22/09/2011 - 21:56

Cần Thơ

Hướng đến mục tiêu thành phố công nghiệp

* NHÓM PV KINH TẾ

Theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 17-2-2005 của Bộ Chính trị, (khóa IX) về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp (CN) hóa, hiện đại hóa đất nước (gọi tắt là Nghị quyết 45), Cần Thơ phải phấn đấu là một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp CN hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở thành thành phố CN trước năm 2020… Thực hiện Nghị quyết 45, dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với nỗ lực và quyết tâm cao, TP Cần Thơ đã đạt được những thành tựu quan trọng và chuẩn bị nguồn lực cho mục tiêu trở thành thành phố CN.

6 năm thực hiện Nghị quyết 45, kinh tế TP Cần Thơ đã và đang đi đúng định hướng phát triển: gia tăng tỷ trọng ngành CN – dịch vụ trong cơ cấu kinh tế thành phố. Chạy đúng “đường ray”, TP Cần Thơ đã và đang mang dáng dấp của một thành phố CN trẻ...

Bài 1: ĐỊNH HÌNH THÀNH PHỐ CÔNG NGHIỆP

CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC

Chế biến gạo, thủy sản… được xác định là những ngành công nghiệp trọng tâm của thành phố. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất của Công ty Lương thực Sông Hậu. Ảnh: MỸ THANH. 

Theo UBND TP Cần Thơ, giai đoạn 2006 – 2010, tình hình kinh tế – xã hội TP Cần Thơ có những mặt thuận lợi và khó khăn đan xen nhau. Những năm đầu của giai đoạn này có nhiều yếu tố thuận lợi và cơ hội phát triển tốt, tình hình sản xuất CN đạt mức tăng trưởng cao và hội nhập ngày càng sâu hơn vào kinh tế khu vực và thế giới. Từ năm 2008, đã xuất hiện những biến động bất lợi do lạm phát, tiếp đến là suy thoái kinh tế toàn cầu... ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế nói chung và ngành CN nói riêng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh này, ngành CN của thành phố vẫn chuyển biến theo hướng tích cực. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ngành CN dần đi vào ổn định và phát triển, đưa giá trị sản xuất CN của thành phố năm sau luôn cao hơn năm trước và đạt mức tăng trưởng 18,63% trong giai đoạn 2006 - 2010. Điển hình như: giá trị sản xuất CN của thành phố trong năm 2010 đạt khoảng 19.286 tỉ đồng, tăng gấp 5,56 lần so với năm 2000, gấp 2,5 lần so với năm 2005. Riêng 9 tháng đầu năm 2011, giá trị sản xuất CN của thành phố ước đạt trên 16.010 tỉ đồng, tăng 13,33% so cùng kỳ năm trước.

Trong cơ cấu sản xuất CN của thành phố, CN chế biến có mức tăng trưởng nhanh nhất và chiếm tỷ trọng lớn nhất (chiếm gần 98%) trong tổng giá trị sản xuất CN của toàn thành phố. Giá trị sản xuất của ngành này năm 2009 đạt khoảng 16.290 tỉ đồng, bằng 5,22 lần so với năm 2000, bằng 2,02 lần so với năm 2005 và đạt trên 18.890 tỉ đồng trong năm 2010. Theo nhận định của Sở Công Thương TP Cần Thơ, sự phát triển của CN chế biến đã khẳng định vai trò quan trọng của khu vực này trong cơ cấu ngành CN TP Cần Thơ. Trong đó, ngành CN chế biến nông thủy sản là ngành chủ lực và phát triển nhanh nhất. Ngoài ra, các ngành khác như: CN phân bón – hóa chất, sản xuất kim loại và các sản phẩm từ kim loại, ngành dệt may, ngành sản xuất vật liệu xây dựng... cũng đóng góp quan trọng trong sự phát triển của toàn ngành. Đến nay, sản phẩm CN xuất khẩu của thành phố có mặt trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

DÁNG DẤP CỦA THÀNH PHỐ CN TRẺ

Theo nhận định của các ngành hữu quan, bắt đầu thực hiện Nghị quyết 45, kinh tế TP Cần Thơ chủ yếu vẫn là nông nghiệp, không khác gì so với các địa phương trong vùng ĐBSCL. Đây là khó khăn lớn cho thành phố trong việc đầu tư, xây dựng và phát triển thành thành phố CN. Tuy nhiên, với nỗ lực và quyết tâm cao, đến nay, TP Cần Thơ đã hình thành và phát triển mang dáng dấp của một thành phố CN trẻ – cơ cấu kinh tế của thành phố đang chuyển dịch theo hướng gia tăng sản xuất CN –xây dựng, giảm dần giá trị sản xuất nông nghiệp. Năm 2010, so với năm 2005, trong cơ cấu GDP, nông nghiệp chiếm 10,61%, giảm 8,09%; CN – xây dựng chiếm 44,16%, tăng 4,32%. Từ năm 2006 đến nay, thành phố đã cơ bản xây dựng và hình thành được các ngành CN dựa trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh và tập trung đầu tư có trọng điểm. Từ đó, góp phần to lớn trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng CN hóa, đưa năng lực cạnh tranh của ngành CN từng bước nâng cao, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh và tiềm lực phát triển kinh tế thành phố.

Đến nay, thành phố bước đầu đã hình thành một mạng lưới khu CN (KCN), cụm CN nhằm thu hút đầu tư, phát triển sản xuất CN. TP Cần Thơ hiện có 8 KCN với tổng diện tích hơn 2.356 ha. Trong đó, KCN Trà Nóc 1 và 2, KCN Thốt Nốt giai đoạn 1 cơ bản được lấp đầy. KCN Ô Môn và Bắc Ô Môn đang tiến hành lập quy hoạch 1/2000... Đến nay, các KCN trên địa bàn TP Cần Thơ có 197 dự án còn hiệu lực. Trong đó có 157 dự án đã hoạt động, 26 dự án đang xây dựng, 14 dự án chưa triển khai. Diện tích đất CN được thuê là 546,518 ha với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,756 tỉ USD, vốn đầu tư thực hiện 696,12 triệu USD, thu hút hơn 34.000 lao động... Ngoài ra, trên địa bàn thành phố hiện có 4 cụm CN, với diện tích 162,61 ha và 25 dự án đầu tư đang hoạt động. Các KCN, cụm CN vừa nêu, tạo được mặt bằng thuận lợi cho sản xuất, góp phần phục vụ việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nằm trong nội ô vào khu vực sản xuất tập trung. Bên cạnh đó, việc hình thành các khu, cụm CN đảm bảo việc phát triển CN theo quy hoạch ngành và lãnh thổ, tiết kiệm được nguồn lực phát triển hạ tầng, sử dụng quỹ đất có hiệu quả cho nhà đầu tư.

BÀI HỌC NÀO CHO SỰ PHÁT TRIỂN?

Chủ động trong sản xuất kinh doanh, phát huy nội lực của doanh nghiệp ngành CN là yếu tố tiên quyết, thúc đẩy thành công trong quá trình phát triển CN. Một minh chứng sống động là Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu Miền Tây (West food). Khi mới thành lập, West food xuất khẩu ra nước ngoài chủ yếu nguyên liệu đã qua sơ chế. Từ năm 2008 đến nay, West food bắt đầu xuất khẩu thành phẩm dạng đóng hộp sang các thị trường: Mỹ, Hàn Quốc, châu Âu... Bà Lê Kim Loan, Giám đốc West food, cho biết: hiện nay, West food xuất khẩu khoảng 30 container hàng thực phẩm đóng hộp/tháng với các sản phẩm chủ lực là các loại rau, củ, quả đóng hộp... Để đạt được kết quả này, West food không ngừng cải tiến công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng thị trường truyền thống và mở rộng thêm các thị trường tiềm năng. Sản phẩm của West food bước đầu đã xâm nhập vào thị trường Nhật, một thị trường khá “khó” trong an toàn vệ sinh thực phẩm... Trên lĩnh vực sản xuất thiết bị, dụng cụ sản xuất nông nghiệp, nhờ liên tục cải tiến mẫu mã, cho ra đời nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, Doanh nghiệp tư nhân Nhựa Hoàng Thắng (phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt) không ngừng mở rộng sản xuất, kinh doanh. Hiện tại, ngoài các tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL, các sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp của Hoàng Thắng (dụng cụ gieo hạt thẳng hàng, thiết bị phun xịt thuốc, máy gặt đập lúa liên hợp) đã có mặt ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung và xuất sang một số nước như: Philippines, Indonesia, Malaysia, Lào, Campuchia, Thái Lan...

Sự hỗ trợ tích cực của các ngành hữu quan trong giải quyết kịp thời những vấn đề khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp... cũng là yếu tố quan trọng, tạo sự đồng thuận cao trong phát triển CN trên địa bàn thành phố. Ông Nguyễn Thái Học, Tổng giám đốc Công ty Liên doanh Thép Tây Đô, cho biết: Hiện nay, sản phẩm của Thép Tây Đô có mặt khắp các tỉnh thành ĐBSCL. Kết quả này, một phần nhờ vào sự hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi của các ngành hữu quan TP Cần Thơ. Đặc biệt trong đó, ngành điện hỗ trợ đủ điện sản xuất; Hải quan Cần Thơ tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho công ty nhập khẩu thép nguyên liệu và xuất khẩu. Ngoài ra, theo UBND TP Cần Thơ, để có bước phát triển khá trong lĩnh vực CN thời gian qua, thành phố xem việc phát triển CN chế biến là điều kiện, là phương tiện chủ yếu để đẩy mạnh quá trình CN hóa. Bởi CN chế biến được ưu tiên phát triển vì đầu ra của sản phẩm bảo đảm việc tái sản xuất mở rộng cho bản thân ngành và các ngành kinh tế khác. Ngoài ra, quá trình phát triển CN của thành phố đã thực hiện đúng các quan điểm định hướng của công tác quy hoạch; phát huy được lợi thế, tạo nên sức mạnh phát triển CN gắn với nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Ngành CN thành phố đã thu hút được mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển sản xuất; bước đầu có sự gắn kết, thúc đẩy các ngành kinh tế khác như: nông nghiệp, dịch vụ phát triển thông qua các chương trình cơ giới hóa nông nghiệp, điện khí hóa nông thôn, phát triển dịch vụ các khu CN,... Công tác quy hoạch, thực hiện quy hoạch phát triển các KCN, khu chế xuất trên địa bàn thành phố tương đối tốt là điều kiện cần để phát triển nền CN thành phố.

(Còn tiếp)

Theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, đến đầu năm 2011, trên địa bàn thành phố có gần 7.850 cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất CN, chủ yếu thuộc thành phần kinh tế ngoài quốc doanh. Các cơ sở, doanh nghiệp này giải quyết việc làm cho trên 91.265 lao động. Qua kết quả thống kê, lợi nhuận của các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động sản xuất CN trong những năm qua tăng với nhịp độ tăng là 45,4%. Trong bối cảnh có nhiều tác động tiêu cực từ biến động khó lường của kinh tế vĩ mô trong thời gian qua, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất CN có mức tăng lợi nhuận như trên là một trong những yếu tố tích cực, tạo ra nguồn tái đầu tư phát triển hoạt động sản xuất CN nói riêng và kinh tế nói chung.

Bài 2: NHẬN DIỆN THÁCH THỨC

Chia sẻ bài viết