Rối loạn tiền đình (RLTĐ) không phải là bệnh mà là hội chứng, biểu hiện bằng những cơn chóng mặt, do tổn thương hệ thần kinh của các vùng tai, tim mạch, mắt, tâm thần. Trước đây, RLTĐ chỉ phát triển trong nhóm bệnh nhân trung niên, lao động trí óc. Hiện nay, qua phản ánh từ các phòng khám trong TP Cần Thơ, RLTĐ đã xuất hiện ở người trẻ tuổi (trên 20 tuổi) và không lao động trí óc, vì áp lực của đời sống công nghiệp. Mức nguy hại của RLTĐ là những bệnh nhân có bệnh lý đi kèm, như thiếu máu não hoặc cao huyết áp sẽ có nguy cơ đột quỵ dẫn đến tử vong.
* Không thể xem thường
 |
Nhiều trường hợp bị RLTĐ phải chụp MRI để phát hiện bệnh lý đi kèm- Trong ảnh: Chụp MRI cho một bệnh nhân bị RLTĐ ở BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long. |
Hiện nay, tại TP Cần Thơ có 2 bệnh viện trang bị máy chụp mạch máu xóa nền (DSA), thực hiện được kỹ thuật can thiệp tim mạch. Đó là Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Trung ương Cần Thơ và BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long. Theo thông tin từ 2 bệnh viện này, bình quân mỗi tuần đều tiếp nhận cấp cứu từ 10 20 trường hợp bệnh nhân bị đột quỵ. Trong đó, có nhiều trường hợp bị đột quỵ khi tuổi đời còn rất trẻ, có bệnh sử RLTĐ như vào 12-8-2013 BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long đã tiếp nhận ông Đỗ Văn Nguyên (39 tuổi, ở quận Ninh Kiều, Cần Thơ) trong tình trạng chóng mặt, đau nặng ngực, vã mồ hôi, mệt mỏi, nôn ói và đột ngột ngưng tim, ngưng thở. Nhờ gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời, nên ông Nguyên được cứu sống bằng kỹ thuật đặt stent nong mạch vành, tái lưu thông mạch máu. Khi ông Nguyên qua cơn nguy kịch, bà Võ Thị Thắm, vợ ông Nguyên nói: Chồng tôi thường xuyên bị chóng mặt, đi khám ở bác sĩ tư, bác sĩ nói chồng tôi bị cao huyết áp và RLTĐ. Do uống thuốc của bác sĩ hết bệnh, nên mỗi khi lên cơn chóng mặt là chồng tôi mang toa thuốc đó ra tiệm thuốc tây tự mua thuốc uống. Cũng vì bận việc làm ăn, chúng tôi đâu ngờ hậu quả ghê gớm vậy!
Do RLTĐ chỉ là triệu chứng chóng mặt, với triệu chứng này các phòng khám tại bệnh viện đều tiếp nhận và điều trị theo diện bệnh nhân ngoại trú. Do tình trạng quá tải bệnh nhân ngoại trú, bác sĩ ở phòng khám không đủ thời gian để tư vấn giúp cho bệnh nhân hiểu được mức nguy hại của hội chứng RLTĐ để kiên trì thăm khám, phát hiện đúng nguyên nhân gây chóng mặt. Ngoài ra, còn có trường hợp do cơ sở y tế không đủ trình độ chuyên môn, chỉ điều trị theo triệu chứng ban đầu, đã làm nguy hại cho bệnh nhân. Như trường hợp của cô Nguyễn Thị Ngọc Nga, giáo viên ở huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, đang điều trị bệnh viêm tai giữa (tai trái) ở BVĐK Trung ương Cần Thơ. Cô Nguyễn Thị Ngọc Nga cho biết: Hai năm qua, tôi thường xuyên bị chóng mặt và nhức đầu dữ dội, từng cơn, khám ở bệnh viện huyện và cả bác sĩ tư, chỗ nào cũng kết luận tôi bị "viêm thần kinh sọ não số 8, chi nhánh tiền đình". Tôi phải dùng thuốc liên tục. Đầu năm học này, khi đứng lớp tôi phát hiện tai phải của mình không còn nghe được. Đến BVĐK Trung ương Cần Thơ khám, bệnh viện cho tôi chụp CT, phát hiện tai phải của tôi đã bị điếc hoàn toàn do viêm tai giữa rất nặng, phải phẫu thuật để lấy hết mủ. Hiện bệnh đã lây sang tai trái, bệnh viện cho biết tôi phải tích cực điều trị nếu chậm trễ thì
".
* Hiểu để điều trị đúng về RLTĐ
Theo bác sĩ Nguyễn Tiến An, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP Cần Thơ thì RLTĐ là triệu chứng rất hay tái phát, ảnh hưởng đến công việc và chất lượng cuộc sống. Có hai loại rối loạn tiền đình.
RLTĐ ngoại biên: biểu hiện chóng mặt khi thay đổi tư thế, đây là dạng bệnh lành tính, chỉ làm cho người bệnh khó chịu trong sinh hoạt. Trường hợp bệnh nặng, người bệnh không thể đi đứng được, cơn chóng mặt thường kèm theo nôn ói rất nhiều và nôn kéo dài, ù tai, giảm thính lực, nặng đầu, khó tập trung
RLTĐ trung ương: là bệnh lý thường gặp với những biểu hiện của tình trạng thiểu năng tuần hoàn não, người bệnh đi đứng khó khăn, khi thay đổi tư thế bị choáng váng, chóng mặt, thỉnh thoảng kèm theo nôn ói. RLTĐ trung ương là do có sự tổn thương nhân tiền đình, tổn thương đường liên hệ của các nhân dây tiền đình ở thân não, tiểu não mà nguyên nhân có thể là do xơ mỡ động mạch mang máu đến nuôi não bộ.
Để xác định chính xác, người bệnh cần đi khám tại chuyên khoa tai, mũi, họng và thần kinh. Bác sĩ sẽ chỉ định đo não đồ hoặc làm các xét nghiệm hình ảnh như chụp X quang, CT Scanner hoặc phải sử dụng cộng hưởng từ (MRI) để tìm đúng nguyên nhân gây hội chứng RLTĐ. Ngoài ra, RLTĐ còn xuất hiện ở những người thường xuyên làm việc căng thẳng, ít ngủ, thường uống rượu bia hoặc phụ nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh.
* Cần phòng tránh nguy cơ
Để phòng ngừa hội chứng RLTĐ cách tốt nhất là thường xuyên tập thể dục thể thao. Đối với người làm việc văn phòng cần tránh ngồi quá lâu trước máy vi tính. Thường xuyên thực hiện các bài tập vận động vùng đầu, cổ gáy. Tập đẩy hơi vào 2 tai bằng cách dùng 2 bàn tay áp vào 2 bên tai mỗi ngày 50-100 lần. Uống nước thường xuyên khoảng 2 lít/ngày, nên để ly nước lọc trên bàn làm việc để tập thói quen uống nước thường xuyên, tránh để quá khát mới uống nước.
Khi bệnh nhân đã mắc hội chứng RLTĐ thì phải cẩn trọng trong tư thế sinh hoạt, như không nên quay cổ một cách đột ngột hoặc đứng lên ngồi xuống quá nhanh, tránh lái xe hoặc điều khiển máy móc có động cơ mạnh để tránh tiếng ồn. Bệnh nhân cũng cần giảm căng thẳng, lo âu, tránh đọc sách báo khi ngồi ôtô, nên ngồi hoặc nằm ngay xuống nếu cảm thấy chóng mặt...Trường hợp chóng mặt kèm theo các triệu chứng như nhức đầu đột ngột, sốt từ 38 độ C trở lên, mờ mắt, không nhìn rõ sự vật hoặc nhìn đôi (thấy 1 thành 2), mất thị lực, giảm thính giác... thì nên đi khám ngay tại chuyên khoa tai mũi họng, thần kinh. Bệnh nhân tuyệt đối không tự mua thuốc uống (vì dân mình có thói quen trị bệnh theo chứng), vì ngoài RLTĐ, các dấu hiệu này có thể báo hiệu những bệnh lý nặng như tai biến mạch não, u não, bệnh Parkinson, bệnh tim mạch, bệnh đa xơ cứng.
Bài, ảnh: ĐÌNH KHÔI