29/03/2023 - 15:26

Học văn học, lịch sử từ nghệ thuật sân khấu hóa 

Bài, ảnh: DUY KHÔI

“Thiên anh hùng ca” là chương trình sân khấu hóa tác phẩm văn học, lịch sử do Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ phối hợp Trường THPT An Khánh (quận Ninh Kiều) thực hiện, vừa biểu diễn tại sân khấu Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ. Với cách làm mới mẻ, có sự tham gia biểu diễn của đông đảo học sinh, chương trình không chỉ cung cấp những kiến thức văn hóa, lịch sử mà còn vun bồi cho các em tình yêu quê hương đất nước.

Chương trình “Thiên anh hùng ca” do học sinh Trường THPT An Khánh biểu diễn. 

Nhân vật Võ Thị Sáu trong trích đoạn cải lương cùng tên xuất hiện với hình ảnh bông hoa cài trên mái tóc, mắt bị bịt kín, hai tên lính dẫn chị ra pháp trường xử bắn. Chị dõng dạc đòi mở băng bịt mắt để nhìn rõ quê hương lần cuối. Rồi đoạn chị mơ tưởng về quê nhà, về người mẹ một nắng hai sương, với những câu ca não nuột, bi ai. Cuối cùng, chị hiên ngang, lẫm liệt trước họng sóng quân thù, chị hy sinh trong tư thế ngẩng cao đầu, trong sự khiếp vía của quân thù. Hình ảnh đoàn nữ sinh áo dài trắng, cầm hoa trắng đặt dưới chân hình tượng anh hùng, liệt sĩ Võ Thị Sáu hòa trong tiếng nhạc hào hùng “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” thật đẹp. Dưới hàng ghế khán giả, nhiều người sụt sùi, nước mắt đỏ hoe và không khí bừng dậy khi trích đoạn cải lương kết thúc bằng những tràng pháo tay giòn giã.

Với “Thiên anh hùng ca”, các học sinh Trường THPT An Khánh đã tái hiện lại giai đoạn lịch sử của nước ta từ năm 1945-1954. Tiết mục mở màn với những câu hò đối đáp mênh mang sông nước, thể hiện khung cảnh thanh bình sau ngày 2-9-1945 lịch sử. Niềm vui chưa được bao lâu, quân và dân Nam Bộ thành đồng đã phải tiến hành “Nam Bộ kháng chiến”, thể hiện qua tiết mục “Nam Bộ kháng chiến” được dàn dựng công phu, nghệ thuật. Tiếp đó là trích đoạn cải lương “Võ Thị Sáu”, tiết mục “Hò kéo pháo” nói về chiến dịch Ðiện Biên Phủ rồi kết thúc bằng ca múa “Giải phóng Ðiện Biên”. Tiết mục phản ánh sự kiện 9 năm kháng chiến trường kỳ khép lại bằng chiến thắng Ðiện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Những tiết mục cuốn người xem không rời mắt.

Bà Nguyễn Thị Hoài Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ cho biết: Chương trình sân khấu hóa tác phẩm văn học, lịch sử là hoạt động thiết thực thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, với phương châm tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy gắn với nhu cầu thực tế của học sinh. Ðồng thời, đưa gần hơn nữa bộ môn nghệ thuật sân khấu đến với các trường phổ thông trên địa bàn. Các tác phẩm được lựa chọn để sân khấu hóa được trích từ chương trình đào tạo phổ thông môn Ngữ văn và Lịch sử. Lực lượng diễn viên chính là học sinh Trường THPT An Khánh. Các công tác tập huấn kỹ năng chuyển thể, kỹ thuật biểu diễn, dàn dựng chương trình, viết kịch bản, lựa chọn âm nhạc, hóa trang, tư vấn trang phục, đạo cụ, cảnh trí… do giảng viên, sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật đảm nhiệm.

Kể cả khán giả lẫn diễn viên của chương trình đều vỡ òa sau khi chương trình kết thúc. Em Tăng Thanh Bảo Ngọc, học sinh lớp 11 Trường THPT An Khánh, người hóa thân vào vai Võ Thị Sáu, cho biết: Từ trước đến giờ em chưa từng biết hát và diễn cải lương. Nhưng khi được chọn vào vai, em tự tin tập luyện với sự tận tình của thầy cô vì em rất ấn tượng với vai này. “Diễn vai này em cảm thấy rất tự hào về nhân vật lịch sử Võ Thị Sáu, dù tuổi trẻ nhưng dạt dào tinh thần yêu nước, hiên ngang, bất khuất. Qua đây, em hiểu hơn về lịch sử và nghệ thuật cải lương”, Ngọc nói. Bà Phan Thị Diễm Trang, mẹ Bảo Ngọc, sau khi chương trình kết thúc đã ôm chầm lấy con mà khóc vì xúc động. Bà nói rằng Ngọc đã gây cho bà bất ngờ vì khả năng diễn cải lương và bà cảm thấy tự hào về truyền thống anh hùng của nước ta qua trích đoạn cải lương.

Nhiều học sinh tham gia biểu diễn trong chương trình kể rằng, để hoàn thành tốt vai diễn, dù ca, múa, diễn minh họa hay vai quần chúng, các em đều cố gắng tìm hiểu về sự kiện lịch sử, nhân vật, đặc trưng văn hóa để diễn “ra vai” nhất. Cũng nhờ đó mà em hiểu hơn về các sự kiện như Nam Bộ kháng chiến, chiến dịch Ðiện Biên Phủ... Em Trương Quốc Khánh, học sinh lớp 11 Trường THPT An Khánh, cho biết: “Qua chương trình em học hỏi được rất nhiều điều, đặc biệt là tinh thần yêu nước nồng nàn và sự xung phong của tuổi trẻ”.

Bà Phan Thị Thu An, Phó Hiệu trưởng Trường THPT An Khánh, thông tin thêm: Việc sân khấu hóa tác phẩm văn học, lịch sử... trong các tiết học được nhà trường thực hiện từ nhiều năm qua và đây là lần đầu trường phối hợp với Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật để tăng hiệu quả về chuyên môn, nghệ thuật. Việc học sinh hào hứng tham gia biểu diễn, cổ vũ là tín hiệu rất mừng để nhà trường tiếp tục thực hiện mô hình này trong thời gian tới. Bà Nguyễn Thị Hoài Tâm cho biết, sau buổi diễn này, Ban Tổ chức chương trình sẽ họp đánh giá, rút kinh nghiệm để thực hiện giai đoạn tiếp theo. Dự kiến ở giai đoạn sau, sẽ có nhiều trường tham gia thực hiện hơn, ở nhiều giai đoạn lịch sử và tác phẩm văn học khác nữa.

Chia sẻ bài viết