19/07/2014 - 21:03

Hollywood đang “giết dần” những tài năng biên kịch?

 “Gravity”- bom tấn hiếm hoi được đánh giá cao về ý tưởng lẫn công nghệ kỹ thuật.

Biên kịch được xem là “linh hồn” của điện ảnh Hollywood, thế nhưng kinh đô điện ảnh thế giới đang thiếu hụt nghiêm trọng những biên kịch tài năng.

Biên kịch vốn được xem là một trong 10 nghề kiếm nhiều tiền nhất ở Mỹ. Với những biên kịch đã tạo dựng được tên tuổi, mỗi kịch bản của họ có giá đến hàng triệu USD. Thế nhưng, thu nhập của biên kịch cũng phải chịu lệ thuộc vào doanh thu của phim. Các nhà phân tích cho rằng trước sức ép kinh tế, nhà sản xuất buộc phải lựa chọn giải pháp an toàn – chọn những đề tài “hốt bạc” quen thuộc như siêu anh hùng, hành động. Họ sẵn sàng lên lịch làm hàng loạt “bom tấn” về những đề tài này, thậm chí làm lại, làm thêm (remakes, reboots, sequels), như: “Avatar”, “The Amazing Spider-Man”, “Transformers”… Điều này có nghĩa là các nhà biên kịch sẽ bị bó hẹp, quẩn quanh trong những đề tài quen thuộc, không có thời gian để sáng tạo ra ý tưởng mới.

Năm 2013 của Hollywood khép lại với nhiều “bom tấn” đạt doanh thu khủng như: “Iron Man 3”, “Man of Steel”… nhưng đáng buồn là chỉ có vài tác phẩm (“Gravity”, “The Croods”, “12 Years A Slave”) có ý tưởng và cách khai thác mới. Đây là tín hiệu đáng báo động về sự suy giảm số lượng lẫn chất lượng của các ngòi bút điện ảnh Hollywood. Đạo diễn Steven Spielberg đánh giá: “Hollywood đang đứng trước nguy cơ sụp đổ hoặc khủng hoảng lớn trong tương lai gần do quá chú trọng vào lợi nhuận, những yếu tố nghệ thuật đã bị đẩy lùi”. Nhiều kịch bản được viết ra chỉ chú trọng đến kỹ xảo, hành động mà không hề có nội dung, thậm chí chỉ là sự “chắp vá” nhiều phân đoạn. Chính điều này đã bào mòn sự sáng tạo của những biên kịch. Hollywood không còn là nơi sản sinh ra kịch bản gia xuất sắc như giai đoạn 1980- 1990 với những tên tuổi: Michael Tolkin, Joe Eszterhas, Shane Black, Ben Hecht, Billy Wilder, William Goldman... Nếu trước kia mỗi nhà biên kịch có phong cách, dấu ấn riêng trong tác phẩm của mình thì nay Hollywood đang tạo ra cả “rừng” cây bút na ná nhau.

Thêm vào đó, các nhà biên kịch không được trả tiền tương xứng với khả năng sáng tạo. Trung bình mức giá mỗi biên kịch được nhận là 25 USD/giờ (năm 2013), với thời gian làm việc cơ bản từ 40 giờ/tuần, trong suốt 52 tuần; thu nhập trung bình mỗi năm của họ khoảng 52.000 USD. Thậm chí, nhiều hãng phim tiết kiệm chi phí đã để đạo diễn kiêm luôn vai trò biên kịch. Sức cạnh tranh quá cao khiến nhiều biên kịch đành chấp nhận bỏ bút, chuyển nghề. Kế đến, môi trường làm việc ở Hollywood quá khắt khe, chỉ chạy theo lợi nhuận, trong khi đó bên truyền hình tạo mọi điều kiện thuận lợi để các biên kịch phát huy tài năng. Vì vậy, không ít biên kịch điện ảnh đã chuyển sang truyền hình, để rèn ngòi bút của mình. Điều này lý giải vì sao truyền hình đang trỗi lên mạnh mẽ bằng những bộ phim hấp dẫn, thú vị, như: “Game of Thrones” của David Beniofff và D.B.Weiss, “Walking Dead” của Frank Darabont…

Sự ra đi của các nhà biên kịch đang cảnh báo nguy cơ “sụp đổ liên hoàn” ở Hollywood như lời nhận định của nhà phân tích Charles Acland. Chính nhà phân tích Paul Laight cũng cho rằng Hollywood đang “giết dần” những tài năng biên kịch bởi tính thị trường của nó.

ÁI LAM (Tổng hợp từ whatculture, chron, guardian)

Chia sẻ bài viết