12/07/2024 - 15:18

Hun đúc, khuyến khích sinh viên hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo 

Tiếp nối thành công khóa 1, Khóa đào tạo về tâm thế khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ÐMST) - khóa 2 tiếp tục đến với hơn 70 sinh viên của trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ trong 2 ngày 11 và 12-7. Với những kiến thức căn bản, cốt lõi, khóa học không chỉ giúp các em sinh viên thay đổi tư duy, nhận thức mà còn khích lệ tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để biến ước mơ, ý tưởng khởi nghiệp thành hiện thực.

Sinh viên tham gia thuyết trình trong khuôn khổ khóa đào tạo.

Theo ông Nguyễn Thanh Ðiền, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin KH&CN, các bạn trẻ nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng có tinh thần nhiệt huyết; ý tưởng kinh doanh mới mẻ, độc đáo nhưng do chưa có nhiều kinh nghiệm nên không khỏi bỡ ngỡ trong hành trình khởi nghiệp. Vì vậy, hằng năm, trung tâm đều tổ chức các khóa đào tạo chuyên về rèn luyện tâm thế khởi nghiệp cho startup trẻ, các em học sinh, sinh viên. Riêng khóa đào tạo lần này, trung tâm phối hợp với Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ tổ chức nhằm trang bị cho học viên những kiến thức, kỹ năng cần thiết để có thể bắt đầu và phát triển những ý tưởng khởi nghiệp của mình. Ðồng thời, hình thành tư duy thích nghi trong môi trường kinh tế có nhiều thay đổi, kỹ năng tạo lập mô hình kinh doanh tinh gọn và linh hoạt, thích ứng với điều kiện thị trường.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Nhung, Trưởng phòng Quản lý học sinh, sinh viên, Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ, nhấn mạnh: “Thúc đẩy khởi nghiệp và ÐMST đang dần trở nên quan trọng và là yếu tố then chốt trong khuôn khổ giáo dục đại học, cao đẳng ở Việt Nam. Ðiều này được thể hiện qua những nỗ lực không ngừng trong việc hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và ÐMST cho sinh viên tại các trường. Nhiều chương trình, cuộc thi khởi nghiệp cũng được triển khai nhằm khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên. Ðánh giá tầm quan trọng của vấn đề này, nhà trường tạo mọi điều kiện để tham gia khóa đào tạo và kỳ vọng khóa học sẽ là bước đệm quan trọng, giúp các bạn sinh viên tự tin hơn trên con đường khởi nghiệp và ÐMST”.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng, kinh tế thế giới phát triển và không ngừng biến động, tinh thần khởi nghiệp và ÐMST đóng vai trò vô cùng quan trọng. Không chỉ giúp tạo ra giá trị kinh tế mới, khởi nghiệp và ÐMST còn là động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội, mang lại những giải pháp sáng tạo để giải quyết những vấn đề cấp bách của cộng đồng. Trong 2 ngày, các học viên được cung cấp kiến thức về tư duy khởi nghiệp và ÐMST; giới thiệu khái niệm và thành phần hệ sinh thái khởi nghiệp ÐMST, vai trò và tâm thế của người khởi nghiệp trong hệ sinh thái khởi nghiệp ÐMST; lộ trình phát triển doanh nghiệp mang tính ÐMST: các giai đoạn từ ý tưởng đến hiện thực hóa; tư duy sáng tạo và các nguyên lý tư duy hiệu quả của doanh nhân; năng lực cơ bản trong khởi nghiệp ÐMST như xây dựng kế hoạch kinh doanh, phân tích thị trường, quản lý tài chính và phát triển sản phẩm…

Ông Vũ Tấn Phát, Founder Công ty CP Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ TECHTRA, giảng viên khóa đào tạo, cho biết: “Ở khóa đào tạo này, tôi mang đến học viên 3 nội dung cốt lõi: chặng đường khởi nghiệp, những điều cần nên biết, các hoạt động khởi nghiệp từ trường đại học. Mặt khác tôi cũng tập trung rèn cho các em kỹ năng thuyết trình và cách thể hiện ý tưởng của mình (văn bản, slide…) để từng bước hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp cũng như thuyết phục được các nhà đầu tư cấp vốn cho dự án của mình”.

Chương trình đào tạo kết hợp giữa các bài giảng cùng các buổi thảo luận nhóm giữa người học và giảng viên để đảm bảo các kiến thức của chương trình được áp dụng cũng như tùy chỉnh phù hợp với đối tượng học viên là sinh viên. Sau chương trình, với những kiến thức và kỹ năng thu được, người học có thể thực hiện được các nhiệm vụ, kế hoạch và mục tiêu của mình. Em Nguyễn Thị Tiến, sinh viên năm 2, lớp Dược 11M, Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ, chia sẻ: “Em có ý định khởi nghiệp lĩnh vực ăn uống. Do còn là sinh viên, nguồn vốn khởi nghiệp hạn chế, em mong muốn khóa đào tạo sẽ giúp em tiếp cận mô hình khởi nghiệp tinh gọn và các giải pháp quảng bá dịch vụ của mình để nhiều người biết đến một cách nhanh chóng. Mặt khác, em cũng kỳ vọng có thể học được cách đầu tư khởi nghiệp sao cho tiết kiệm tối đa chi phí và mang lợi nhuận tối ưu”.

Theo Trung tâm Thông tin khoa học và công nghệ, sau khóa đào tạo, thành phố sẽ tiếp tục đồng hành cùng các bạn sinh viên trong hành trình hoàn thiện và hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp. Hiện trên địa bàn TP Cần Thơ có 23 tổ chức/đơn vị tham gia quản lý, thực hiện các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp ÐMST. Ðặc biệt, ngành khoa học và công nghệ đã triển khai mô hình thúc đẩy ÐNST và khởi nghiệp CASTI HUB (tại số 118/3 Trần Phú, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều) trên cơ sở tận dụng tối đa và hiệu quả các nguồn lực hiện có của các đơn vị trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ và các đối tác để hỗ trợ phát triển các dự án khởi nghiệp ÐMST, cũng như khẳng định sự tham gia của Nhà nước trong hoạt động khởi nghiệp ÐMST. Ngoài ra, thành phố cũng đang xúc tiến thực hiện Ðề án thành lập Trung tâm Khởi nghiệp và ÐMST TP Cần Thơ. Trung tâm này sẽ đóng vai trò là tổ chức đầu mối kết nối và khai thác các nguồn lực trong và ngoài thành phố cho hoạt động khởi nghiệp và đổi ÐMST; xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và ÐMST TP Cần Thơ và vùng ÐBSCL.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết