07/10/2011 - 21:10

Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22-9-2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-11-2011.

Thẩm quyền ra quyết định Thanh tra hành chính

Căn cứ kế hoạch thanh tra, Chánh thanh tra các cấp, các ngành ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra. Đối với những vụ việc phức tạp, liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều cơ quan, đơn vị hoặc vụ việc đặc biệt phức tạp, liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều cấp, nhiều ngành, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Giám đốc sở, Chủ tịch UBND cấp huyện ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra (hoặc Đoàn thanh tra liên ngành đối với vụ việc đặc biệt phức tạp) để thực hiện nhiệm vụ thanh tra.

Thanh tra hành chính đột xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật; theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng hoặc do Thủ trưởng cơ quan cùng cấp giao. Chánh Thanh tra các cấp ra quyết định thanh tra hành chính đột xuất, thành lập Đoàn thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra và gửi quyết định thanh tra đột xuất đến Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp để báo cáo. Những vụ việc phức tạp hoặc đặc biệt phức tạp, có liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều cơ quan, đơn vị, nhiều cấp, nhiều ngành thì Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước ra quyết định thanh tra đột xuất, thành lập Đoàn thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra.

Trưởng đoàn Thanh tra hành chính có trách nhiệm chủ trì xây dựng và trình người ra quyết định phê duyệt kế hoạch thanh tra, phổ biến kế hoạch thanh tra, xây dựng đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo; thông báo, công bố quyết định thanh tra hành chính; thu thập thông tin tài liệu, đánh giá việc chấp hành chính sách, pháp luật, báo cáo tiến độ thực hiện nhiệm vụ thanh tra, báo cáo kết quả thanh tra, xây dựng, kết luận thanh tra.

Thực hiện quyền trong hoạt động thanh tra

Trong quá trình thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành hoặc người ra quyết định thanh tra có quyền yêu cầu các đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu đó; yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo bằng văn bản, giải trình về những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra.

Tùy theo từng trường hợp, khi có căn cứ và xét thấy cần phải ngăn chặn ngay hoặc để xác minh tình tiết làm chứng cứ cho việc kết luận, xử lý thì Trưởng đoàn thanh tra hoặc người ra quyết định thanh tra thực hiện niêm phong tài liệu, kiểm kê tài sản, trưng cầu giám định tạm đình chỉ hành vi vi phạm, tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép; yêu cầu tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra; ra quyết định thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc thất thoát do hành vi trái pháp luật gây ra.

Ngoài ra, Chính phủ quy định hồ sơ thanh tra, trình tự thủ tục chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm để khởi tố hình sự, công khai kết luận thanh tra...

NG.B (thực hiện)

Chia sẻ bài viết