05/06/2017 - 14:38

Học hành nhiều, giới trẻ Hàn Quốc vẫn khó tìm việc

Những năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc bắt đầu chậm lại. Thị trường việc làm vốn khó khăn vì thế càng cạnh tranh khốc liệt hơn, kể cả với những người dành nhiều năm trời học tập để vượt qua các kỳ tuyển dụng gắt gao ở các tập đoàn lớn hoặc chính phủ.

Tốt nghiệp một trong những ngôi trường hàng đầu Hàn Quốc, nhưng Lim Hyuk-ju đến nay vẫn chưa tìm được việc làm. Cô gái 25 tuổi hiện sinh hoạt trong căn hộ giá 400 USD/tháng và rộng chưa tới 3m2 tại khu phố sinh viên ở Thủ đô Seoul. Mong ước trở thành kế toán viên, Lim vẫn đang nhận hỗ trợ tài chính từ gia đình để dành thời gian học thêm, mục tiêu của cô là vượt qua các kỳ thi việc làm do chính phủ hoặc các tập đoàn lớn như Samsung, LG và Hyundai tổ chức. Hàng xóm của Lim đều là những người trẻ tuổi và họ cũng phải học 15 tiếng/ngày.

Các sinh viên Hàn Quốc tại một lớp chuyên đào tạo kỹ năng giúp vượt qua các kỳ thi tìm việc làm. Ảnh: Quartz

Một trường hợp khác là Moon Ye-won, 24 tuổi, đã tốt nghiệp Đại học Quốc gia Seoul (SNU) nhưng một năm sau đó vẫn chưa kiếm được việc làm. SNU là ngôi trường hàng đầu ở Hàn Quốc với tỷ lệ trúng tuyển được cho còn cạnh tranh hơn cả 8 trường đại học thuộc nhóm Ivy Leagues của Mỹ. Vì vậy, câu nói cửa miệng "ngay cả sinh viên tốt nghiệp SNU cũng không thể tìm được việc làm" chính là dùng để mô tả thị trường việc làm ngày càng khắc nghiệt của Hàn Quốc.

Dựa trên các số liệu thống kê, trang NPR của Mỹ cho biết tỷ lệ người Hàn Quốc trong độ tuổi 15-29 thất nghiệp đang ở mức 11,3%. Con số này gần gấp 3 lần tỷ lệ thất nghiệp tổng thể. Theo Giáo sư xã hội học Kim Dong-chun thuộc Đại học Sungkonghoe, tình trạng "người trẻ tìm việc" là sản phẩm của một xã hội cực kỳ bất bình đẳng và không ổn định khi tất cả nguồn nhân lực, tài lực đều tập trung vào các tập đoàn kinh tế.

Kinh tế Hàn Quốc phụ thuộc rất nhiều vào các tập đoàn lớn hay còn gọi là chaebol. Năm 2015, doanh số bán hàng của 5 chaebol đứng đầu nước này chiếm tới 58% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Hàn Quốc. Trong một nền kinh tế do các tập đoàn lớn chi phối, cơ hội để doanh nghiệp khác phát triển là không nhiều. Theo chuyên gia Geoffrey Cain, người đang viết sách về Samsung, các doanh nghiệp nhỏ muốn tồn tại thường phải đáp ứng nhu cầu từ những tập đoàn lớn hơn hoặc chỉ còn cách sáp nhập. Và khi nền kinh tế bắt đầu chậm lại, các chaebol đồng thời giảm tuyển dụng khiến việc làm ngày càng trở nên khan hiếm. Họ cũng thường áp dụng các mô hình kiểm tra gắt gao để lọc ứng viên. Mặc dù vậy, hầu hết giới trẻ Hàn Quốc đều có tâm lý muốn làm việc cho các chaebol lớn. Chẳng hạn Samsung, công ty này năm 2014 đã nhận hồ sơ của khoảng 200.000 ứng viên cạnh tranh cho 14.000 vị trí.

Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhận được ủng hộ lớn từ người trẻ khi ông cam kết giảm tỷ lệ thất nghiệp của thanh thiếu niên bằng cách tạo thêm nhiều việc làm ở khu vực công. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cho đây chỉ là biện pháp tạm thời. Thay vào đó, họ hy vọng chính quyền mới cũng nên tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. "Tạo việc làm nên là điều doanh nghiệp sẽ làm chứ không phải chính phủ. Điều chính phủ cần làm về lâu dài là tạo môi trường, trong đó các công ty có thể đầu tư nhiều hơn nữa" – Giáo sư kiêm nhà kinh tế học Kim Gwang-Suk thuộc Đại học Hanyang nhận xét.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết