12/08/2024 - 07:41

Hỗ trợ hợp tác xã khai thác lợi thế sản phẩm địa phương 

Cùng với sự tiếp sức của ngành chức năng thành phố, nhiều hợp tác xã (HTX) ở TP Cần Thơ đã đổi mới phương thức hoạt động, tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn, trang thiết bị, công nghệ hiện đại vào sản xuất, khai thác tốt tiềm năng và lợi thế sản phẩm đặc trưng của địa phương. Qua đó không chỉ nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế cho sản phẩm địa phương, mà còn giúp gia tăng thu nhập cho thành viên HTX, tạo việc làm cho lao động địa phương.

Ông Phạm Văn Lơ, Giám đốc HTX nhãn Nhơn Nghĩa, giới thiệu nhãn Ido được trồng theo quy trình VietGAP.

Để tiếp sức cho các HTX phát triển trong bối cảnh cạnh tranh thị trường, Liên minh HTX TP Cần Thơ đã phối hợp cùng với các sở, ngành hữu quan thành phố tổ chức nhiều chương trình tập huấn, đào tạo nâng cao hiệu quả hoạt động cho khu vực kinh tế tập thể, HTX; tạo điều kiện cho các HTX tham gia các chương trình, dự án hỗ trợ ứng dụng công nghệ, tiêu chuẩn vào sản xuất hàng hóa, nông sản theo tiêu chuẩn và xu thế của thị trường; kết hợp đẩy mạnh kết nối thị trường tiêu thụ, đưa hàng hóa, sản phẩm của HTX vào các kênh phân phối hiện đại; hỗ trợ HTX quảng bá, kết nối tiêu thụ hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử, như Shopee, Postmart.vn, Voso.vn… Qua đó, giúp HTX nắm bắt xu hướng và thị hiếu tiêu dùng, từ đó đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, mở rộng liên kết với doanh nghiệp. Hiện thành phố hiện có 341 HTX, trong đó có gần 60% HTX được xếp loại khá, giỏi, hoạt động có hiệu quả, liên kết với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đầu vào và tổ chức thu mua sản phẩm cho thành viên, góp phần gia tăng thu nhập, gia tăng thành viên vào HTX.

Không chỉ hỗ trợ 29 nhà vườn trồng nhãn Ido theo quy trình VietGAP, HTX nhãn Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền còn hợp tác với nhiều doanh nghiệp làm tốt các dịch vụ hỗ trợ thành viên HTX. Ông Phạm Văn Lơ, Giám đốc HTX nhãn Nhơn Nghĩa, cho biết: Để trái nhãn Ido đạt tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu của đối tác, doanh nghiệp thu mua trái cây xuất khẩu, ngoài việc hướng dẫn nhà vườn tuân thủ quy trình trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX còn liên kết với công ty sản xuất phân bón, để cung cấp phân hữu cơ sinh học cho thành viên; đồng thời, tranh thủ trợ lực của ngành chức năng thành phố và địa phương, HTX đã tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đăng ký mã số vùng trồng và đến nay nhãn Ido của HTX đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao và được cấp giấy chứng nhận đăng ký mã số vùng trồng, được 4 nước như Mỹ, Nhật, Úc và Trung Quốc chấp thuận… Nhờ có đầy đủ các chứng nhận về tiêu chuẩn chất lượng, nên nhãn của HTX được nhiều thương lái, doanh nghiệp thu mua với giá cao, giúp nhà vườn an tâm sản xuất để gia tăng thu nhập. Ước tính mỗi vụ thu hoạch nhãn, năng suất đạt từ 20 tấn/ha, bán với giá từ 15.000-25.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất, nhà vườn thu nhập từ 200-400 triệu đồng/ha/năm. Ngoài trồng nhãn, hiện nhiều thành viên trong HTX còn trồng xen canh cây hạnh, dâu… trong vườn nhãn, mang lại nguồn thu nhập tăng thêm từ 30-50 triệu đồng/ha/năm.

Để khai thác nguồn nguyên liệu sẵn có và lực lượng lao động nông nhàn tại địa phương, năm 2013, HTX Quốc Noãn, huyện Thới Lai được thành lập và mở hướng làm dịch vụ, hỗ trợ dạy nghề và thu mua các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cho bà con làm nghề đan đát tại rạch Cả Túc, ấp Trường Bình, xã Trường Thắng. Trải qua 10 năm hình thành và phát triển, đến nay HTX Quốc Noãn đã khai thác được thế mạnh của sản phẩm làng nghề, không ngừng mở rộng quy mô sản xuất và đẩy mạnh dịch vụ thu mua đồ thủ công mỹ nghệ từ tre, nứa, giúp gia tăng thu nhập cho 22 thành viên HTX và tạo việc làm ổn định cho 80 người lao động ở địa phương, với mức thu nhập từ 5,5 triệu đồng/người/tháng. Ông Nguyễn Ngọc Nà, Giám đốc HTX Quốc Noãn, chia sẻ: Cùng với sự trợ lực về đào tạo nghề cho thành viên, kết nối xúc tiến thị trường cho sản phẩm làng nghề từ ngành chức năng thành phố, HTX Quốc Noãn đã không ngừng đẩy mạnh sản xuất hàng hóa theo xu hướng của thị trường, tạo ra nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ với đa dạng chủng loại, quy cách, mẫu mã, đảm bảo đạt chuẩn chất lượng và số lượng theo đơn đặt hàng của đối tác, doanh nghiệp. Điều quan trọng là giúp bà con ở làng nghề ở rạch Cả Túc ngày càng an tâm sản xuất, bởi không còn nỗi lo về đầu ra sản phẩm.

Theo ông Nà, hiện HTX Quốc Noãn có 1 nhà xưởng, 3 máy vót nan tre và 1 máy chẻ nan tre, 1 bồn xử lý nguyên liệu. Với cơ sở vật chất và lực lượng lao động hiện có, HTX đã thành lập tổ chuyên thu mua tre, trúc ở địa phương và các vùng lân cận; kết hợp làm dịch vụ sơ chế HTX nan tre, phân phối nguyên liệu và thu mua toàn bộ sản phẩm thành phẩm cho thành viên, đảm bảo giao hàng đúng hẹn theo hợp đồng cam kết với khách hàng. Nhờ vận hành tốt các dịch vụ đầu vào và đầu ra, nên các mặt hàng như cần xé, giỏ trồng hoa kiểng cũng như các loại giỏ xách hay các mặt hàng nông cụ làm nông… do HTX sản xuất đều đạt chất lượng đồng đều và đảm bảo sản lượng theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Hiện HTX Quốc Noãn có năng lực sản xuất trên 35.000 sản phẩm/năm, cung cấp cho khách hàng ở tỉnh Bạc Liêu, tỉnh Long An, TP Hồ Chí Minh…

Ông Nguyễn Đức Phương, Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, cho biết: Hướng tới Liên minh HTX thành phố tiếp tục phối hợp với các sở, ngành hữu quan và các địa phương tăng cường công tác triển khai các điểm mới của Luật HTX năm 2023; tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển HTX, để tiếp thêm nguồn lực cho HTX đầu tư ứng dụng công nghệ, tiêu chuẩn vào sản xuất nâng cao chất lượng hàng hóa, nhất là khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế sản phẩm đặc trưng của các địa phương. Cùng đó, hỗ trợ các HTX tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, liên kết với doanh nghiệp để tăng quy mô sản xuất, tạo ra sản phẩm, hàng hóa có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng… từng bước đưa HTX phát triển ngày càng hiệu quả và bền vững trong xu thế mới.

Bài, ảnh: MỸ HOA

Chia sẻ bài viết