Truyện ngắn: LƯƠNG MINH HINH
Chợ Cái Sớm có lô hàng mang tên Hóa Rồng đặt trước lều cô Ba Quét, cặp bên hàng Lưỡi Câu Số Zách Tứ Hay. Một bồn thủy tinh lớn nước trong suốt rộng những con cá chép khỏe khoắn. Chủ không đứng bán mà chưng cá, ra giá sẵn. Cá xấp xỉ nhau trên dưới nửa ký, đồng giá. Khách chọn cá, lấy vợt bắt bỏ bịch ni lông nước, bơm ôxy. Người mua cá bỏ tiền vào cái hộp treo bên bồn. Trên hộp tiền còn dán tờ giấy mời đặt mua cá chép lớn hơn, hàng giao theo địa chỉ của khách.
Người Chợ Cái Sớm vui với kiểu hàng họ mới này. Cá đẹp oai phong! Miệng rộng, mang lớn, mình dầy, vảy vi màu sắc óng a óng ánh. Văn Nguyễn nhìn khách tíu tít mua hàng, nhiều người thảo tâm, thảo tay bỏ vào hộp tiền những tờ bạc chẵn hơn mức tiền mua cá. Văn Nguyễn lại dòm xoáy vào đôi bàn tay Tứ Hay. Đúng là đôi tay tài giỏi chuyện mần ăn. Văn Nguyễn có vườn xương rồng, muốn chưng một gian hàng, mà loay hoay bí bách chuyện hút khách. Văn Nguyễn hỏi ý Tứ Hay, được trả lời:
- Cá với gian hàng này của ngư Hai Gừa.
***
Tứ Hay nhắc Hai Gừa là nhắc nhớ cậu bé lọt lòng xuống nền Chợ Cái Sớm vài chục năm rồi .
Sớm hôm đó cữ cuối canh tư, cô Ba Quét nằm trong cái lều của mình ở sát mí chợ thì nghe thấy tiếng trẻ oa oa! Tiếng khóc dựng cô Ba Quét dậy, vừa cằn nhằn “Ta chỉ lo rác chợ thôi!”, vừa vấn tóc xỏ dép vọt ra khỏi lều. Trời đất, cái tiếng oa ở gần mí nước kia. Ba Quét ôm bịch bọc đứa trẻ lên. Ai đẻ rơi rồi quýnh quáo bỏ bé chạy trốn hả trời? May mà bé không giãy đạp lăn lóc té xuống nước. Ba Quét ôm nó về lều thổi bùng bùng bếp củi.
Người người vây chật vây kín lều Ba Quét. Mấy người hăng hái chen chen lấn lấn cố lách vào giành xin bé về nuôi.
Tứ Hay Lưỡi Câu Số Zách ôm nhang, đèn, rượu, trái cây, xôi chè bước tới. Mọi người dạt ra. Tứ Hay bày đồ cúng lên đèn nhang chỗ cửa lều, kêu Ba Quét ôm thằng nhỏ ra khấn thỉnh. Khói trầm ngào ngạt. Lời Tứ Hay trầm bổng:
- Lạy Trời! Lạy Đất! Lạy Thổ Thần Chợ Cái Sớm! Ba Quét nhặt được đứa con. Xin các Đức Linh phù hộ cho bé sống làm con dân Chợ Cái Sớm phước hậu!
Mọi người chắp tay xá.
Từ đó Ba Quét lo xin sữa hằng nuôi bé lớn từng ngày. Người chợ bảo thằng con trai đẻ rơi gọi tên nó là Rớt. Cô Ba Quét thì nói nhờ tiếng oa oa mà kịp nhặt thằng bé, nên tên Oa. Lần đầu Chợ Cái Sớm có trẻ rơi rớt, vậy nó thứ Hai. Hai Oa!
Hai Oa ăn sữa các dì các má ở Chợ Cái Sớm. Còn giọng à ơi, ầu ơ của má Ba không chỉ ngọt lịm với riêng nó. Tiếng ru khiến tay búa thợ Lưỡi Câu Số Zách thỉnh thoảng nín tay kìm như bị khóa… Tới hồi Oa ăn bột, tay búa tay kìm Tứ Hay xoay xở ra cái cối nghiền gạo, bắp, đậu, rau trái… để Ba Quét nấu chén bột ngọt, dĩa bột mặn, đút Hai Oa ăn thun thút. Ăn khỏe. Chóng lớn. Biết lẫy. Biết bò. Nhưng tới chín tháng, mười một tháng vẫn nằm bò thôi. Tới lúc này mới phát hiện thằng nhỏ vị vẹo cột sống, bị liệt cái tay bên phải.
Mấy năm trôi qua mà Tứ Hay vẫn có thói quen sờ sờ nắn nắn khắp người thằng nhỏ. Tứ lắc đầu rơi nước mắt. Tính truyền nghề mà... Má Quét ôm thằng Hai Oa, giọng âu yếm:
- Má nuôi. Có má nuôi má chăm… Lớn là ra tay Lưỡi Câu Số Zách!
- Nhắm tay chổi của Ba sẽ quét hết bệnh ra khỏi người thằng nhỏ không?
- Người ta có lớn có khôn ngoan Tứ ơi!
- Tứ biết vài chữ. Ba Quét thì mù chữ. Chúng ta không được để nó mù chữ. Bị tật mà còn mù chữ, đời nó sẽ ra sao. Phải gởi nó tới cơ sở nuôi dưỡng trẻ. Ba Quét nghe kịp chưa?
- Là tôi cạn bề lo liệu. Tứ lo kiếm nơi gởi thằng Oa. Chúng ta gởi nó đi chữa bệnh, xóa mù chữ cho nó.
Oa đi trường dành cho trẻ khuyết tật. Ba Quét, Tứ Hay thăm viếng tới lui. Nhưng mà Oa đi bệnh viện nhiều hơn ở trường. Về trường thì trốn đi bụi, muốn bươn chải hội nhập giữa đời. Rồi lại được đưa về trường để nuôi nấng trị bệnh, học hành…
Ơn trời, lớn hơn Oa khỏe hơn. Nó nhõng nhẽo, má Ba Quét lại bất cẩn chiều nó. Má cho nó bịch lưỡi câu Số Zách đủ các loại. Má đâu ngờ cho thêm ít tiền, thế là nó sang cái nhà ghe xập xệ, dấn thân vào kinh rạch chằng chịt.
Tư Hay tới trường thăm Oa, mới hay cớ sự. Ra là bao nhiêu lần Ba Quét mua lưỡi câu dùm người này người kia chỉ là để cho Oa. Bây giờ Ba Quét cũng không biết Hai Oa ở đâu. Cô quét chợ và anh hàng lưỡi câu đưa nhau về, đứng ngồi không yên lo việc thằng nhỏ rớt chợ đang biệt tăm tích, rồi dần dần chung mâm cơm. Tứ Hay mải miết ra lưỡi câu, để hàng đó cho Ba Quét bán, để Tứ chạy ghe kiếm tìm Hai Oa. Mỗi chuyến tìm kiếm về không, là mỗi đợt Tứ Hay cứ hì hục làm lưỡi câu sáng đêm tối ngày cho những chuyến tìm kiếm tiếp theo xa hơn, lâu hơn.
***
Giữa một lần Tứ Hay đi tìm kiếm Oa thì có nhỏ Phụng Thủy tới đặt cái bồn Hóa Rồng trước cửa lều Ba Quét. Nhỏ xin Ba Quét cho đặt máy bơm nước, bơm ôxy ở trong lều. Phụng Thủy “gửi” hàng cô Ba, nhờ cô cất cái hòm tiền mỗi tối. Thủy trang bị cho cô cái điện thoại di động, nhờ cô báo tin hàng tiêu thụ để lo kịp thời. Tứ Hay về cũng không quản, nhưng có linh cảm cô hàng cá không mời mà tới này có liên quan tới Hai Oa... Phụng Thủy mang cá tới, Tứ Hay âm thầm đeo theo và thấy tuốt luốt cảnh tình cặp đôi Thủy, Oa.
Phụng Thủy thấy chàng trai đang bị kẹt dưới mí rạch gốc Gừa. Anh câu dính cá, cá quẫy mắc đám rễ gừa, giựt kéo không được, nên anh nhảy xuống móc bắt. Chàng trai chỉ có một tay luồn lách khe rễ tới mức cánh tay kẹt cứng ngắc. Nước rạch đang lên. Phụng Thủy lội nước, lặn ngụp mà gỡ người. Cô đưa người lên bờ thoát nạn. Từ đó hình thành một cuộc gầy dựng không giống ai, vì người dưng khi không lo cho nhau. Hai Oa với Thủy dựng xong cái lán bám gốc gừa làm nơi che mưa nắng, thì lóe ra việc cất vó bè. Thế là đời có Hai Gừa Vó. Hai Gừa Vó có cá ăn, có vài hũ mắm, rồi cá nhiều quá bèn nhờ Phụng Thủy đem ra chợ bán giùm.
Ra được hàng Hóa Rồng là do Hai Gừa Vó kéo được cặp cá chép bự. Cá quẫy nhảy đòng đưa tung tẩy lưới vó. Hai cài vó trên không, cá cũng nhảy múa. Cái cục đá phụ lực kéo giữ vó bị tuốt suýt nữa thì rớt trúng người. Sợ hết hồn, Hai ngồi im trông Phụng Thủy tới bắt cá, kéo cái ghe lên bờ thả cá vào, rồi cả hai ngắm nghía. Thấy cặp cá đực cái, Phụng Thủy nâng nghiêng cái ghe phóng sinh bên đồng nước. Rồi Phụng Thủy tìm thầy câu lưới, thầy chỉ chỗ đặt vó, có đường nước cá lên đồng xuống rạch. Làm ăn khấm khá, Hai Gừa vẫn hay nhắc má Ba Quét, chú Tứ Hay; Phụng Thủy nghĩ ra hàng Hóa Rồng. Mỗi lần ra chợ Phụng Thủy mua ốc hến về rải dọc rạch Gừa, cá chép sinh sôi, hàng họ ngày càng khá hơn.
Gặp Tứ Hay, Phụng Thủy và Hai Gừa chắp tay trước ngực:
- Dạ! Thầy câu lưới bảo Tứ Hay Lưỡi Câu Số Zách ngồi chợ, chúng con ở bờ rạch, trông xuống đồng nước. Đó cũng là tâm nguyện của chúng con.
Tứ Hay nghe vậy về chợ coi chọn ngày giờ tốt và kêu Ba Quét nhắn tin qua điện thoại cho Phụng Thủy – Hai Gừa. Vậy là còn hơn nửa tháng nữa sẽ có đám cưới. Không chỉ một, mà là hai, bởi Tứ Hay và Ba Quét cũng quyết nối lều với gian hàng lưỡi câu thành căn nhà kiên cố để sau này sấp nhỏ ra đời có chỗ chạy chơi.
***
Văn Nguyễn vừa đi rạch Gừa về, bưng chậu xương rồng lội chợ. Thấy Tứ Hay lúi húi trong lều Ba Quét, Văn Nguyễn cao giọng: Tứ Hay ơi tôi tặng quà cưới. Tứ Hay cười tít mắt: Tôi nghĩ ra gian hàng của Văn Nguyễn rồi. Xương rồng, lưỡi hổ… đặt bên vi tính, điện thoại số, màn hình tivi... chống phóng xạ, tên là Xương Rồng Gai Số Zách.
Tiếng cười lan Chợ Cái Sớm.