28/03/2008 - 10:08

Học sinh ngày càng xa lánh và học kém môn Lịch sử

* Điểm thi môn Lịch sử thấp nhất trong các môn học (2,09/10)

Đó là kết luận được đưa ra tại hội thảo khoa học “Thực trạng việc dạy và học lịch sử trong trường phổ thông - nguyên nhân và giải pháp” do Bộ Giáo dục Đào tạo, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Trường Đại học KHXHNV TP Hồ Chí Minh và Trường Đại học Hồng Bàng tổ chức, tại Hà Nội, ngày 27-3.

Phát biểu khai mạc hội thảo Gs Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội KHLSVN khẳng định: Hội thảo là sự hưởng ứng của giới KHLS đối với chủ trương mà Bộ GD-ĐT vừa đưa ra là rà soát, nghiên cứu, đánh giá lại chương trình - SGK nhằm đưa ra các giải pháp và đóng góp cụ thể nâng cao chất lượng dạy học môn lịch sử.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã gửi thư tới hội thảo, trong thư nhấn mạnh: Môn Lịch sử giữ vai trò quan trọng bậc nhất trong giáo dục chủ nghĩa yêu nước , các giá trị truyền thống và cách mạng, góp phần xây dựng nhân cách, bản lĩnh con người, giữ gìn bản sắc dân tộc. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, môn lịch sử, nhất là quốc sử càng cần coi trong để chuẩn bị cho thế hệ trẻ làm tròn trách nhiệm và nghĩa vụ người công dân”.

Phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Gs Sử học Đặng Bích Hà cũng trực tiếp tham dự hội thảo.

Hội thảo đã nghe hơn 30 tham luận, từ các giáo viên trực tiếp đang giảng dạy môn Lịch sử tại các trường phổ thông và đại học đến các nhà quản lý giáo dục, các nhà sử học, nhà giáo lão thành, những người đã nhiều năm tham gia biên soạn SGK... đều bày tỏ sự lo lắng sâu sắc về kết quả học tập môn lịch sử quá kém và xuống cấp, coi đây là dấu hiệu “báo động đỏ” .

Số liệu thống kê cho thấy hơn 95% số thí sinh dự thi khối C năm 2007 có điểm môn lịch sử dưới trung bình (5 điểm); trong đó 5.908 em bị điểm 0, chiếm 3,76%. Điểm thi trung bình môn lịch sử ở cả kỳ thi đại học (2,09/10) và kỳ thi tốt nghiệp THPT (6,19/10) đều thấp nhất so với các môn học khác.

Nguyên nhân của tình trạng này bắt đầu xuất phát từ quan điểm coi lịch sử chỉ là môn phụ trong trường phổ thông. Có nơi học sinh chỉ học 1 tiết sử/ tuần trong khi học tới 6 tiết toán (trường Mari Quy ri -Hà Nội);... Việc tổ chức dạy học theo phân ban ở bậc THPT trong thực tế không đúng như dự định ban đầu của các nhà thiết kế (đa số chọn Ban KHTN) cũng đã góp phần đẩy học sinh ngày càng xa lánh các môn KHXH, trong đó có môn Lịch sử. Thêm vào đó CT-SGK môn lịch sử chưa đủ hấp dẫn, khô khan, đòi hỏi học sinh phải nhớ quá nhiều năm tháng, sự kiện, nhân vật; cộng với phương pháp giảng dạy không đổi mới, phương tiện minh họa cho bài giảng nghèo nàn, giáo viên sử không gắn bó với nghề do luôn bị coi là “vai phụ”, có nguy cơ bị điều sang dạy chéo các môn khác,... Tất cả những yếu tố trên đã làm cho học sinh không thích thú với môn Lịch sử và học kém là hậu quả tất yếu.

Từ thực trạng trên, hội thảo đã kiến nghị bên cạnh các giải pháp thực hiện ngay để chặn đà sa sút trong giáo dục môn lịch sử, cần phải có giải pháp cơ bản, lâu dài, mang tính thay đổi toàn bộ hệ thống mới đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh. Việc xây dựng CT-SGK phải đảm bảo tính toàn diện của môn khoa học Lịch sử, phải giúp học sinh thấy lịch sử dân tộc là dòng sông lớn hợp lưu từ 3 nhánh: kinh tế, chính trị và văn hóa chứ không chỉ là các biến động chính trị: các cuộc kháng chiến, các chiến thắng và các triều đại như hiện nay. Yếu tố kinh tế và văn hóa trong CT-SGK môn lịch sử còn rất mờ nhạt. Cách thi cử hiện nay cũng cần thay đổi. Các chỉ tiêu của các trường khối C luôn ít hơn các khối khác. Những trường quân sự, công an, các ngành khoa học quản lý,... đòi hỏi kiến thức lịch sử rất nhiều nhưng lại dành hầu hết chỉ tiêu tuyển sinh theo khối A;...

Tất cả những bất hợp lý này đòi hỏi ngành giáo dục phải có một “Vị Tổng chỉ huy” sáng suốt, mạnh dạn xây dựng lại chương trình, đổi mới cách thức tổ chức biên soạn nội dung SGK và đổi mới sâu sắc cách thi cử hiện hành.

HOÀNG HOA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết