27/11/2018 - 22:38

Hoàn cảnh làm việc ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thế nào?

Ngồi quá lâu đã được chứng minh có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe như béo phì và tiểu đường tuýp 2, do đó, các nhà nghiên cứu muốn tìm cách ngăn chặn những nguy cơ này. Các nhà khoa học tại Đại học Arizona (Mỹ) mới đây cho biết thiết kế phòng mở, tức không dùng phòng riêng hoặc vách ngăn giữa các bàn làm việc, có thể giúp nhân viên giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.

Nhóm nghiên cứu đưa ra kết luận trên sau khi theo dõi sức khỏe của 230 nhân viên văn phòng, bao gồm thu thập dữ liệu trong nhiều ngày liền thông qua các cảm biến đeo trên người giúp theo dõi tim và mọi hoạt động, cũng như đánh giá mức độ hạnh phúc và căng thẳng thần kinh của họ bằng điện thoại thông minh. Kết quả cho thấy so với đồng nghiệp tại những phòng có vách ngăn và phòng riêng, những người làm việc trong không gian mở ít có nguy cơ bị tiểu đường tuýp 2, với mức độ vận động thể chất trung bình nhiều hơn lần lượt 20% và 32%. Dữ liệu từ các cảm biến theo dõi tim còn cho thấy 14% trong số họ cũng ít bị stress hơn các đồng nghiệp có kiểu làm việc tĩnh tại.

Giải thích về phát hiện trên, nhóm nghiên cứu cho rằng có lẽ không gian làm việc mở khiến nhân viên văn phòng đi lại nhiều hơn, chẳng hạn để thảo luận nhóm hoặc bàn công việc với đồng nghiệp khác, so với những người ngồi trong những không gian bó hẹp hơn.

Trước đó, nghiên cứu của Đại học Deakin (Úc) trên 230 nhân viên văn phòng cho thấy, những người sử dụng bàn đa năng – cho phép tùy chỉnh chiều cao để họ đứng hoặc ngồi khi làm việc – ít có nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2. Theo trưởng nhóm nghiên cứu Lan Gao, việc đưa loại bàn kiểu này vào văn phòng làm việc tác động tích cực và lâu dài đến sức khỏe nhân viên khi họ giảm bớt thời gian ngồi một chỗ. Các chuyên gia còn tin rằng sự can thiệp này có thể làm giảm tình trạng xin nghỉ bệnh và cải thiện năng suất lao động.

Cũng liên quan đến chứng bệnh được dự đoán ảnh hưởng tới 650 triệu người trên toàn thế giới vào năm 2040, các nhà khoa học quốc tế phát hiện phụ nữ làm việc ca đêm luân phiên và có lối sống thiếu lành mạnh rất dễ mắc phải căn bệnh mãn tính này.

Nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học Mỹ, Trung Quốc và Áo đã phân tích dữ liệu về lối sống cũng như chế độ ăn của 143.410 phụ nữ không bị tiểu đường tuýp 2, bệnh tim mạch hoặc ung thư. Những người bị xếp vào nhóm có lối sống không lành mạnh có 4 yếu tố: thừa cân hoặc béo phì (chỉ số khối cơ thể từ 25 trở lên), từng hút thuốc, tập thể dục vừa phải chưa đến 30 phút/ngày và dùng chế độ ăn hại sức khỏe (ít trái cây, rau củ, các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt nhưng nhiều thịt chế biến, chất béo chuyển hóa, đường và muối). Kết quả sau 22-24 năm theo dõi, nhóm nghiên cứu nhận thấy cứ mỗi 5 năm làm việc ca đêm luân phiên, nguy cơ bị tiểu đường tuýp 2 ở những người này tăng gần 31%. Trong đó, mỗi yếu tố về lối sống thiếu lành mạnh đều làm tăng hơn gấp đôi khả năng mắc bệnh.

HẠNH NGUYÊN (Theo Natural News, Telegraph)

 

Chia sẻ bài viết