29/07/2014 - 21:13

Hoóc-môn căng thẳng khiến ký ức đau buồn “ăn sâu” vào não

Ảnh: Reuters

Nhóm chuyên gia Mỹ thuộc Đại học bang Arizona (ASU) phối hợp Đại học California (UCI) vừa phát hiện yếu tố quan trọng góp phần giải thích vì sao những ký ức đau buồn có thể khắc sâu trong tâm trí - đặc biệt ở phụ nữ. Điều này mở ra hy vọng phát triển phương pháp điều trị lâm sàng giúp ức chế hoóc-môn gây stress sau chấn thương tâm lý nhằm ngăn chuyện buồn trở nên sâu đậm.

Theo các chuyên gia, khi chúng ta trải qua những sự kiện đau buồn thì cơ thể sẽ giải phóng 2 hoóc-môn gây stress: norepinephrine và cortisol. Trong đó, norepinephrine (giống nội tiết tố adrenaline) kiểm soát các phản ứng khi bị stress như nhịp tim và huyết áp, thường gia tăng khi chúng ta cảm thấy bị đe dọa hay có phản ứng cảm xúc mạnh. Trong não, norepinephrine hoạt động như chất dẫn truyền thần kinh hay hoạt chất tăng cường trí nhớ. Về cortisol, hoóc-môn này cũng được chứng minh có tác động mạnh mẽ trong việc củng cố ký ức.

Kết quả từ các nghiên cứu trên chuột cho thấy yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tác dụng của cortisol có thể phụ thuộc vào hoạt tính của norepinnephrine trong quá trình học hỏi. Trong nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí Khoa học thần kinh, Phó Giáo sư Sabrina Segal và cộng sự đã chứng minh khả năng củng cố ký ức ở người cũng có cơ chế tương tự.

Nhóm chuyên gia đã cho 39 phụ nữ xem 144 tấm hình từ bộ ảnh International Affective Picture Set. Đây là bộ ảnh tiêu chuẩn thường được các nhà nghiên cứu dùng để kích thích phản ứng cảm xúc, từ trung bình đến mạnh sau khi xem. Trước đó, mỗi tình nguyện viên được tiêm một liều hydrocortisone để kích thích căng thẳng hoặc giả dược. Mỗi người sau đó đưa ra đánh giá cảm xúc của mình lúc xem hình ảnh. Họ cũng được xét nghiệm nước bọt trước và sau quá trình này.

Một tuần sau, bài kiểm tra nhắc lại được tiến hành bất ngờ. Những gì nhóm nghiên cứu nhận thấy là trải nghiệm tiêu cực dễ được ghi nhớ hơn khi sự kiện đau buồn đó đủ giải phóng cortisol và norepinephrine cũng được giải phóng trong hoặc ngay sau sự kiện này.

Theo bà Segal, nghiên cứu này đóng vai trò quan trọng góp phần hiểu rõ hơn về cách ký ức đau buồn tác động sâu sắc ở phụ nữ. Bởi nó cho thấy rằng, nếu chúng ta giảm được nồng độ norepinephrine ngay lập tức sau một chấn thương tâm lý thì có thể ngăn chặn cơ chế củng cố ký ức này xảy ra, cho dù lượng cortisol được giải phóng bao nhiêu sau sự kiện như vậy.

Các chuyên gia cũng cho rằng giới khoa học cần nghiên cứu sâu hơn để khám phá mối quan hệ giữa 2 hoóc-môn căng thẳng nói trên với giới tính, vì khả năng phát triển chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) ở phụ nữ thường cao gấp đôi so với nam giới.

ĐƯỜNG THẤT (Theo Science Daily)

Chia sẻ bài viết