Theo Hội LHPN huyện Thới Lai, nhiệm kỳ 2016-2021, Hội thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, có hoạt động vận động, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Nhiệm kỳ 2021-2026, Hội hướng đến mục tiêu phát huy mọi nguồn lực, thực hiện hiệu quả chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ.

Mô hình sản xuất mắm và nước mắm truyền thống của hội viên phụ nữ xã Thới Tân, góp phần tăng thu nhập.
Nhiệm kỳ qua, Hội LHPN huyện Thới Lai triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017-2025, hỗ trợ 104 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; thành lập 7 mô hình tổ liên kết hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tại các xã, thị trấn; 2 Câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ khởi sự kinh doanh” và 1 CLB “Nữ doanh nhân”, với 271 thành viên. Hội phối hợp ngành, đơn vị chức năng dạy các nghề: đan dây nhựa, đan lục bình, chăm sóc da, cắt tóc, chằm nón lá, may công nghiệp, thu hút 926 lao động; tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn trái; tư vấn, giới thiệu việc làm cho 7.246 lượt chị.
Hội LHPN phối hợp Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện hỗ trợ phụ nữ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, với 7.391 hộ vay, tổng dư nợ trên 198 tỉ đồng, huy động tiền gửi tiết kiệm trên 19,8 tỉ đồng. Bên cạnh đó, chị em tham gia gửi tiết kiệm, hùn vốn xoay vòng tại chi hội, mô hình “nuôi heo đất”… số tiền trên 600 triệu đồng. Hội phối hợp rà soát, thống kê số hộ nghèo toàn huyện; hỗ trợ hội viên thoát nghèo đa chiều có địa chỉ, kế hoạch, với nhiều hình thức. Qua đó, giúp đỡ 1.056 lượt hộ nghèo và đã có 321 hộ thoát nghèo. Chị Đỗ Thị Diễm Kiều, Chủ tịch Hội LHPN xã Thới Tân, cho biết, Hội quản lý gần 17 tỉ đồng vốn, với 13 tổ tiết kiệm và vay vốn, không có nợ quá hạn. Chị em vay vốn để trồng cây ăn trái, mua bán nhỏ, mở cơ sở kinh doanh, dịch vụ…
Hơn 1 năm nay, chị Huỳnh Thị Lài, ở ấp Thới Phước A, mướn 6 công đất (20 triệu đồng/năm) đầu tư cải tạo vườn trồng ổi ruột hồng và mít nghệ, dưới ao nuôi cá tra. Chị Lài cho biết: “Tôi vay 20 triệu đồng để mua phân, thuốc chăm bón vườn. Mấy tháng nay, tôi thu hoạch bình quân từ 300-800kg ổi/ngày. Lợi nhuận thu được tôi dành dụm chăm lo cho 2 con học hành; mua phân bón, đầu tư tái sản xuất. Nhờ vợ chồng tôi chí thú làm ăn, được vay vốn ưu đãi, trang bị kỹ thuật, mạnh dạn chuyển đổi phương thức, kỹ thuật nuôi, trồng nên kinh tế gia đình từng bước phát triển”. Hội LHPN xã Trường Thắng cũng đang quản lý 22 tỉ đồng vốn vay ưu đãi NHCSXH, giúp 830 chị vay; 700 triệu đồng vốn Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giúp 172 chị vay để sản xuất, mua bán nhỏ, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Hội LHPN huyện còn vận động hội viên chăm lo bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng thông qua tham gia bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Hội LHPN huyện phối hợp ngành, đoàn thể chức năng tuyên truyền bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ không xả rác nơi công cộng, trồng hoa xây dựng tuyến đường đẹp, phát động tổng vệ sinh định kỳ hằng tháng tại khu dân cư, trụ sở cơ quan… Hội LHPN huyện phối hợp tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ công tác Hội lồng ghép trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu cho cán bộ Hội. Hiện 13 ấp điểm của các xã, thị trấn đều duy trì mô hình “Phụ nữ tự phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình”. Theo chị Trần Thị Bích Trâm, Chủ tịch Hội LHPN xã Trường Xuân, năm 2019, Hội thành lập Mô hình “Phụ nữ tích cực chống rác thải nhựa” tại ấp Phú Thọ và ấp Trường Thọ 1. Qua đó, giúp chị em ý thức hơn trong bảo vệ môi trường; thay túi ni lông bằng giỏ nhựa, dùng cà men đựng thức ăn làm sẵn. Đến nay, nhiều chị em trong xã không sử dụng túi ni lông, phân loại rác thải tại gia đình; nhân rộng mô hình ở ấp Thới Ninh và ấp Thới Thanh.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Yến, Chủ tịch Hội LHPN huyện, nhấn mạnh: Hội tiếp tục hỗ trợ chị em giảm nghèo bền vững, thực hiện các mô hình tiết kiệm tín dụng, sinh kế phù hợp. Đồng thời, phối hợp phát huy hiệu quả vốn vay NHCSXH, đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm theo nhu cầu thị trường lao động. Hội LHPN huyện tiếp tục nâng cao hiệu quả Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025; tăng cường tập huấn khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp cũng như hỗ trợ phát triển năng lực kinh doanh, khởi nghiệp cho phụ nữ... Song song đó, các cấp Hội tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường, hưởng ứng phong trào “chống rác thải nhựa”; sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng; giám sát thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, nâng cao nhận thức, kỹ năng phụ nữ thích ứng biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh.
Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG