17/07/2008 - 20:38

Học cách hợp tác...

Làm thế nào để hướng đến cộng đồng doanh nghiệp (DN), những tập đoàn kinh tế hùng mạnh? Đó là vấn đề được đặt ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp ĐBSCL ngày 12-7-2008 (trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế ĐBSCL- MDEC Cần Thơ 2008). Hiện nay, ĐBSCL có khoảng 12.000 DN nhỏ, tiềm lực tài chính, thương hiệu... đang là trở lực lớn của DN trong tiến trình hội nhập kinh tế. Tại diễn đàn, rất nhiều ý kiến của DN trong và ngoài nước, lãnh đạo ban ngành khá bức xúc về vấn đề hợp tác giữa DN với nhau, nông dân và DN... Ông Randy Guttery, Tổng Giám đốc Metro Việt Nam, nêu thực tế: “Hơn 5 năm đến Việt Nam, chúng tôi đã tập huấn cho 18.000 nông dân về sản xuất sạch theo tiêu chuẩn quốc tế và hợp tác bán hàng cho Metro. Qua lớp tập huấn, tất cả nông dân đều nhận thấy cần phải thay đổi tư duy sản xuất, nhưng trong số này chỉ có 100 nông dân hợp tác bán sản phẩm cho Metro!”.

Còn bà Phan Thị Thúy Truyển, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại- Du lịch- Đầu tư tỉnh An Giang, bức xúc: “Hiện tại, chúng ta chỉ là chiếc ghe, xuồng đi trong kênh rạch. Trong thời hội nhập, phải liên kết lại để tạo sức mạnh tập thể. Nhưng liên kết phải là 1+1 bằng 1, chứ không thể bằng 2 và phải cùng nhau bán những chiếc ghe, xuồng để góp vốn đóng tàu ra biển”. Theo bà Truyển, trong một lần tổ chức xúc tiến đầu tư ở nước ngoài, khi giới thiệu về An Giang, nhà đầu tư hoàn toàn không biết tới và khi nói thêm là ĐBSCL, lúc đó họ mới à lên: “Mekong Delta!”. Do đó, Mekong Delta là “thương hiệu” để các địa phương trong vùng mời gọi đầu tư.

Các DN tham gia Diễn đàn đều nhận thấy hợp tác là vấn đề bức thiết để tồn tại trong xu hướng hội nhập. Tuy nhiên, để DN hợp tác với nhau, cần có trọng tài để thổi còi khi có tranh chấp. Theo tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam- chi nhánh Cần Thơ, các DN trong vùng rất khao khát hợp tác, nhưng vấn đề là cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương chưa thông thoáng. Tiến sĩ Võ Hùng Dũng nêu quan điểm: “Hiện tại, hình thành tập đoàn DN ở ĐBSCL thì thủy sản phải đi đầu. Nhưng tôi cho rằng, tập đoàn DN hùng mạnh là vấn đề đặt ra quá sức đối với DN ở ĐBSCL hiện tại. Trước mắt, thành lập Hiệp hội chuyên ngành sẽ hiệu quả hơn. Bởi cơ chế, chính sách hiện nay còn nhiều vướng mắc. Đơn cử việc để có Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, chúng tôi mất 2 năm từ lúc có ý tưởng đến vận động thành lập. Còn thành lập tập đoàn vượt cấp vùng, việc làm thủ tục mất ít nhất 1 năm”.

Có thể nói, hoạt động của hiệp hội DN ở ĐBSCL khá mờ nhạt, chưa thể hiện được vai trò bảo vệ lợi ích cho DN, tập hợp và gắn kết các DN với nhau, cung cấp thông tin thị trường, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến DN... Ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE (TP Hồ Chí Minh), nói: “Tôi không đồng tình với nhận xét: sự hợp tác của các DN ở ĐBSCL yếu mà chỉ là DN chưa học cách hợp tác trước khi hợp tác. Hạ tầng giao thông, trình độ dân trí... thấp, nhưng ĐBSCL lại giải quyết rất nhiều vấn đề mà những nơi khác không làm được. Cụ thể như đảm bảo an ninh lương thực, xuất khẩu gạo, thủy sản, trái cây... đứng đầu cả nước. Đó chính là hợp tác, nếu không có sự hợp tác thì không thể làm được những việc trên”. Theo ông Trung, sự hợp tác - ngoài niềm tin giữa các DN với nhau, còn phải trọng luật và có văn hóa ứng xử trong kinh doanh, nhưng quan trọng nhất là tầm nhìn chiến lược của nhà quản trị DN.

Nhiều đại biểu tham dự Diễn đàn cho rằng, chủ trương chính sách về phát triển ĐBSCL của Chính phủ đã có, nhưng lãnh đạo các tỉnh, thành trong vùng phải ngồi lại với nhau thống nhất và bắt tay nhau liên kết, khi đó sẽ tạo được sự liên kết giữa các DN trong vùng.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết