10/03/2024 - 21:34

Hướng đến hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp  

Tiếp tục thực hiện mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thành phố vừa triển khai kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp (ÐTNNN) cho lao động nông thôn năm 2024 trên địa bàn thành phố. Qua đó, góp phần nâng chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động (NLÐ)…  

Giờ thực hành của học viên lớp nghề trồng rau màu phường Trà Nóc, quận Bình Thủy.

Trang bị kiến thức, kỹ năng

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) quận Ô Môn vừa tổ chức bế giảng, cấp chứng chỉ sơ cấp bậc 1 cho 33 học viên (HV) lớp nghề kỹ thuật trồng sầu riêng, phường Trường Lạc, quận Ô Môn. Trong 47 ngày thực học, HV được trang bị kỹ thuật trồng sầu riêng cơ bản để ứng dụng canh tác trên phần đất nhà đạt năng suất. Theo ông Phạm Thành Thông, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX quận Ô Môn, HV tham gia học đầy đủ, chủ động tìm hiểu, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trồng sầu riêng. Ða số HV đang trồng sầu riêng rất phấn khởi vì được bổ sung kỹ thuật mới, giúp thu hoạch đạt năng suất cao, số HV còn lại thêm tự tin để đầu tư trồng sầu riêng”. Chị Võ Thị Thu Thảo, khu vực Trường Hòa, cho biết: “Qua thời gian học nghề, chúng tôi học hỏi, tiếp thu nhiều kiến thức, kỹ thuật bổ ích. Mỗi HV có thể kết hợp kinh nghiệm nhà nông của mình để phát triển vườn sầu riêng, đạt hiệu quả kinh tế”.

Trước đó, 25 HV lớp nghề kỹ thuật trồng rau màu, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy được cấp chứng chỉ sơ cấp bậc 1 sau 47 ngày học nghề, do Trung tâm GDNN-GDTX quận Ô Môn đảm trách đào tạo. Do lớp nghề phù hợp nhu cầu, hầu hết HV hăng hái vận dụng kiến thức lý thuyết vào thực hành trồng rau màu các loại. Kết quả, có 24 HV đạt loại xuất sắc và giỏi kỳ thi kiểm tra cuối khóa học. Chị Nguyễn Thị Ngọc Dung, khu vực 2, cho biết: “Sau khi nghỉ việc, tôi tận dụng đất trống quanh nhà, học hỏi kỹ thuật qua mạng xã hội để trồng các loại rau, phụ mẹ bán ở chợ, bán dạo, tăng thu nhập. Tham gia lớp học nghề, tôi được bổ sung kỹ thuật trồng các loại rau, nhất là trồng rau thủy canh”.   

Năm 2023, Chi cục Phát triển nông thôn và Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ và Trung tâm GDNN-GDTX quận Ô Môn tổ chức 6 lớp ÐTNNN, với 180 lao động, trong đó, có các đối tượng được ưu tiên hỗ trợ, như người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo, bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm… HV các lớp nghề được hướng dẫn sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn thực phẩm. Giảng viên xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất phù hợp điều kiện địa phương, trong đó, chú trọng tuyển chọn cây giống, ủ phân hữu cơ, nuôi chế phẩm sinh học, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua đó, HV tiết kiệm từ 20-50% chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Các giáo trình, tài liệu giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuyên môn, giảng viên có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm hoặc kỹ năng nghề, HV dễ tiếp thu kiến thức ứng dụng vào thực tế sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu dùng và nâng cao thu nhập.

Đào tạo nguồn lao động nông nghiệp

Tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2025, kế hoạch ÐTNNN cho lao động nông thôn năm 2024 được triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố, Theo đó, toàn thành phố tổ chức 16 lớp ÐTNNN trình độ sơ cấp nghề, dưới 3 tháng cho 560 lao động; tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập ít nhất 85% lao động sau đào tạo. NLÐ trực tiếp làm nghề nông nghiệp có nhu cầu, thuộc đối tượng được hỗ trợ học nghề theo quy định. Người học nghề được hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học và không quá 90 ngày; tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học, nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi thường trú từ 15km trở lên.

Các ngành, địa phương khảo sát, thống kê nhu cầu học nghề của NLÐ các xã, phường, thị trấn và nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo tại doanh nghiệp, ưu tiên NLÐ thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi là người có công cách mạng, dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo, khuyết tật, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ mất việc làm... Thành phố tuyển sinh và tổ chức các lớp ÐTNNN trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng cho lao động có nhu cầu tại các cơ sở GDNN, doanh nghiệp, hợp tác xã; nhân rộng các mô hình đào tạo phối hợp 3 bên, gồm: NLÐ, cơ sở GDNN và đơn vị, cá nhân có nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo. Có 9 cơ sở đào tạo, gồm: Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ, Trường Trung cấp Nghề Thới Lai và Trung tâm GDNN-GDTX 6 quận, huyện: Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Ðiền, Cờ Ðỏ, Vĩnh Thạnh tham gia dạy các nghề: trồng cây ăn trái, hoa, rau màu, lúa giống, tạo dáng chăm sóc cây cảnh; nuôi thủy sản nước ngọt, nuôi và phòng, trị bệnh gia súc...  

Ðể công tác ÐTNNN cho lao động nông thôn đạt hiệu quả, bên cạnh tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách ÐTNNN cho lao động nông thôn, các mô hình đào tạo nghề hiệu quả, các gương điển hình tiên tiến, sản xuất giỏi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố tích cực phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức rà soát NLÐ có nhu cầu học nghề, tạo việc làm. Ðồng thời, kiểm tra, giám sát quá trình ÐTNNN tại các cơ sở đào tạo; thẩm định, xem xét và điều chỉnh kịp thời lớp nghề đào tạo, đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề và giải quyết việc làm tại địa phương…

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết