29/05/2013 - 14:33

Học Bác tinh thần vượt khó, tận tâm với người nghèo

Vợ chồng chú Võ Văn Mười Nữa (ấp Trường Ninh, xã Trường Xuân B) đồng cam cộng khổ suốt 30 năm phát triển kinh tế gia đình.

Chú Võ Văn Mười Nữa (ở ấp Trường Ninh, xã Trường Xuân B) là hội viên nông dân duy nhất được tuyên dương tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Huyện ủy Thới Lai tổ chức. Ấn tượng của chúng tôi về chú Mười Nữa không chỉ là một nông dân cần cù, vượt khó, từng đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương nhiều năm liền mà còn ở những việc làm nghĩa tình, hết lòng giúp đỡ người nghèo...

* Cần kiệm vượt khó

Hôm chúng tôi đến nhà, chú Mười Nữa vừa đi chài về. Đưa vợ con mớ cá vừa kiếm được để chuẩn bị cho buổi cơm chiều, chú Mười Nữa bồi hồi kể lại khoảng thời gian khó khăn mà vợ chồng chú đã vượt qua. Chú chia sẻ: “Từng trải qua hoàn cảnh sống khó khăn, bươn chải vất vả với nhiều nghề mưu sinh, nên trong cuộc sống hàng ngày tôi hay nhắc nhở các con phải sống tiết kiệm, yêu thương giúp đỡ những người khó khăn hơn mình”.

Lập gia đình từ năm 21 tuổi, 3 người con trai lần lượt ra đời, nỗi khó khăn càng thêm chồng chất. Từ 5 công đất ruộng cha mẹ cho ban đầu, đến nay, vợ chồng chú Mười Nữa đã mua thêm được tổng cộng gần 3 ha đất và cơ sở bán vật tư nông nghiệp. Để xây dựng được cơ ngơi này, vợ chồng chú Mười Nữa phải động viên nhau “đồng lòng vượt khó”. Nhìn cơ ngơi của chú, ít ai ngờ rằng, bữa cơm gia đình chú thật giản dị, đôi khi chỉ là vài con cá, mớ rau kiếm được xung quanh nhà. Chú Mười Nữa rất tâm đắc đức tính cần, kiệm của Bác Hồ. Theo chú cần, kiệm là đức tính quý bởi cần, kiệm trước tiên là để gia đình mình thoát nghèo, rồi mới có điều kiện giúp đỡ bà con khác khó khăn hơn. Giờ đây, tuy kinh tế gia đình khá giả nhưng cô chú luôn dạy các con, cháu trong nhà sống hết sức giản dị và tiết kiệm, việc gì đáng chi mới chi, việc gì tiết kiệm được thì nên làm nhưng khi giúp đỡ người nghèo hay việc làm công ích của địa phương thì không do dự…

Còn nhớ mấy mươi năm trước, chú hết đi đặt lọp tép để kịp buổi sáng mai cho vợ đi chợ bán, rồi lại quay qua lo công việc đồng áng. Sau đó chuyển qua trồng mía, bán tạp hóa rồi kinh doanh vật tư nông nghiệp. Chú Mười Nữa tâm sự: “Có lúc, tôi đi bán ghe hàng rong ruổi khắp kênh rạch ở huyện nhà, rồi chèo ghe đến tận Cái Răng, Cần Thơ lấy hàng hóa về bán. Cả ngày chèo ghe đi bán vất vả lắm, nhưng cứ nghĩ về một tương lai tươi sáng cho các con nên vợ chồng cố gắng động viên nhau”. Cô Nguyễn Thị Huệ- vợ chú Mười Nữa, tiếp lời: “Những năm tháng khó khăn đó, vợ chồng tôi bảo nhau ráng lo làm ăn, xây dựng gia đình êm ấm hạnh phúc và chung chí hướng làm việc thiện”. Anh Nguyễn Văn Thượng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Xuân B, nhận xét: “Nghị lực vượt khó của gia đình chú Mười Nữa bấy lâu đã mang lại thành quả xứng đáng. Chú Mười Nữa không chỉ là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương được nhiều hội viên noi gương học tập mà còn là người hết lòng yêu thương, giúp đỡ chăm lo cho người nghèo…”.

Nhiều năm qua, gia đình chú Mười Nữa đạt danh hiệu gia đình văn hóa tiêu biểu cấp huyện. Riêng chú Mười Nữa nhiều năm liền đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; nhận Giấy khen của UBND huyện trong hoàn thành nhiệm vụ phong trào thi đua của địa phương.  Hiện tại, hai người con trai lớn đã lập gia đình nhưng vẫn sống chung và đỡ đần chú trong việc kinh doanh; con trai út đang học đại học năm thứ 2 ngành Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Cần Thơ.

* Hết lòng với người nghèo…

Khi kinh tế gia đình khấm khá, chú Mười Nữa tự nguyện đóng góp, tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động, đặc biệt là sẵn sàng giúp đỡ những hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Chỉ tính từ năm 2012 đến nay, chú Mười Nữa đã tặng hơn 2,4 tấn gạo cho nhiều trường hợp khó khăn ở trong ấp và các vùng lân cận. Cũng theo chú Mười Nữa, việc tặng gạo cho bà con nghèo đã được chú thực hiện khá lâu, nhưng trước đây do điều kiện kinh tế chưa cho phép nên việc giúp đỡ ít hơn và cũng chưa thường xuyên. Từ khi được học tập, hiểu sâu sắc hơn về tấm gương đạo đức của Bác, tấm lòng bao la luôn yêu thương giúp đỡ người nghèo và nhất là những năm nay công việc làm ăn thuận lợi, chú càng ra sức làm nhiều việc giúp ích cho đời… Chú Mười Nữa kể: “Lúc trước, thấy mùa nào khó khăn, nguy ngập, tôi đem 10, 20 giạ lúa đi chà gạo rồi lấy vỏ lãi chạy dọc theo kinh đem đến trao tận tay cho người nghèo. Hễ nghe ở đâu có trường hợp khó khăn là mình đến giúp. Bởi tôi ý thức được rằng “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Nhắc đến chú Mười Nữa, nhiều người dân ở ấp Trường Ninh, xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai cảm phục ở tấm lòng thiện nguyện, sẵn sàng bỏ ra tiền của, công sức để đóng góp xây dựng quê hương giàu đẹp. Vào thời điểm năm 2000, chú “dám chi” gần 12 triệu đồng để bắc cầu bê-tông dài 20m, ngang 1,2 m qua kênh Đầu Ngàn, tạo điều kiện cho bà con đi lại dễ dàng. Chú bộc bạch: “Hồi đó, đường sá đi lại khó khăn, tôi bàn với bà xã gom hết số tiền huê lợi từ 6 công đất trồng bạch đàn hơn 6 năm trời để xây cây cầu đúc cho bà con đi lại thuận tiện. Vì biết tính tôi hay làm việc thiện nên bà xã và các con cũng rất ủng hộ”. Cũng theo chú Mười Nữa, nếu muốn bà con mình khá lên, trước tiên phải lo làm cầu, đường cho bà con đi lại thuận tiện. Bất cứ việc gì miễn là giúp được cho bà con có cuộc sống được tốt hơn là chú đều tự nguyện làm. Những việc gì nhỏ thì tự mình chú đứng ra làm, những công trình lớn có liên quan đến nhiều người, thì nhờ chính quyền giúp sức... Đến nay, chú Mười Nữa đã bắc mới 14-15 cây cầu ván, đổ đá, giặm vá nhiều tuyến đường giao thông…  

Học theo gương Bác từ những điều giản dị, thiết thực và áp dụng trong đời sống hàng ngày, chú Mười Nữa không chỉ phát huy vai trò của cá nhân điển hình tiên tiến mà còn tạo được lòng tin, sự quý mến của bà con nhân dân.

Bài, ảnh: QUỲNH LAM

 

Chia sẻ bài viết