Bình quân mỗi năm, TP Cần Thơ có khoảng 100 dự án khởi nghiệp, 20-30% trong số đó là các dự án có yếu tố sáng tạo và nhiều tiềm năng phát triển. Thời gian qua, các sở, ban, ngành và địa phương tạo điều kiện thuận lợi và triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (TNKN), như tập huấn, bồi dưỡng kiến thức khởi sự doanh nghiệp; chuyển giao khoa học công nghệ; kết nối hỗ trợ vốn vay và nhà đầu tư để phát triển dự án khởi nghiệp. Qua đó góp phần hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo điều kiện để TNKN phát triển bền vững.
Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tham quan và làm việc với Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc về chính sách hỗ trợ TNKN.
Theo báo cáo của UBND TP Cần Thơ, trên địa bàn thành phố có 23 tổ chức/đơn vị tham gia quản lý, thực hiện các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Có 2 quỹ đầu tư khởi nghiệp đã được thành lập, đang hoạt động gồm: Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo FUNDGO (do Công ty Cổ phần TRUSTpay quản lý) và Quỹ đầu tư do nhóm các nhà đầu tư cá nhân thuộc Mạng lưới khởi nghiệp MeKong (Startup MeKong) thành lập. Ðể thu hút, phát huy tối đa các nguồn lực hỗ trợ TNKN, Sở Khoa học và Công nghệ đã liên kết 6 quỹ đầu tư và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong nước và quốc tế để cố vấn, hỗ trợ các dự án/ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của đoàn viên, thanh niên, sinh viên.
Về hoạt động ươm tạo, đến tháng 9-2024, Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ) đã và đang hỗ trợ cho 11 doanh nghiệp tham gia ươm tạo các dự án khởi nghiệp. Theo ông Phạm Minh Quốc, Giám đốc Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, Vườn ươm đã ký kết 23 biên bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước, nhằm chia sẻ thông tin, trao đổi chuyên gia cũng như khai thác các trang thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, phát triển thị trường; tiếp nhận hơn 1.500 lượt sinh viên đến thực hành, thực tập chuyên ngành về cơ khí, cơ điện tử, điện công nghiệp, công nghệ thực phẩm.
Hằng năm, Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ trung bình 30 nhóm dự án khởi nghiệp, như quảng bá sản phẩm, giới thiệu tham gia các hội chợ, hội thảo, diễn đàn về đổi mới sáng tạo. Các đơn vị, địa phương còn tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh do thanh niên làm chủ, tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội và ngân hàng thương mại để đầu tư phát triển. Anh Trần Việt Tuấn, Phó Bí thư Thành đoàn Cần Thơ, cho biết: “Thành đoàn phối hợp ngành chức năng triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ TNKN, như cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo”; Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và nhiều hoạt động truyền thông về khởi nghiệp cho thanh niên”. Các cấp bộ Ðoàn thường xuyên phối hợp tổ chức khóa đào tạo, hội thảo về khởi nghiệp nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết cho thanh niên trong quá trình khởi nghiệp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của TP Cần Thơ cũng chỉ ra một số hạn chế, như nhiều TNKN gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn, đặc biệt là vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm; TNKN chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp và kiến thức về thị trường. Hệ sinh thái khởi nghiệp tại TP Cần Thơ đã phát triển nhưng vẫn còn thiếu các cơ hội kết nối với các nhà đầu tư, chuyên gia, các doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế.
Trung tuần tháng 9-2024, đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã làm việc với UBND TP Cần Thơ về thực hiện chính sách hỗ trợ TNKN giai đoạn 2020-2023. Ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đánh giá cao kết quả đạt được của thành phố trong thực hiện các chính sách hỗ trợ TNKN. Trong đó, có một số mô hình hiệu quả, như hoạt động ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp, các cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên, đặc biệt đã xuất hiện một số startup trẻ bước đầu thành công. Ông Tạ Văn Hạ nhấn mạnh phong trào khởi nghiệp đã và đang diễn ra sôi nổi, đặc biệt trong giới trẻ. Tuy nhiên, trong điều kiện hội nhập quốc tế, TNKN gặp nhiều khó khăn: thiếu hành lang pháp lý, hạ tầng cơ sở, vốn, bảo hộ về pháp lý, kênh tiêu thụ sản phẩm, do đó cần có giải pháp hỗ trợ kịp thời, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Việc khảo sát nhằm ghi nhận những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách hỗ trợ TNKN, dần hoàn thiện hệ thống pháp luật hỗ trợ TNKN, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
UBND TP Cần Thơ vừa có báo cáo việc thực hiện Luật Thanh niên về chính sách hỗ trợ TNKN (giai đoạn 2020-2023) gửi đến Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Theo đó, UBND TP Cần Thơ kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ thành phố tổ chức các sự kiện quy mô cấp vùng, cấp quốc gia về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo hướng lồng ghép các hoạt động, sự kiện trọng tâm trong hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; có chính sách hỗ trợ kinh phí cho các đối tượng khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp lần đầu, đối tượng là học sinh, sinh viên. Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đề xuất tích hợp nội dung khởi nghiệp vào một số môn học và các hoạt động giảng dạy có liên quan; tổ chức tập huấn cho đội ngũ giảng viên, giáo viên về hoạt động khởi nghiệp. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có đề xuất quy định chuyên đề khởi nghiệp là nội dung bắt buộc trong chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng...
Bài, ảnh: TÚ ANH