28/03/2022 - 09:09

Hỗ trợ nông dân giảm chi phí sản xuất, tạo sản phẩm nông nghiệp an toàn 

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Giá phân bón hóa học và nhiều loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng cao đã và đang gây khó khăn cho hoạt động sản xuất trồng trọt, ảnh hưởng đến lợi nhuận của nông dân. Ðể giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ đang tích cực phối hợp với các đơn vị và doanh nghiệp hỗ trợ nông dân thực hiện các mô hình hiệu quả trong sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học, nhằm giảm lượng sử dụng phân bón và thuốc hóa học. Qua đó giúp tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng và an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trồng nhãn tại HTX Nhãn Nhơn Nghĩa ở  huyện Phong Ðiền.

Xây dựng mô hình làm điểm nhân rộng

Ðược hỗ trợ của ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ, nông dân tại Hợp tác xã (HTX) Nhãn Nhơn Nghĩa ở xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Ðiền, đang triển khai thực hiện mô hình trình diễn sản xuất nhãn Idor an toàn. Mô hình này không chỉ áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP mà còn chú trọng việc sử dụng phân bón hữu cơ và các loại thuốc BVTV sinh học. Qua đó, giúp nông dân giảm được chi phí sản xuất, tạo ra sản phẩm trái cây đảm bảo chất lượng, an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ông Phạm Văn Lơ, Giám đốc HTX Nhãn Nhơn Nghĩa, cho biết: "Mô hình trình diễn sản xuất nhãn Idor an toàn tại HTX được thực hiện dưới sự hỗ trợ của Chi cục Trồng trọt và BVTV thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ và Công ty cổ phần BVTV Sài Gòn. HTX được Công ty cổ phần BVTV Sài Gòn cung cấp các loại phân bón hữu cơ và thuốc BVTV sinh học để HTX thực hiện mô hình. Nông dân được tăng cường tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn cách sử dụng các loại phân bón hữu cơ và thuốc BVTV sinh học một cách hiệu quả để giảm chi phí đầu tư". Theo ông Lơ, nếu thực hiện tốt các quy trình sản xuất theo hướng an toàn và giảm phân bón hóa học, nông dân có thể giảm chi phí sản xuất hơn 20%. Ðồng thời, giúp tạo ra sản phẩm trái cây an toàn, góp phần tích cực bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho nông dân và người tiêu dùng.

Với sự hỗ trợ từ Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ và Công ty TNHH Thương mại Tân Thành, nông dân trồng lúa tại huyện Cờ Ðỏ cũng đang thực hiện mô hình trình diễn thuốc BVTV sinh học trên đồng ruộng. Anh Nguyễn Thanh Hải ở xã Thới Xuân, huyện Cờ Ðỏ, cho biết: "Hiện có 15ha lúa tham gia mô hình sử dụng thuốc BVTV sinh học. Qua 6 năm thực hiện mô hình đã khẳng định hiệu quả, giúp sản xuất lúa an toàn, đạt chất lượng, năng suất cao mà sức khỏe người nông dân lại được đảm bảo. Nhờ giảm được chi phí, lúa lại được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn khoảng 10% so với giá thị trường nên tôi có thể nâng cao được lợi nhuận hơn 10 triệu đồng/ha".

Hỗ trợ nông dân

Bà Trần Thị Kim Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ, cho biết: "Thực hiện các chỉ đạo của ngành Nông nghiệp thành phố và Trung ương, đơn vị đang tích cực hỗ trợ nông dân quản lý dư lượng thuốc BVTV, xây dựng mô hình sử dụng thuốc BVTV sinh học và sản xuất an toàn trên các loại cây trồng để mang lại hiệu quả cho bà con nông dân. Hướng tới xây dựng vùng sản xuất chuyên canh, cấp mã số vùng trồng để sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu. Chi cục cũng đã quan tâm phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp để có những hỗ trợ cần thiết về tập huấn kỹ thuật, cung cấp các loại phân hữu cơ và thuốc BVTV sinh học… giúp nông dân thực hiện các mô hình cụ thể trên nhiều loại cây trồng như lúa, cây ăn trái…". 

Hiện nay, Cục BVTV thuộc Bộ NN&PTNT cũng đang tăng cường phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp để triển khai nhiều hoạt động nhằm hướng dẫn, hỗ trợ người dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc BVTV sinh học. Cục BVTV cũng tích cực đồng hành cùng các doanh nghiệp và các doanh nghiệp cũng ký cam kết nhằm phối hợp tập huấn cho người buôn bán thuốc BVTV, các đại lý và tập huấn cho người nông dân. Ðồng thời, phối hợp xây dựng các mô hình tốt về sử dụng thuốc BVTV sinh học, xây dựng mã số vùng trồng và thực hiện các biện pháp đảm bảo chất lượng nông sản đầu ra theo  yêu cầu các nước nhập khẩu và tiêu thụ nội địa.

Theo bà Bùi Thanh Hương, Trưởng Phòng thuốc BVTV thuộc Cục BVTV, Cục BVTV phối hợp các đơn vị, doanh nghiệp để thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng nhằm bảo vệ môi trường. Ðồng thời, đẩy mạnh phát triển các loại thuốc BVTV sinh học, hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp và nhà máy nâng công suất hoạt động và phát triển các sản phẩm thuốc BVTV sinh học để có sản phẩm thuốc phù hợp từng mô hình trồng trọt.

Hiện nay, Công ty TNHH Thương mại Tân Thành đang kết hợp với bà con nông dân ở TP Cần Thơ và các tỉnh Sóc Trăng, An Giang và Ðồng Tháp thực hiện mô hình trồng lúa theo quy trình sinh học, sử dụng thuốc BVTV sinh học, với tổng diện tích 150ha. Ông Nguyễn Trường Thụ, Giám đốc Kinh doanh khu vực Nam Sông Hậu, Công ty TNHH Thương mại Tân Thành, cho biết: "Bên cạnh tham gia tập huấn kỹ thuật cho nông dân và cung cấp các loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất, Công ty còn ký hợp đồng bao tiêu lúa cho nông dân từ đầu vụ, với giá hiện tại cao hơn thị trường 10%. Bà con được hướng dẫn áp dụng quy trình sử dụng thuốc sinh học trên đồng ruộng và quản lý các đối tượng dịch hại. Mô hình này đã được xây dựng và phát triển 7 năm nay, đã khẳng định hiệu quả, được bà con rất hưởng ứng và tâm đắc vì cho năng suất, chất lượng tốt, lúa bán được giá cao, lại không gây độc hại cho sức khỏe con người và môi trường".

Theo ông Hà Quý Mai, Phó trưởng Phòng Kinh doanh Công ty cổ phần BVTV Sài Gòn, thực hiện theo các chương trình, chủ trương của Nhà nước và nội dung cam kết với Cục BVTV thuộc Bộ NN&PTNT, Công ty đang tích cực phối hợp với nông dân và ngành chức năng tại các địa phương để tăng cường sản xuất và đưa ra thị trường các sản phẩm phân hữu cơ và thuốc sinh học. Ðồng thời, phối hợp hướng dẫn bà con sử thuốc BVTV an toàn, tiết kiệm, hiệu quả và giúp tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn. Thời gian qua, Công ty đã phối hợp với nông dân và ngành Nông nghiệp tại TP Cần Thơ thực hiện mô hình sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ để phục vụ xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu, Hoa Kỳ. Tiếp nối thành công từ mô hình trên cây lúa, Công ty tiếp tục nhân rộng, hỗ trợ nông dân trồng nhãn tại huyện Phong Ðiền thực hiện mô hình trình diễn sản xuất nhãn an toàn và tới đây dự kiến còn làm thêm mô hình trên các loại cây trồng khác.

Chia sẻ bài viết