27/04/2010 - 10:12

Hungary có thủ tướng mới

Ông Viktor Orban mừng thắng lợi của Fidesz. Ảnh: AFP

Đảng Fidesz trung hữu của cựu Thủ tướng Viktor Orban đã giành thắng lợi ở vòng 2 cuộc tổng tuyển cử Hungary hôm 25-4. Với chiến thắng được xem là lớn nhất trong gần 20 năm qua của Fidesz, ông Orban có điều kiện thuận lợi để thực hiện nhiều cam kết như cắt giảm thuế, sắp xếp lại bộ máy chính quyền, thúc đẩy chi tiêu xã hội, hay cấp thẻ công dân cho cộng đồng người Hungary ở nước ngoài.

Có thể thấy sau thắng lợi ở vòng một với 206 ghế hôm 11-4, Fidesz có nhiều cơ hội hơn so với đảng Xã hội vừa hết nhiệm kỳ, vì chỉ cần kiếm được đa số phiếu đơn thuần (chứ không cần đa số tuyệt đối 50%+1 như vòng một) là có thể giành thắng lợi ở lần bỏ phiếu tại 57 quận của vòng hai. Với 97,3% số phiếu được kiểm đến hôm 26-4, Fidesz được 67,9% và đảng Xã hội được 15,3%, trong khi hai đảng lần đầu tiên giành được ghế ở Quốc hội là Jobbik cực hữu và đảng Xanh LMP lần lượt được 12,2% và 4,2%. Theo kết quả sơ bộ trên, Fidesz đã có 263 ghế, vượt xa con số 258 ghế cần thiết để chiếm thế đa số 2/3 trong Quốc hội 386 ghế nhiệm kỳ mới của Hungary. Trong khi đó, đảng Xã hội trở thành đối lập với 59 ghế, còn Jobbik có 47 ghế, đảng Xanh LMP 6 ghế, và 1 ghế thuộc về ứng viên độc lập.

Các nhà phân tích cho rằng chiến thắng áp đảo của Fidesz sẽ tạo điều kiện cho chính phủ mới của ông Orban thay đổi hiến pháp và thông qua các dự luật cải cách nhằm phục hồi kinh tế đất nước. Hungary là một trong những nước sớm mở cửa kinh tế với phương Tây vào năm 1989. Ban đầu, Hungary đi tiên phong trong việc tư nhân hóa tài sản nhà nước và nền kinh tế tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, việc chính phủ chi tiêu xã hội quá lớn đã dẫn tới thâm hụt ngân sách, rồi khủng hoảng nợ vào năm 1995. Hiện nay, Hungary tuy là thành viên của Liên minh châu Âu (EU), nhưng không hội đủ tiêu chuẩn để gia nhập khối đồng tiền chung châu Âu như các nước láng giềng Ba Lan, Czech, Slovakia và Slovenia. Thậm chí khi mức sống người dân các nước láng giềng Đông Âu đã được thu hẹp so với Tây Âu, dân Hungary vẫn còn gánh những khoản thâm hụt tài chính công và nợ nước ngoài nặng nề. Tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng lên tới 11,4% từ khoảng 8% trước khủng hoảng.

Có uy tín với phong cách mạnh mẽ, ông Orban, 46 tuổi, từng làm thủ tướng giai đoạn 1998-2002, khi kinh tế Hungary đang hưng thịnh. Lần này, ông quay lại nắm quyền khi Hungary đang nỗ lực khôi phục sự ổn định về kinh tế và chính trị. Lo sợ mất niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài, ông Orban cũng tự tạo khoảng cách với đảng Jobbik cực hữu, khi cho rằng Fidesz sẽ không bao giờ thành lập liên minh với Jobbik hoặc bất kỳ đảng cực đoan nào khác. Nhằm thu hút sự đóng góp của kiều bào, ông Orban cũng nhấn mạnh rằng sẽ mở rộng việc cấp quốc tịch cho cộng đồng người Hungary ở nước ngoài, giống như Roumanie, Slovakia, Ukraina và Serbia từng thực hiện. Ông Orban tuyên bố tái lập lại phúc lợi xã hội, ủng hộ các doanh nghiệp Hungary, chấp nhận tăng thâm hụt ngân sách, thậm chí lên tới 7,5% GDP, và dự báo thu ngân sách thấp hơn kế hoạch. Trong chiến dịch tranh cử, ông tuyên bố sẽ đàm phán lại với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cùng với EU về các điều kiện giải ngân gói giải cứu kinh tế trị giá 25 tỉ USD.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, với mục tiêu thúc đẩy kinh tế đầy tham vọng, Fidesz cũng khiến các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại, vì đảng này chủ trương thiết lập các quy định nghiêm ngặt về mua sắm công, đấu thầu tư nhân hóa, hoặc hạn chế sở hữu nước ngoài ở các công ty. Những cam kết tăng chi tiêu cùng với cắt giảm thuế cũng có thể làm cho tình trạng thâm hụt ngân sách nước này trở nên trầm trọng hơn, gây nguy cơ khủng hoảng tài chính mới. Hiện tại, kinh tế Hungary đối mặt với năm suy thoái thứ hai, sau khi suy giảm 6,3% năm ngoái.

N. MINH (Theo WSJ, NYT, AFP)

Chia sẻ bài viết