TP Cần Thơ tập trung thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40). Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội thành phố.
Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH quận Thốt Nốt và phường Trung Kiên tham quan mô hình hộ vay vốn ưu đãi trồng táo Thái gắn với phát triển du lịch.
Phát huy hiệu quả nguồn vốn
Hướng dẫn khách tham quan trên 10 công vườn trồng các loại cây ăn trái, chị Nguyễn Thị Hạnh ở khu vực Qui Thạnh 2, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, cho biết, đã bán 2 đợt táo Thái, giá tại vườn dao động từ 30.000-50.000 đồng/kg. Ðợt gần nhất, chị Hạnh thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Chị Hạnh kể, lúc trước, nhà chị trồng cam sành, cam xoàn và quýt đường, đạt lợi nhuận đều đặn. Về sau, các loại cây bị lão, chị Hạnh chuyển sang trồng ổi ruby, thanh nhãn, nho thân gỗ, táo Thái. Riêng 2 công đất trồng 100 cây táo Thái, gần 3 năm thì ra trái. Táo Thái dễ chăm sóc, nhanh cho trái và tiêu thụ ổn định, nhiều khách hàng ưa chuộng vì độ giòn, ngọt. Ðược vay 80 triệu đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), chị Hạnh bao lưới vườn táo, mua máy tưới; ủ phân hữu cơ bón cây. Chị Hạnh nói: “Chị em tôi đang thí điểm xây dựng mô hình du lịch sinh thái đón khách tham quan vườn táo và bước đầu thành công. Tôi đang chăm bón vườn để bán trái đợt tới và tiếp tục mở rộng vườn táo”.
Sắp xếp dãy kệ trưng bày sản phẩm cá khô tại cửa hàng OCOP Thốt Nốt trong khu ẩm thực, mua sắm chợ đêm, quận Thốt Nốt, anh Nguyễn Minh Phương, đại diện cơ sở sản xuất cá khô, cho biết, đầu năm 2024, cơ sở được quận bố trí điểm trưng bày sản phẩm cá khô và các sản phẩm liên kết khác, phục vụ nhu cầu thực khách. Anh Phương có thâm niên 20 năm nuôi cá. Khoảng 6 năm nay, anh Phương vừa nuôi cá, vừa mở cơ sở sản xuất cá khô các loại. Vui vẻ giới thiệu các sản phẩm cá sấy ăn liền KOCANA được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao, anh Phương chia sẻ: “Cơ sở được hỗ trợ vay 100 triệu đồng từ NHCSXH để thêm vốn mua thiết bị, nguyên liệu và chi phí sản xuất khác. Tôi đang thử nghiệm chế biến một số sản phẩm mới và tích cực tham gia các hoạt động giao thương...”.
Ông Nguyễn Minh Hiếu, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH quận Thốt Nốt, cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, UBND quận đã chuyển ngân sách 2 tỉ đồng sang NHCSXH. Ðến nay, Phòng giao dịch NHCSXH tiếp nhận trên 7,8 tỉ đồng vốn ngân sách quận để ủy thác ưu tiên cho vay các mô hình, dự án phát triển kinh tế, phục vụ phát triển du lịch, sản phẩm OCOP. Toàn quận hiện có 15 hộ vay 1,34 tỉ đồng mở rộng các mô hình sản xuất, làng nghề như: bánh tráng, cá khô, nhang; trồng dâu, chôm chôm, táo Thái...
Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách
Theo Chi nhánh NHCSXH thành phố, thực hiện Chỉ thị số 40, hằng năm, UBND thành phố đã trình HÐND thành phố chuyển vốn ngân sách ủy thác sang NHCSXH để cho vay các chương trình chỉ định của địa phương. Hiện vốn ủy thác từ ngân sách thành phố và quận, huyện đạt 610 tỉ đồng, tăng 86,5 tỉ đồng so với năm 2023; hoàn thành 133% chỉ tiêu năm 2024. Có 6/9 quận, huyện hoàn thành chỉ tiêu 2 tỉ đồng/đơn vị. Các địa phương tạo điều kiện cấp đất xây dựng trụ sở phòng giao dịch; trang bị máy vi tính cho NHCSXH; bố trí địa điểm, thời gian, đảm bảo an ninh, an toàn đối với hoạt động giao dịch hằng tháng.
Thời gian qua, UBND thành phố chỉ đạo chính quyền địa phương thống kê, rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời danh sách hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn phát sinh hằng năm để làm cơ sở cho vay kịp thời, đúng đối tượng. Các cấp ủy Ðảng, chính quyền chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xem việc quản lý, thực hiện các chương trình tín dụng chính sách là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, góp phần giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội thành phố. Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp phát huy vai trò lãnh đạo, quản lý, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp các cấp, các ngành liên quan và đoàn thể nhận ủy thác trong triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội.
Thời gian tới, Chi nhánh tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40; phát huy vai trò, trách nhiệm cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Ðồng thời, phối hợp hội, đoàn thể nhận ủy thác, các đơn vị liên quan lồng ghép hiệu quả các hoạt động khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư; khuyến khích người vay tham gia mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, gắn mô hình, chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, đào tạo nghề, tạo việc làm với tín dụng chính sách, giúp người vay sử dụng vốn hiệu quả, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG