13/01/2012 - 19:28

Giai phẩm Xuân Nhâm Thìn 2012

Họa sĩ Nguyễn Lê Minh Triết
Vừa kinh doanh vừa cầm cọ

Nguyễn Lê Minh Triết (đứng) và cộng sự đang kiểm tra thiết kế lần cuối tại văn phòng.
Ảnh: TƯỜNG VI

Tại Liên hoan Mỹ thuật ĐBSCL 2011, họa sĩ Nguyễn Lê Minh Triết được trao giải ba với tác phẩm “Xóm chiếu”. Đây tuy chưa phải là thứ hạng cao nhất, nhưng cũng đáp ứng khát vọng có tác phẩm nằm trong 3 thứ hạng đầu của mỹ thuật Cần Thơ trong nhiều năm qua.

Tranh “Xóm chiếu” miêu tả những con người trong khung cảnh làng quê quen thuộc và những công đoạn làm chiếu đan xen trong những không gian khác nhau. Xem
tranh, người ta hoài niệm về một buổi sáng tinh mơ, làng quê nhộn nhịp cảnh người phơi lác hoặc nhuộm dây, rồi bên những khung dệt buổi xế trưa có những người phụ nữ cần mẫn dệt từng tấm chiếu và cuối cùng công đoạn se dây diễn ra buổi tối muộn. Tranh ẩn chứa và gợi mở những suy tư về số phận con người với lao động miệt mài của họ. “Xóm chiếu” của Minh Triết được thể hiện trên nền giấy dó và bột màu pha cùng bột điệp tạo màu sắc óng ánh. Đường nét giản lược, màu sắc cô đọng, nhưng vẫn uyển chuyển. Không gian vẫn bật lên với cách dùng màu khối gợi liên tưởng về thời gian. Màu pha với bột điệp tạo cảm giác đường nét vẽ lên khá dày, lại tạo vẻ đẹp mộc mạc, đằm thắm.

Tác giả bức tranh là một họa sĩ trẻ, năm nay vừa bước sang tuổi 31. Minh Triết đến với tranh bởi anh rất ngưỡng mộ tranh của các họa sĩ Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái... được giới thiệu qua thầy Đăng Thanh, người dạy cho Minh Triết những nét vẽ đầu tiên khi anh học cấp hai. Khi còn nhỏ, anh chỉ thấy tranh đẹp khó diễn tả bằng lời. Thời gian và trải nghiệm cuộc sống đã giúp Minh Triết ngộ được vẻ đẹp thực sự trong tranh của những họa sĩ tiền bối và xác định cho mình một lối đi riêng. Anh tâm sự: “Tranh của các họa sĩ tiền bối kể trên như những con mắt của cuộc sống, ghi chép những chi tiết không tìm thấy ở đâu khác về một thời trong cuộc sống dân tộc bằng cái hồn và cách cảm nhận riêng của họ. Bởi vậy tôi muốn học hỏi người đi trước, ghi lại vẻ đẹp của những sinh hoạt làng quê đang ngày càng mất dần”.

Tranh “Xóm chiếu” của Nguyễn Lê MInh Triết.

Minh Triết không ngại cực khổ khi theo đuổi hội họa và đề tài làng quê. Mỗi bức tranh đều được anh thai nghén và sáng tác khoảng nửa năm nên trong tâm thức anh luôn ẩn hiện những khung cảnh, những con người, những khuôn mặt của làng quê. Chẳng hạn như để vẽ “Xóm chiếu”, anh đi lại giữa Cần Thơ và làng chiếu Định Yên (tỉnh Đồng Tháp) không dưới 7 lần để cảm cho hết cái hồn và nhịp sinh hoạt của làng nghề. Khi có dịp đi An Giang, gặp các nhà sư đang dạy chữ cho các em nhỏ, anh phác họa bức “Học phổ cập”. Những cảm xúc trên đường đi thực tế sáng tác được Minh Triết ghi lại và thể hiện trong “Trước giờ ra chợ”, “Nghề đan truyền thống”, “Vũ điệu của lúa”... Đôi khi, sáng tác của anh là lời kêu gọi giữ lấy vẻ đẹp của quê hương như tác phẩm “Hãy giữ lấy màu xanh”, “Nước về nông thôn”... được trao những giải thưởng cao tại Triển lãm Mỹ thuật Cần Thơ từ năm 2002 đến nay cũng như được tuyển chọn tham gia triển lãm khu vực ĐBSCL.

Tác phẩm “Xóm chiếu” đoạt giải ba Triển lãm Mỹ thuật ĐBSCL 2011 đã dẫn đến lần gặp gỡ thứ hai giữa chúng tôi với Minh Triết. Lần đầu là khi Minh Triết vừa tốt nghiệp Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ và đoạt giải khuyến khích cuộc thi mỹ thuật tỉnh Cần Thơ (cũ) với tác phẩm “Quê nội” ngay từ lần đầu tham gia dự thi. Anh Trần Đình Thảo, hiện là Chủ tịch Hội Mỹ thuật Cần Thơ, từng giới thiệu Minh Triết khi ấy vừa tròn 20 tuổi như một “làn gió mới” trong giới cầm cọ và anh cũng vừa thành lập doanh nghiệp chuyên thiết kế mỹ thuật An Anh, tọa lạc trên đường Cách Mạng Tháng Tám. Hằng ngày, việc của Minh Triết là thực hiện các sản phẩm ứng dụng và thực dụng đậm tính mỹ thuật công nghiệp trong thiết kế văn phòng, mặt tiền hoặc showroom trưng bày sản phẩm ở các doanh nghiệp... Trách nhiệm của một chủ doanh nghiệp cũng khiến Minh Triết ngược xuôi khắp ĐBSCL cùng hơn chục nhân viên của mình khi nhận những hợp đồng lớn. Vậy mà, Minh Triết vẫn dành thời gian cho tranh, văn phòng làm việc cũng ngập trong những bức tranh phong cảnh làng quê và góc trống trải nhất ở văn phòng là nơi Minh Triết tranh thủ sáng tác ngay khi rảnh rỗi.

Quãng thời gian 10 năm không phải là dài, nhưng cũng đủ để họa sĩ trẻ ngày nào đã là chủ của một doanh nghiệp khấm khá trong lĩnh vực thiết kế và gia công các sản phẩm mỹ thuật công nghiệp. Minh Triết còn theo học đại học chuyên ngành Mỹ thuật ứng dụng của Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh mở tại Cần Thơ. Thời gian và trải nghiệm cuộc sống giúp lực cọ và đường nét sáng tác của Minh Triết cũng thăng hoa.

Tiếp chúng tôi tại văn phòng, câu chuyện với Minh Triết cứ ngắt quãng vì khách ra vào không ngớt. Dù đôi mắt thâm quầng cho thấy Minh Triết khá mệt mỏi sau nhiều đêm thức trắng vì đơn đặt hàng dồn dập trong những ngày Tết cận kề, Minh Triết vẫn cười tươi nói về ấp ủ thực hiện bộ tranh về sinh hoạt của các dân tộc sinh sống tại ĐBSCL theo thủ pháp kết hợp khắc gỗ và bột màu.

Tường Vi

Chia sẻ bài viết