28/01/2008 - 22:55

Đồng bằng sông Cửu Long

Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ phát triển mạnh

ĐBSCL có nhiều nguyên liệu thiên nhiên như: lục bình, bẹ chuối, cói, năn tượng... để sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Đây là sản phẩm thân thiện môi trường được nước ngoài ưa chuộng. Các hợp tác xã (HTX) thủ công mỹ nghệ đã đầu tư dạy nghề, thiết kế mẫu mã, tận dụng nguồn nhân lực nông nhàn, nguyên liệu thiên nhiên, để sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, mỗi năm thu về hàng chục triệu USD. Việt Nam gia nhập WTO, cánh cửa xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ càng rộng mở với các HTX khu vực ĐBSCL...

KHỞI SẮC

Đầu năm 2008, không khí sản xuất tại HTX Quang Minh (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) thật nhộn nhịp. Công nhân của HTX Quang Minh tất bật đan, sơn, đóng gói, khuân vác, nhập kho, đưa hàng lên xe tải để kịp giao hàng xuống tàu. Chủ nhiệm HTX Quang Minh- Cao Dũng Khanh phấn khởi báo tin vui: “Năm 2007, HTX Quang Minh có nhiều thuận lợi nhờ đội ngũ lao động nhiều, nguồn nguyên liệu dồi dào, được nhiều khách hàng nước ngoài biết đến đặt hàng. Nhờ đó, HTX đã xuất khẩu được khoảng 800.000 sản phẩm, trị giá 4 triệu USD, tăng hơn năm trước 500.000 USD. Còn đầu năm 2008, HTX Quang Minh cũng đã ký hợp đồng trị giá trên 1,2 triệu USD, sản xuất đến hết quí I mới xong...”.

Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu ở HTX Quang Minh.

HTX Quang Minh được thành lập từ năm 2003, ngành nghề chủ yếu là sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ nguyên liệu lục bình, bẹ chuối, cói, buông với các sản phẩm như: thùng, kệ, khay, rổ, rương... HTX đã nhiều năm liền được khen thưởng “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín”. Nếu như năm 2003, HTX Quang Minh xuất khẩu được 298.000 USD, thì đến năm 2004, tăng vọt lên 2 triệu USD. Năm 2007, Việt Nam gia nhập WTO đã mang lại thêm nhiều cơ hội cho hàng thủ công mỹ nghệ, nhờ đó HTX Quang Minh đã xuất khẩu 4 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng bình quân 20-25%. Thị trường chính là: châu Âu 60%, Nhật 20%, Mỹ và Úc 15%... Ông Cao Dũng Khanh cho biết thêm: “HTX Quang Minh tăng trưởng mạnh là nhờ sản xuất khép kín từ nguồn nguyên liệu, khung sườn, thiết kế mẫu mã, xử lý nguyên liệu, đóng gói. Các khâu này đều thực hiện tại xưởng và tận dụng nguồn lao động tại chỗ nên giá thành thấp, cạnh tranh được với hàng thủ công mỹ nghệ Trung Quốc. Hiện nay, HTX đã tạo việc làm cho 5.000 lao động, với mức thu nhập từ 800.000-1.500.000 đồng/tháng”.

Hoạt động đầu năm mới ở HTX thêu may xuất khẩu và dịch vụ Kim Chi (TP Long Xuyên, An Giang), chuyên hàng thêu xuất khẩu như: khăn bàn, rèm cửa, drap, khăn tay, thiệp mừng, tranh thêu... cũng có bước khởi sắc. Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Chủ nhiệm HTX này, cho biết: Năm 2007, Việt Nam gia nhập WTO, hàng thêu may rộng cửa xuất khẩu. Nhờ uy tín xuất khẩu nhiều năm qua, HTX đã xuất khẩu hàng thêu may sang các nước như: Pháp, Đức, Ý, Singapore, Hy Lạp, Mỹ... với trị giá khoảng 300.000 USD, tăng hơn năm trước 100.000 USD.

HTX tiểu thủ công nghiệp Ngọc Bích (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) hiện có gần 4.000 lao động chuyên đan hàng gia công xuất khẩu từ lục bình, bẹ chuối, cói, năn tượng. Năm qua, HTX cung ứng bình quân mỗi tháng 30.000-40.000 sản phẩm, tăng hơn 40% so với năm 2006. Bà Huỳnh Ngọc Bích, Chủ nhiệm HTX, nói: “ Bây giờ, hàng thủ công mỹ nghệ bằng nguyên liệu năn tượng, cói được thị trường nước ngoài ưa chuộng. Sản xuất bao nhiêu cũng đều tiêu thụ hết. Chúng tôi chỉ lo không đủ sức đáp ứng được khách hàng có đơn đặt hàng lớn, chứ không ngại chuyện ế hàng”.

KHÓ KHĂN VẪN CÒN ĐÓ

Mặc dù hoạt động có nhiều thuận lợi trong năm qua, nhưng nhiều HTX sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ ở ĐBSCL lo ngại nguồn vốn, qui mô sản xuất còn nhỏ không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. HTX đan len Chiến Thắng (TP Mỹ Tho, Tiền Giang), chuyên đan áo len xuất khẩu, hiện có 3 phân xưởng đan với 300 công nhân. Năm 2007, HTX xuất khẩu hơn 300.000 sản phẩm, trị giá hơn 500.000 USD, giảm gần 200.000 USD. Chủ nhiệm HTX đan len Chiến Thắng- Đặng Ngọc Dung trăn trở: “Năm qua, khách hàng tìm đến HTX nhiều hơn, nhưng do qui mô sản xuất nhỏ nên không đáp ứng được nhu cầu khối lượng hàng lớn theo yêu cầu của đối tác. Hơn nữa, năm đầu tiên tham gia WTO, hạn ngạch hàng dệt may được xóa bỏ, nhưng nhiều khách hàng lại lo ngại bị áp thuế chống phá giá nên ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu... Năm 2008, xuất khẩu áo len có nhiều triển vọng hơn năm 2007. Đầu năm, dù chưa phải mùa xuất khẩu áo len, nhưng HTX đã có hợp đồng đặt hàng 55.000 sản phẩm, thực hiện đến hết quí I-2008”. Để tăng năng lực cạnh tranh, năm nay HTX đan len Chiến Thắng liên doanh đối tác xúc tiến triển khai đầu tư xây dựng lại nhà xưởng theo qui mô công nghiệp, mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng mới để tăng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của HTX là các nguyên, phụ liệu cho đan len phải nhập khẩu và phải cạnh tranh với sản phẩm cùng loại giá rẻ của các nước lân cận.

Còn HTX tiểu thủ công nghiệp Ngọc Bích tuy không phải lo nguồn nguyên liệu và đầu ra sản phẩm, song lại thiếu vốn sản xuất. Bà Huỳnh Ngọc Bích, Chủ nhiệm HTX, cho biết: HTX đã có hợp đồng thực hiện đến hết tháng 2-2008 và hiện nay không dám nhận đặt hàng thêm nữa vì thiếu tiền mua nguyên liệu và trả công thợ. Năm 2007, HTX đã đầu tư hơn 800 triệu đồng để mua một chiếc xe tải 5 tấn vận chuyển hàng lên thành phố Hồ Chí Minh và xây dựng nhà kho. Năm nay, HTX cần thêm 500 triệu đồng để thu mua nguyên liệu và trả tiền công thợ nhưng chưa xoay xở được. Đi vay ngân hàng, thì HTX không có tài sản thế chấp. Đó cũng là tình cảnh chung của các HTX thủ công mỹ nghệ khu vực ĐBSCL.

Các HTX thủ công mỹ nghệ xuất khẩu vùng ĐBSCL cho rằng đang đối đầu với nhiều thách thức và phải tự lực vươn lên. Giải pháp hữu hiệu cho các HTX thủ công mỹ nghệ xuất khẩu chính là cơ chế về vốn, công nghệ, nhân lực, xúc tiến thương mại... Ông Cao Dũng Khanh, Chủ nhiệm HTX Quang Minh, khẳng định: “HTX Quang Minh thành công như hôm nay đó chính là nhờ quảng bá, xúc tiến thương mại qua các lần hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ tại Pháp, Đức, Hongkong. HTX thêu may xuất khẩu và dịch vụ Kim Chi cũng vậy, qua các lần hội chợ chuyên ngành thủ công mỹ nghệ nước ngoài, HTX đã có nhiều đối tác đặt hàng và kim ngạch xuất khẩu nhanh chóng tăng lên. Do đó, các HTX thủ công mỹ nghệ xuất khẩu rất cần sự hỗ trợ để xúc tiến thương mại ở nước ngoài”.

Theo các HTX thủ công mỹ nghệ xuất khẩu khu vực ĐBSCL, tiềm năng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ còn nhiều triển vọng. Các HTX thủ công mỹ nghệ đang đầu tư khai thác các thị trường tiềm năng như: HTX Quang Minh đang có chiến lược phát triển thị trường Mỹ; HTX Kim Chi đang ngắm đến thị trường trong các nước khu vực như Campuchia, Singapore, Malaysia...

Bài, ảnh: QUANG HẢI

Chia sẻ bài viết