Kỳ “cố bỏ qua” những khác biệt, thậm chí là xung đột, về mặt chính trị với Iran.

Hơn 90% dân số Thổ Nhĩ Kỳ theo đạo Hồi dòng Sunni, trong khi đại đa số người dân Iran theo đạo Hồi dòng Shiite. Không chỉ trong vấn đề Syrie, “cuộc cạnh tranh trong hòa hoãn” của Thổ Nhĩ Kỳ với Iran còn thể hiện rõ trong vấn đề Iraq. Thổ Nhĩ Kỳ bênh vực phe Iraq theo dòng Sunni chống lại phe Shiite đang cầm quyền ở Iraq được Iran hậu thuẫn, mà hai phe này nay đang đấu đá nhau dữ dội. Đó là lý do mà Chính phủ Iraq của Thủ tướng al-Maliki thường lên tiếng tố cáo Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp vào công việc nội bộ của Iraq, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ tố cáo Iraq “dung dưỡng” tổ chức vũ trang có tên gọi “Đảng Công nhân Kurdistan (PKK)” chống phá Ankara.

Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iran càng chất chứa thêm “mối bất hòa” khi hồi năm rồi, Thổ Nhĩ Kỳ cho phép NATO đặt trạm radar cảnh báo sớm tại nước này. Tất nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ cho phép đặt hệ thống lá chắn phòng thủ vào tháng 9-2011 sau khi những căng thẳng giữa quốc gia này và Iran về tình hình Syrie bắt đầu leo thang. Khi đó cố vấn cấp cao của Đại giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei, ông Ali Akbar cho rằng hình mẫu “Hồi giáo thế tục” của Thổ Nhĩ Kỳ thực ra là “một phiên bản của chế độ dân chủ tự do kiểu phương Tây, không thể chấp nhận được đối với những quốc gia đã kinh qua giai đoạn nhận thức Hồi giáo”. Trước phát biểu trên, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bulent Arinc đã phản ứng: “Tôi nói thẳng với Cộng hòa Hồi giáo Iran là tôi không biết liệu các bạn có xứng đáng với tên gọi Hồi giáo? Các bạn có nói lên sự thật những gì đang xảy ra tại Syrie?”.

Giới phân tích cho rằng Syrie đã trở thành “quân bài” trong cuộc chơi quyền lực giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện quan điểm ủng hộ phe nổi dậy ở Syrie nhằm lật đổ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad. Thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ là nơi “khai sinh” của Hội đồng Dân tộc Syrie (SNC), hiện đang nắm trong tay lực lượng nổi dậy tự xưng là Quân đội Syrie Tự do (FSA). Trong khi đó, Iran lo ngại sự chuyển giao quyền lực tại Syrie có thể sẽ tạo điều kiện cho Thổ Nhĩ Kỳ tự do tiếp cận Syrie, hạn chế ảnh hưởng về mặt chính trị, quân sự, văn hóa và kinh tế của Tehran.

Thủ tướng Erdogan ngày 16-3 thông báo Ankara đang xem xét kế hoạch thiết lập một “vùng đệm” bên trong lãnh thổ Syrie, để giải quyết vấn đề dòng người tị nạn Syrie đang tháo chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng nhiều do cuộc xung đột trong nước. Tuyên bố của người đứng đầu chính quyền Ankara cho thấy khả năng nước ngoài can thiệp quân sự vào quốc gia Trung Đông này đang ngày càng cao, càng khiến cho mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iran quanh vấn đề Syrie thêm căng thẳng.

THANH DƯƠNG
(Theo Atimes, Reuters)

Chia sẻ bài viết