15/01/2013 - 21:34

Huy động mọi nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông

Năm 2012, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng các dự án, nhất là đối với các dự án trọng điểm; hàng loạt công trình cũng đã được hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm qua. Năm 2013, ngành GTVT tiếp tục thực hiện "Năm kỷ cương, chất lượng, tiến độ công trình giao thông", phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân tất cả các nguồn vốn được giao và dự kiến sẽ có thêm 51 dự án sẽ được hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm nay…

* Kết quả khả quan…

Hiện có 142 công trình dự án (trong đó có dự án thành phần) do Bộ GTVT phê duyệt đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 709.000 tỉ đồng đang được triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước. Trong đó, Bộ GTVT làm chủ đầu tư 29 dự án, tổng mức đầu tư 130.338 tỉ đồng; Bộ GTVT ủy quyền chủ đầu tư 84 dự án, tổng mức đầu tư 331.932 tỉ đồng. Còn lại là dự án đầu tư theo hình thức BT với 5 dự án, tổng mức đầu tư 29.978 tỉ đồng; BOT với 20 dự án, tổng mức đầu tư 99.867 tỉ đồng; PPP với 4 dự án, tổng mức đầu tư 117.223 tỉ đồng...

 Cầu Cái Răng (TP Cần Thơ) do Trung ương đầu tư và xây dựng, được đưa vào sử dụng gần đây đang phát huy hiệu quả.  

Năm 2012, Bộ GTVT được giao tổng kế hoạch vốn XDCB hơn 27.660 tỉ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách nhà nước 12.329 tỉ đồng (giao đầu năm 7.949 tỉ đồng và giao ứng trước kế hoạch vốn 2013 là 4.380 tỉ đồng), nguồn vốn trái phiếu chính phủ hơn 15.331 tỉ đồng (giao đầu năm 9.584 tỉ đồng và giao ứng trước kế hoạch vốn 2013 hơn 5.747 tỉ đồng). Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, ngay từ đầu năm 2012, Bộ GTVT đã chỉ đạo xây dựng và giao kế hoạch vốn đầu tư phù hợp với định hướng, chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và thực tế xây dựng cơ bản (XDCB) của ngành GTVT. Đồng thời, bộ triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng các dự án, nhất là đối với các dự án trọng điểm. Bộ GTVT còn xác định năm 2012 là "Năm chất lượng công trình" và tiếp tục thực hiện các kế hoạch, đề án tăng cường chất lượng các công trình giao thông… Nhờ đó, tiến độ thực hiện nhiều công trình, dự án đạt và vượt kế hoạch như: đường Vành Đai 3 (giai đoạn 2) TP Hà Nội, Cảng Quốc tế Cái Mép-Thị Vải, cầu Nhật Tân (gói thầu số 1), cầu Bến Thủy II, Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc… Năm qua, công tác quản lý và đảm bảo chất lượng công trình giao thông cũng đã có chuyển biến tích cực, hầu hết các dự án đang triển khai thực hiện và đưa vào khai thác sử dụng trong năm không xảy ra sự cố, vi phạm lớn về chất lượng công trình...

Năm qua, toàn ngành GTVT (các công trình do Bộ GTVT quản lý) thực hiện công tác XDCB với giá trị khối lượng và giải ngân đạt được kết quả khá tốt; thực hiện đạt giá trị 36.919,1 tỉ đồng, giải ngân 39.524,9 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ thực hiện đạt giá trị 28.914 tỉ đồng (đạt 164% so với kế hoạch giao đầu năm), giải ngân 31.567 tỉ đồng (đạt 182% so với kế hoạch giao đầu năm); các dự án ngoài ngân sách thực hiện đạt 8.005 tỉ đồng, giải ngân đạt hơn 7.957 tỉ đồng... Năm 2012, ngoài nỗ lực hoàn thành đưa vào sử dụng 39 dự án (76 công trình), ngành GTVT cũng đã triển khai khởi công mới 23 dự án (38 công trình). Trong các dự án, công trình hoàn thành đưa vào sử dụng trên có nhiều dự án, công trình nằm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như: tuyến Quản Lộ-Phụng Hiệp, Mỹ An-Cao Lãnh, cảng An Thới (đảo Phú Quốc). Ngoài ra, còn có dự án các cầu yếu: Cái Vồn Nhỏ, cầu Thành Lợi, cầu Số 2 (tỉnh Vĩnh Long); Đất Sét (Quốc lộ 1 - thuộc tỉnh Hậu Giang); Cái Bần Trên, Cái Sơn, Cái Sâu (Quốc lộ 54 - tỉnh Đồng Tháp); Bến Nhất (Quốc lộ 61 - tỉnh Kiên Giang), Cái Cá (Quốc lộ 60 - tỉnh Bến Tre)...

* Đẩy mạnh xã hội hóa

Theo Bộ GTVT, năm 2013 là năm tiếp tục triển khai thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Nhiều dự án trọng điểm giao thông được Nhà nước chủ trương tập trung đầu tư như: nâng cấp mở rộng quốc lộ 1A, một số đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam, nối thông đường Hồ Chí Minh và nâng cấp đoạn qua Tây Nguyên, tuyến nối Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đến các cửa ngõ và các đầu mối giao thông quan trọng, các tuyến đường biên giới, ven biển, hành lang kinh tế Đông –Tây, các cảng biển cửa ngõ quốc tế, cảng hàng không quan trọng. Công tác xã hội hóa đầu tư các dự án giao thông cũng đã thuận lợi hơn sau khi Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế đặc thù tại các dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội-Cần Thơ và dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên với mức thu phí bằng 3,5 lần so với mức giá cơ bản. Song, năm 2013 sẽ tiếp tục khó khăn về kinh tế trong nước và quốc tế, tổng vốn ODA do các nhà tài trợ cam kết cho Việt Nam chỉ đạt gần 6,5 tỉ USD (giảm hơn 1 tỉ USD so với năm 2012), do đó vốn đầu tư XDCB năm 2013 thiếu nhiều so với nhu cầu, ảnh hưởng đến tiến độ nhiều dự án của ngành GTVT. Mặt khác, chủ trương xã hội hóa đầu tư, thu hút đầu tư các dự án BT, BOT, PPP xây dựng hạ tầng của ngành GTVT cũng sẽ gặp nhiều khó khăn do các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang gặp khó về tài chính…

Năm 2013, Bộ GTVT tiếp tục thực hiện "Năm kỷ cương, chất lượng, tiến độ công trình giao thông", phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân tất cả các nguồn vốn được giao. Trong đó, dự kiến nguồn ngân sách nhà nước hơn 6.277 tỉ đồng và nguồn trái phiếu chính phủ 13.000 tỉ đồng. Cũng theo Bộ GTVT, dự kiến nguồn vốn ngân sách nhà nước được giao chỉ mới đáp ứng được 25% nhu cầu và trái phiếu chính phủ đáp ứng được 85% nhu cầu. Năm nay, ngoài tập trung thi công, phấn đấu hoàn thành đưa vào sử dụng 51 dự án (trong đó có 42 dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, 9 dự án ngân sách nhà nước và 2 dự án của các tổng công ty…), Bộ GTVT còn dự kiến khởi công 39 dự án trong năm 2013. Trong các dự án khởi công mới, có một số dự án có tầm quan trọng đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long như: dự án Kết nối khu vực trung tâm vùng Đồng bằng Mê Công (gồm cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh, tuyến nối Cao Lãnh-Vàm Cống), dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ-Rạch Giá, dự án BOT mở rộng quốc lộ 1A đoạn Cần Thơ-Phụng Hiệp, đầu tư xây dựng công trình cải tạo nâng cấp quốc lộ 63 đoạn tỉnh Cà Mau… Riêng cầu Vàm Cống, Bộ GTVT dự kiến khởi công trong tháng 7-2013, cầu Cao Lãnh dự kiến khởi công trong tháng 9-2013...

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2012 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2013 vừa được Bộ GTVT tổ chức, nhiều địa phương đã phản ánh đang xảy ra tình trạng thiếu vốn cho nhiều công trình giao thông thi công dang dở, gây khó khăn cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đề nghị Bộ GTVT "rót" vốn thêm cho các công trình này. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Thể phản ánh, vừa qua Bộ GTVT bố trí cho địa phương 150 tỉ đồng phục vụ giải phóng mặt bằng cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống, địa phương đã giải ngân hết, đề nghị Bộ bố trí thêm để sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng phục vụ khởi công 2 dự án thành phần này trong năm 2013. Ngoài ra, dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Đồng Tháp dài 32 km cũng đang thiếu vốn khoảng 40 tỉ đồng, Bộ nên bố trí thêm để sớm thi công hoàn thành đưa vào sử dụng đoạn này… Trước những kiến nghị của các địa phương, Bộ GTVT cho biết sẽ xem xét bố trí vốn cho các công trình giao thông ưu tiên, trọng điểm, trong đó cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống sẽ được ưu tiên bố trí đủ vốn cho tỉnh Đồng Tháp và TP Cần Thơ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng…

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cho rằng: Kế hoạch vốn XDCB năm 2013 cho ngành GTVT chỉ bằng một nửa so với năm 2012, trong khi nhu cầu vốn rất lớn. Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan sẽ có các giải pháp gỡ khó về vốn cho ngành GTVT, nhưng ngành cũng phải đẩy mạnh kêu gọi đầu tư từ xã hội với các dự án BT, BOT, PPP… Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT phải tập trung các nguồn lực thi công hoàn thành 51 dự án và khởi công mới 39 dự án trong năm 2013 theo đúng kế hoạch của ngành; trong công tác quản lý về XDCB cần quan tâm nâng cao chất lượng và hiệu quả các công trình…

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết