21/04/2019 - 09:16

Học trò hạ bạc 

Văn Bồng sáu tuổi, tới tuổi đi học lớp một.

Hai Bài lấy cái nhà ghe bị bỏ quên từ khi làm nhà ở bờ Kinh Xáng ra, sửa làm phương tiện cho con đi học. Ghe đi học có mái di động kéo lên hạ xuống che chắn nắng mưa và có cái bịch đựng cặp sách bằng ni lông, phòng khi bị nước tạt dầm dề cũng không làm ướt át cặp sách bên trong. Út Lưu phụ trách chạy ghe đưa quý tử đi học. Mỗi sớm mai Văn Bồng cõng ba lô xuống bến bỏ vào bịch đặt trên sàn ghe; tới bến trường, mở bịch lấy ba lô đeo lên lớp. Trưa tan học, hành trình ngược lại.

Cùng má Út Lưu đưa rước anh Văn Bồng hằng ngày còn có em gái Kim Bền ba tuổi. Suốt buổi sáng Văn Bồng ngồi lớp thì má Lưu và em Bền khi chạy ghe về lo việc nhà, lúc đưa ghe ra chợ Ngã Tứ mua đồ, cũng có khi ngược nội đồng hái bông điên điển, ngò om, rau nhút, kiếm cua cá, bắt rắn, lấy tổ chim… Rồi quày về cặp ghe vô đám dừa nước ở bến trường, chờ đợi Văn Bồng tan học.

Sau vài tháng Văn Bồng làm học trò, Hai Bài đóng cho con cái góc học tập có bàn học, giá sách, đèn điện và quạt máy chạy bằng bình ắc-quy. Làm xong, Hai Bài vui, lặn lội sáng đêm trên dòng Kinh Xáng câu lưới được mấy con cá chép bự mang về bến nhà, hồ hởi gọi vợ mở tiệc ăn mừng góc học tập của Văn Bồng. Phải kiếm cá chép vì Hai Bài muốn ngụ ý con trai sau này học hành vượt vũ môn hóa rồng.

Thế nhưng niềm vui chẳng tày gang, khi Hai Bài hỏi tới bài vở thì Văn Bồng nói lung tung, chữ cái thì mới học lớp 1 mà toán thì ở lớp 2. Còn Út Lưu cứ lắc lắc đầu:   

- Không trách con được, bởi Văn Bồng ngồi trong lớp, nhìn hai mắt nghe hai tai, thành ra vậy. Không đủ phòng học, cũng thiếu thầy, nên một phòng học, một thầy, mà học trò thì hai lớp 1 và 2.

***

Ông cha của Hai Bài là những người có công tiếp cuộc khai hoang, mở ra ấp Kinh Leng. Ngày Hai Bài còn nhỏ như Văn Bồng bây giờ, nhiều người khai khẩn- trong đó có ông của Hai Bài- góp công góp sức mở Trường Tiểu học Cái Cuôn. Ngày đó, học trò đứa đi học sớm đứa học trễ, độ tuổi mỗi lớp không đồng loạt như bây giờ. Hai Bài học chữ, học toán lúc đầu đều do ông nội ở nhà chỉ dạy, chỉ tới trường học năm cuối tiểu học. Sau đó ông nội gửi Hai Bài ra chợ tỉnh học cấp hai, để ở nhà cha má lo mở ấp Kinh Leng và lập nhà ở đây. Hai Bài học tới lớp tám thì má bệnh nặng, nên Hai nghỉ học về nhà cùng cha chăm nuôi má. Má mất. Hai Bài bỏ học. Cha có vợ kế. Hai lên cái nhà ghe, rồi lập gia cư ở Kinh Xáng. Hạ bạc thời nay không còn là hạ bạc thời mở cõi xưa chỉ đánh bắt cá tôm. Ấp Kinh Xáng bây giờ có trang trại nuôi cá công nghệ; vườn ruộng cấy trồng đặc sản. Bao nhiêu là sản vật của Kinh Xáng đã lên tàu hàng xuất ngoại.

Cuộc sống đổi thay, trẻ con hạ bạc bây giờ phải học hành đàng hoàng ở trường lớp. Điểm Trường Tiểu học Kinh Xáng có phòng học bằng cây lá. Học trò lớp 1 lớp 2 của ấp mỗi lớp chỉ được khoảng 15 em nên trường đặt lớp ghép. Một phòng học kê hai dãy bàn, học sinh mỗi lớp ngồi một bên. Thầy cho lớp ở dãy bàn bên này tự làm bài tập để thầy giảng dạy lớp ngồi dãy bên kia!

***

Chuyện con trẻ học hành lộn xộn, từ nhà lan ra lối xóm. Thế là các phụ huynh lo việc tách lớp. Hai Bài cùng mọi người trao đổi với Ban nhân dân ấp để họ trao đổi với xã, với nhà trường, rồi phụ huynh hò nhau dựng thêm mấy phòng học nữa.

Phòng học của trường ấp Kinh Xáng làm từ cây lá- toàn loại cây tứ thiết lấy từ rừng ngập nước ông bà từng dùng ba trăm năm nay làm ghe xuồng, làm nhà chân đứng trên nước nổi. Gỗ cây tốt ngâm nước, âm đất hoài không hề bị hư hỏng. Hai Bài lo cột kèo vững vàng; lo cả cây chống, cây chằng níu nóc, kèo chống xoáy lốc; lên sàn ván ngang làm chỗ cất bàn ghế và sách giáo khoa phòng mùa nước nổi.  

Buổi sáng thầy trò dạy- học, buổi chiều phụ huynh làm một tháng là có thêm dãy phòng ốc. Xã, trường đưa thêm bàn ghế bảng đen tới các lớp và trang trí Quốc kỳ, ảnh Bác… rồi tuyên bố tách lớp học sinh ngồi riêng từng lớp. 

Có lớp mới, Út Lưu không còn ngồi ghe bám bến mà đưa Kim Bền lên cái lớp ghép bỏ trống để chờ đợi Hai Bồng. Út Lưu tò mò ngó qua xem con mình học sao? Lớp tách nhưng vẫn chỉ một thầy Ba Đô, nên thầy vẫn phải dạy luân chuyển lớp như trước. Vậy là thằng Văn Bồng và các bạn ngồi lớp mới chợt thấy sao mà thưa thoáng, lại nhớ cảnh cũ, nên bỏ chỗ tụm về ngồi cùng bàn chen chúc với nhau, hệt khi chưa tách lớp. Nhìn thầy trò loay hoay với bình mới mà rượu vẫn cũ, Út Lưu nhớ ngày mới yêu Hai Bài, cô vẫn mê nghề giáo, Hai Bài bám theo phục vụ Út Lưu luyện thi sư phạm 3 năm trời, vậy mà không hiểu sao đều trượt. Đến nước đó Út Lưu mới chịu lui về làm đám cưới với Hai Bài, sanh Văn Bồng và Kim Bền.

***

Về tới cổng nhà, Út Lưu nghe vang vọng ra lời Hai Bài và thầy Ba Đô nói chuyện. Giọng thầy Ba Đô phân trần :

- Cái vụ dạy- học ở ấp mình lấn cấn hoài. Từ sau khi có phòng ốc mới và tách lớp, tôi đã trao đổi với lãnh đạo trường tính thêm người dạy nhiều lần. Phải vận động thầy cô tới Kinh Xáng. Trong khi chờ, tôi vừa xin trường vẫn phải tách lớp, tôi dạy lớp 1 buổi sáng, lớp 2 buổi chiều.

- Thầy Ba, thầy chịu ngày phải lên trường 2 buổi dạy con em chúng tôi thì tốt quá rồi. Nhất định sẽ có thầy cô đồng hành với thầy trên đất Kinh Xáng này.

- Thiệt ra hôm nay tôi tới đây là bàn với anh chuyện xã muốn lập điểm giữ trẻ, vì phòng ốc mình cũng có rồi. Mà nhà trường quan sát thấy chị Út Lưu cũng yêu trường mến trẻ lắm, nên định bàn với vợ chồng anh để chị đi học tập, rồi về mở điểm trường mẫu giáo…

Hai Bài giật mình, rồi vui vẻ:

- Làm cô bảo mẫu, lo thêm cho trẻ cùng lứa tuổi Kim Bền ăn ngủ hằng ngày thì Út Lưu thích lắm à. Hồi xưa Út Lưu mơ làm cô giáo nhưng chưa có duyên. Để tôi bàn với phụ huynh Kinh Xáng làm thêm phòng học cho lớp mẫu giáo an toàn...

Văn Bồng ngồi ở góc học tập thấy má nép ngoài cửa chăm chú nghe cha và thầy chuyện trò. Văn Bồng nghịch ngợm mở bật cửa sổ phòng khách, Út Lưu giật mình rồi quay sang ôm Kim Bền cười khanh khách…

Truyện ngắn: Lương Minh Hinh

Chia sẻ bài viết