* Ký: KIM CHINH
Trong nhiều tấm gương anh hùng liệt sĩ (AHLS) đã anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại Cần Thơ, nhiều người thường nhắc đến Nguyễn Việt Hồng với sự nể phục sâu sắc. Người con gái 18 tuổi kiên cường ấy đã chọn cho mình cái chết làm rúng động tinh thần của Mỹ - ngụy và dấy lên phong trào đánh Mỹ sôi nổi ở toàn miền Nam. Nhiều người nghe kể về hành động dũng cảm của chị, nhưng rất ít người biết đến chân dung thật đầy đủ về người con gái “sống đẹp, chết anh hùng” này. Hơn 40 năm trôi qua, trong ký ức của những người từng sống, chiến đấu cùng với Nguyễn Việt Hồng vẫn còn khắc sâu những kỷ niệm đẹp về chị - những câu chuyện cảm động làm nên huyền thoại người con gái Tây Đô anh hùng.
* Cái nôi nuôi dưỡng anh hùng
Trong cuộc họp mặt truyền thống phụ nữ khu Tây Nam bộ lần II tại tỉnh Kiên Giang, tôi may mắn được xếp ở cùng phòng với bà Phan Thị Tốt (Ba Tốt), nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP Hồ Chí Minh, là mẹ của AHLS Nguyễn Việt Hồng. Suốt đêm ấy, nằm kề bên nghe bà kể chuyện đời, tôi cứ thầm thán phục người chiến sĩ cộng sản kiên cường, người mẹ vĩ đại ấy.
 |
Bà Lê Minh Châu, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Cần Thơ, nâng niu bức tượng Nguyễn Việt Hồng.
Ảnh: KIM CHINH. |
Theo gương cha, 15 tuổi, cô gái Phan Thị Tốt đã tham gia phong trào cách mạng ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Với bản tính sôi nổi, làm việc gì cũng quyết liệt, ăn nói mạnh dạn, diễn thuyết hay, bà sớm có tên trong “sổ đen” của địch. Sau lần bị bắt giam vì tội “phỉ báng quận trưởng”, bà thoát ly đi gầy dựng cơ sở cách mạng ở nhiều nơi theo sự phân công của tổ chức, từ Vĩnh Long, Cần Thơ, đến Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau... Năm 1940, tham gia Khởi nghĩa Nam kỳ ở Cà Mau, bà bị địch bắt trên đường về Vĩnh Long móc nối liên lạc với Xứ ủy Nam kỳ và bị giam giữ tại Khám Chí Hòa tới năm 1945 được trao trả. Bà được tổ chức mai mối nên nghĩa vợ chồng với ông Nguyễn Hùng Sơn (Nguyễn Văn Quý) - một cán bộ lớn hơn bà 10 tuổi, quê ở tỉnh Hà Nam, bị tù đày ở Côn Đảo đến năm 1945 cũng được trao trả về Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang hiện nay) hoạt động. Dù rất thương vợ con nhưng ông cũng đi biền biệt nên gần như tự bà lo việc sinh nở, chăm sóc các con. Dù con nhỏ, bụng mang dạ chữa, bà không hề từ nan bất kỳ nhiệm vụ gì tổ chức giao. Địch thi hành luật 10/59, mang máy chém đi khắp miền Nam, nhiều cơ sở cách mạng bị địch đánh phá ác liệt, đang mang thai ở tháng cuối, bà vẫn lặn lội đi gầy dựng cơ sở ở vùng kềm. Bị địch ruồng bố gắt gao, bà một mình sinh con trong chòi hoang. Đứa bé bị nhau choàng không ra được, bà lấy kéo lần cắt cuống nhau, tự đỡ sinh cho mình, mẹ con bà thoát chết trong gang tấc... Với vai trò là cô đỡ rất “mát tay”, trong nhiều giai đoạn ác liệt, bà gởi con ở nhiều nơi để đi gầy dựng cơ sở ở vùng “yếu”, vùng “kềm”, tổ chức đưa đón cán bộ qua những đồn bót địch. Nhiều lúc vì bảo vệ cán bộ mà bà phải mạo hiểm tính mạng của con mình. Như có một lần chở cán bộ ngang qua đồn giặc, Việt Quang, con trai thứ 5 của bà cứ khóc to. Sợ bị lộ, bà cặp xuồng thả con xuống mé kinh rồi chèo đi thẳng. Thằng bé sợ quá nín bặt, leo lên bờ chạy theo quyết liệt. Qua khỏi đoạn nguy hiểm, bà mới ghé vô bờ rước con. Lần khác, bà dẫn cán bộ đi công tác ngang qua chỗ gởi con. Thằng bé thấy bóng mẹ, mừng quá cứ chạy theo gọi. Giữa lúc ấy, địch nã đạn pháo, bà phải nén nỗi đau để tiếp tục đưa cán bộ tới nơi an toàn, trong khi không biết con mình có thể sống sót hay không. May thay, có người kịp kéo thằng bé vào hầm tránh đạn... Bà nói: “ Hồi đó, có người bảo cô là “bà mẹ sắt đá”. Bởi do nhiệm vụ công tác và bị tù đày, nên 7 người con của cô đều gởi cho tổ chức và nhân dân nuôi dưỡng...”. Nghe những lời tâm sự từ tận đáy lòng bà, tôi mới thấu hiểu nỗi đau của người mẹ do hoàn cảnh chiến tranh phải đứt ruột xa con đi chiến đấu. Mỗi lần mang thai, bà cứ mong chậm đến ngày sinh để được giữ con bên mình lâu thêm chút nữa...
Năm 1964, chồng bà bị giặc bắt rồi hy sinh trong tù, trách nhiệm làm mẹ càng đè nặng trái tim bà. Trong những năm tháng ác liệt ấy, Việt Hồng, cô con gái thứ 3 của bà, khi còn nhỏ tuổi đã biết thay mẹ chăm sóc các em. Bà bồi hồi kể: “ Cô sanh Việt Hồng năm 1950. Từ đó tới năm 1961 sanh thêm 5 đứa nữa, đem gởi nhiều nơi, nhưng mấy đứa em cứ đòi ở chung chỗ với chị Hồng. Có lẽ hoàn cảnh gian khổ làm cho Hồng già dặn trước tuổi, nó là đứa hết sức thấu hiểu, thương mẹ và chịu nhiều cực khổ với các em. Từ nhỏ đã ẵm em tới chai hông. Cô đem chị em nó gởi ở đâu, người ta cũng thương. Hiểu hoàn cảnh “ăn nhờ ở đậu” của mình và cũng để cho mẹ yên tâm công tác nên đi tới đâu nó cũng ráng chịu cực chịu khổ để làm vừa lòng chủ nhà. Ai làm gì nó cũng nhào vô phụ tiếp và biết bảo ban, dạy dỗ các em. Có đứa bị nổi ghẻ đầy đầu, đêm nào cũng nằm trên tay chị ngủ đến độ một bên cánh tay Hồng lở riết thành sẹo. Có lẽ do ảnh hưởng từ cha mẹ và các cô chú trong vùng kháng chiến, chứng kiến sự hy sinh gian khổ của nhiều người nên từ nhỏ Hồng hay nói “lớn lên con ráng làm được như ba má”. Có thời gian mấy mẹ con ở gần chỗ Khu ủy đóng, Hồng cứ nằng nặc đòi cô cho lên Quân Y viện tiếp đổ bô, chăm sóc cho thương binh. Cô cứ sợ Hồng còn nhỏ dại, không làm được, vậy mà ai cũng khen nó chăm sóc thương binh rất tốt. Lúc Hồng đi học ở Trường Lý Tự Trọng, chuyện gì nó cũng xông xáo, mấy cháu học cùng trường cứ nức nở khen chị Hồng giỏi giang... Hồi nhỏ, mỗi khi được gần mẹ là Hồng cứ đòi cô kể về gương hy sinh của AHLS Võ Thị Sáu. Nghe xong nó cứ nói: “Sau nầy đi đánh giặc, có chết con cũng sẽ chết dũng cảm như chị Võ Thị Sáu”. Tưởng con nói vậy rồi thôi... ai dè lớn lên nó làm thiệt...”. Kể đến đó, bà lặng lẽ nhìn lên trần nhà, đôi mắt đỏ hoe...
* Noi gương chị Võ Thị Sáu
Bà Lê Minh Châu (Bảy Minh Châu), nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Cần Thơ, một trong những người bạn thân thiết của bà Ba Tốt, là người Việt Hồng xem như người mẹ thứ hai. Gặp lại bà trong lúc thành phố đang náo nức tổ chức nhiều sự kiện trọng đại kỷ niệm 35 năm ngày Giải phóng miền Nam, bà lại bồi hồi nhớ những bạn bè, đồng chí đã nằm xuống và giọng cứ rưng rưng khi nhắc đến Việt Hồng. Bà còn nhớ như in cái ngày bà Ba Tốt (khi ấy là Tỉnh ủy viên ở Sóc Trăng), đang mang thai đứa con thứ 6, chèo chiếc xuồng bể chở 3 con từ Sóc Trăng về Phụng Hiệp nhận công tác và chờ ngày sinh. Bà đón mấy mẹ con trong tình trạng ướt loi ngoi, do qua sông lớn bị chìm xuồng suýt chết. Bà kể, tuy còn nhỏ nhưng Hồng rất lanh lẹ, đôi mắt sáng long lanh, gương mặt bầu bĩnh và ăn nói rất lễ phép, dễ thương nên dắt em đi ở nhờ nơi đâu, ai cũng thương... Sau trận Mậu Thân năm 1968, tổ chức rút bà Ba Tốt về tăng cường cán bộ cho tuyến trên, Việt Hồng cũng vừa học hết lớp 7 ở Trường Lý Tự Trọng, được tăng cường về làm giao liên tại Khu vực 1, thị xã Cần Thơ, do bà Tăng Thị Bê phụ trách. Bà Bảy Minh Châu nhớ lại: “Tánh Hồng giống hệt mẹ, cương quyết, thẳng thắn, trung thành, làm việc gì là quyết làm cho tới nơi tới chốn. Hồng luôn ao ước được cầm súng đánh Mỹ. Khi ra thị xã, được phân công làm giao liên, Hồng làm rất tốt nhưng nhiều lần xin các dì cho vô “biệt động thành” để diệt Mỹ. Mới tham gia đánh thử trận đầu tiên thì hy sinh...”.
Người trực tiếp tham gia trận đánh cùng với Việt Hồng lúc đó là bà Nguyễn Thị Nhung (Chín Nhung), nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Cần Thơ, nay đã nghỉ hưu. Dù không được khỏe nhưng bà vẫn nhiệt tình chuẩn bị, cung cấp cho tôi những gì bà còn lưu giữ về Nguyễn Việt Hồng. Bà nhớ lại: “Tiếc là do giữ bí mật nên hình ảnh của Hồng đã hủy hết, tấm ảnh mà báo chí hay đăng mờ không rõ nét nên ít ai hình dung được diện mạo của Hồng. Ở ngoài, Hồng có gương mặt dễ thương, tóc dày, cắt ngắn và quăn tự nhiên, đôi mắt sáng tinh nghịch, tính tình vui vẻ và rất lanh lợi. Sau Tết Mậu Thân, Hồng ra ở với tôi tại căn nhà số 11 đường Quang Trung, giả là con gái quê ra học may để tạo thế hợp pháp hoạt động. Hồng rất xông xáo, giao nhiệm vụ gì cũng làm tròn. Hồng khôn khéo qua mắt địch, đem được nhiều truyền đơn và vũ khí vô nội thành, tham gia treo khẩu hiệu, rải truyền đơn... Sau Tết Mậu Thân, địch quy định giờ thiết quân lực gắt gao. Lực lượng phòng vệ dân sự (PVDS) và đêm nào cũng đi lùng sục, xét nhà, bắt bớ. Chủ trương của ta là tìm cách đánh làm tan rã đám PVDS. Sau khi điều nghiên, nắm giờ giấc sinh hoạt của đám PVDS đóng ở gần sân banh, Hồng đề xuất xin đánh và được đồng chí Tư Bê chấp thuận. Khoảng 9 giờ tối, tôi cùng Hồng đi vô con hẻm nằm sát bức tường sân banh, thấy tụi PVDS lơ là, chúng tôi quyết định hành động. Tới ngang lô cốt, tôi giả bộ giỡn, bị vấp đá vào chân Hồng. Hồng làm bộ bị đau quị xuống vừa cằn nhằn tôi vừa nhanh tay bấm kíp mìn hẹn giờ, đặt xuống đám cỏ sát tường rào lô-cốt. Trong ánh đèn pha, tôi còn thấy ánh mắt tinh nghịch của Hồng nháy tôi ý nói “thành công rồi”. Đêm đó, hai chị em hồi hộp chờ hoài nhưng mìn không nổ. Sáng hôm sau, Hồng quay lại thăm dò, sợ địch phát hiện, bị lộ điểm đánh và nhất là sợ gây thương vong cho bà con, Hồng lấy mìn đem về. Hồng đi còn cách nhà khoảng 50 mét thì mìn nổ. Chỗ đó gần nơi lính Mỹ ở, dù một chân Hồng bị giập nát nhưng chúng để Hồng nằm đó rất lâu để khai thác, với sự chứng kiến rất đông của người dân. Hồng chỉ một mực nói: “Gia đình tôi ở miền Trung, bị giặc Mỹ giết hại nên tôi vô đây tìm diệt Mỹ, không có bà con thân thích gì ở đây”. Hơn 2 tiếng sau chúng mới chở Hồng vô nhà thương (Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cũ) băng bó và tiếp tục khai thác...”. Giọng nghẹn ngào, bà Chín Nhung kể trong nước mắt: “Nghe nói chân còn lại của Hồng cũng bị chúng cưa từng đoạn để khai thác nhưng hễ tỉnh lại là Hồng hô khẩu hiệu, chửi Mỹ. Thấy Hồng nằm thiêm thiếp, tên sĩ quan Mỹ đến sát giường để xem xét thì bất chợt Hồng vùng dậy, ghì chặt đầu hắn và cắn sâu vào cổ. Bọn chúng hoảng loạn đánh đập thế nào Hồng cũng không nhả ra, tới khi chúng lấy kềm bẻ răng Hồng mới gỡ ra được và đánh đập Hồng cho tới chết...”.
Không riêng bà Chín Nhung, tất cả những người từng quen biết Việt Hồng đều đau đớn trước tin dữ đó và trong lòng đều dâng lên niềm xúc động, tự hào về người đồng chí anh hùng. Bà Bảy Minh Châu nghẹn ngào nói: “Chúng đem xác Hồng bỏ trước nhà xác cả ngày, nhân dân trong thị xã nghe nói, ùn ùn kéo tới xem. Nghe những người đi coi về kể lại mặt Hồng bị chúng đập giập nát và bụng bị đâm rất nhiều nhát... Đến sáng hôm sau thì có tin xác Hồng biến mất, bên ta thì nghĩ địch thủ tiêu, còn địch thì nghĩ là ta bố trí lấy xác... mãi tới sau giải phóng mới tìm thấy”.
* Tên chị còn mãi với thời gian
Sau cái chết anh dũng của Việt Hồng, Tỉnh ủy, Khu ủy và lực lượng vũ trang các tỉnh phát động noi gương Nguyễn Việt Hồng đánh Mỹ, tạo nên phong trào sôi nổi diệt Mỹ toàn miền Nam. Tới lúc hy sinh, Việt Hồng cũng không hay người mẹ thân yêu của chị cũng đang bị tra khảo trong nhà tù Mỹ - ngụy. Khi câu chuyện đầy huyền thoại về người con gái anh hùng 18 tuổi, tên Hồng ở Cần Thơ được truyền đến nhà tù, linh tính của người mẹ mách bảo bà Ba Tốt đó là đứa con thân yêu của mình và không lâu sau thì tổ chức báo tin.
Sau giải phóng, bà Ba Tốt trở về tìm lại các con và bất ngờ hơn, một ngày nọ bà nhận được tin báo đã tìm được mộ Nguyễn Việt Hồng. Vài năm trước, trong lần gặp bà tại nhà cô Mai Thị Hoàng, Nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Cần Thơ, tôi được nghe bà kể chi tiết hơn hành trình tìm mộ chồng đầy vất vả. Bà cũng rất trân trọng khi nhắc đến một ông cụ giữ nhà xác, vì cảm kích sự hy sinh anh dũng của người con gái trẻ tuổi, đêm đó ông đã rủ một số người dân tốt bụng khác lén đưa xác Hồng lên xe lôi, chở đi chôn cất tại một nghĩa địa cách đó gần 1 cây số (nay là nơi đặt trụ sở của UBMTTQVN thành phố Cần Thơ và một số cơ quan hành chính nhà nước). Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông đã đến gặp chính quyền cách mạng trình báo để chị được an táng chu đáo. Đảng bộ và nhân dân thành phố Cần Thơ (cũ) đã long trọng đưa chị về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ thành phố (nay thuộc phường Long Tuyền, quận Bình Thủy).
Nâng niu bức tượng bán thân bằng thạch cao của Nguyễn Việt Hồng được đặt làm từ nhiều năm trước, bà Bảy Minh Châu bồi hồi nhắc những chuyến cùng bà Ba Tốt đi tảo mộ Việt Hồng và cho biết bà Ba Tốt rất thích bức tượng này. Giờ đây, má Ba Tốt đã đi xa, nhưng hàng năm vẫn có hàng ngàn lượt cán bộ, đoàn viên thanh niên, học sinh thường đến thăm nom mộ AHLS Nguyễn Việt Hồng. Tên của chị được đặt cho một con đường đẹp trong nội ô quận Ninh Kiều và một ngôi trường cấp 3 lớn của thành phố cùng nhiều công trình khác trên cả nước. Tên chị vẫn sống mãi trong lòng mọi người, cũng như cuộc đời rất đẹp, đầy huyền thoại của chị.