Đến thời điểm này, Dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng đô thị (Dự án 3), vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) đã cơ bản “về đích”. Nhiều công trình lớn, trọng điểm được đưa vào sử dụng và đang phát huy hiệu quả, góp phần nâng tầm đô thị Cần Thơ và chống ngập cho khu vực trung tâm thành phố.
Chỉnh trang đô thị, chống ngập cho vùng lõi
Công trình âu thuyền Cái Khế phục vụ điều tiết nước, chống ngập úng cho vùng lõi TP Cần Thơ.
Dự án 3 có tổng mức đầu tư 9.167 tỉ đồng. Trong đó, vốn ODA từ nguồn vốn vay WB là 250 triệu USD, chiếm 61,25% tổng mức đầu tư; nguồn vốn không hoàn lại từ SECO là 4 triệu USD, chiếm 0,99%; vốn đối ứng của TP Cần Thơ hơn 148 triệu USD, chiếm 36,86% tổng mức đầu tư. Dự án với mục tiêu bảo vệ vùng lõi trung tâm thành phố (quận Ninh Kiều và một phần quận Bình Thủy) trước rủi ro ngập lụt do triều cường, nước lũ dâng cao và mưa lớn cục bộ; chỉnh trang đô thị, tăng cường khả năng kết nối giữa khu vực trung tâm thành phố và các khu vực đô thị mới phát triển. Diện tích được bảo vệ của dự án này là 2.675ha, dân số trong khu vực được bảo vệ là 423.400 người.
Dự án 3 gồm 3 hợp phần.
Hợp phần 1 - kiểm soát ngập lụt và vệ sinh môi trường: giảm các nguy cơ liên quan đến tình trạng úng ngập tại khu vực đô thị trung tâm TP Cần Thơ thông qua việc cung cấp hỗ trợ các hoạt động đầu tư ưu tiên cho công tác kiểm soát úng ngập tại quận Ninh Kiều và Bình Thủy (bao gồm các bờ kè và phục hồi đường đô thị); phục hồi và nâng cấp kênh mương, hệ thống thoát nước và công trình vệ sinh môi trường cũng như các hệ thống quản lý đi kèm, xây dựng các khu chứa nước mưa ở khu vực nông thôn quận Bình Thủy và lắp đặt trạm bơm nhỏ tại cửa cống thoát nước rạch Tham Tướng. Các hoạt động quản lý hợp nhất rủi ro úng ngập và hệ thống cảnh báo sớm của thành phố, bao gồm: hoàn thiện quy chế vận hành hệ thống kiểm soát úng ngập và thoát nước trong trường hợp khẩn cấp, xây dựng khung kinh phí cho việc vận hành và bảo dưỡng các hệ thống, quy chế điều phối và trao đổi thông tin với các tỉnh thuộc ĐBSCL và hoàn thiện hệ thống thông tin cảnh báo sớm và nâng cao ý thức người dân.
Hợp phần 2 - phát triển hành lang đô thị: tăng cường kết nối nội đô và phát triển đô thị theo hướng khuyến khích việc đi bộ và sử dụng phương tiện giao thông công cộng tại các khu vực ít rủi ro úng ngập của quận Cái Răng, thông qua việc cung cấp hỗ trợ cho kết nối hệ thống đường và cầu, hỗ trợ kỹ thuật cho công tác giao thông và sử dụng đất; xây dựng khu vực tái định cư tại quận Ninh Kiều. Ngoài ra, tiến hành các nghiên cứu và xây dựng kế hoạch cho việc nâng cấp hệ thống xe buýt thành phố, bao gồm việc phát triển thí điểm hành lang tuyến xe buýt nhanh (BRT); thành lập cơ quan quản lý giao thông công cộng; xây dựng kế hoạch phát triển hành lang nhằm xác định cơ hội thiết kế hướng tới người đi bộ và mạng lưới giao thông phi cơ giới; phân tích hệ thống giao thông đô thị thành phố và mối tương quan với công tác sử dụng đất và phân bổ việc làm.
Hợp phần 3 - tăng cường quản lý đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu: cung cấp hỗ trợ việc chuẩn bị quy hoạch không gian trên cơ sở các thông tin về rủi ro bao gồm thu thập và số hóa dữ liệu, mua phần mềm, phát triển và cài đặt cũng như các hoạt động đào tạo đi kèm; xây dựng mô hình rủi ro ngập úng thủy động lực; nâng cấp và sửa chữa hệ thống trợ giúp xã hội ứng phó với thiên tai của thành phố.
Hiệu quả từ những công trình lớn
Tuyến đường Mậu Thân khô ráo đầu tháng 9 âm lịch năm nay, mặc dù triều cường vượt báo động III.
Hàng loạt công trình, gói thầu thuộc Dự án 3 đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và đang phát huy hiệu quả. Trong đó, có những công trình bảo vệ vùng lõi trung tâm thành phố: hoàn thành hệ thống kè với tổng chiều dài hơn 10km (kè sông Cần Thơ dài hơn 6km kết hợp đường giao thông dài 1,4km và đường đi bộ, kè rạch Cái Sơn - Mương Khai kết hợp với đường giao thông sau kè chiều dài hơn 4km); hệ thống đường giao thông với đường nối từ đường Cách mạng Tháng 8 đến đường tỉnh 918 đóng vai trò là đê bao có chiều dài 5,33km; hệ thống âu thuyền, cống ngăn triều để điều tiết thủy triều (bao gồm 2 âu thuyền (Cái Khế, Hàng Bàng) và 10 cống ngăn triều: 4 cống trên sông Cần Thơ, 2 cống rạch Cái Sơn - Mương Khai và 4 cống trên đường nối từ đường Cách mạng Tháng 8 đến đường tỉnh 918); hệ thống trạm bơm (bao gồm 2 trạm bơm: trạm Ninh Kiều 2m3/s và trạm Châu Văn Liêm 1,5m3/s), đảm bảo khả năng tiêu thoát nước hiệu quả khi mực nước thủy triều dâng phải đóng cống và kết hợp với lưu lượng mưa lớn.
Về kết nối giao thông đảm bảo lưu thông dễ dàng, thuận lợi giữa trung tâm và quốc lộ 1, rút ngắn thời gian tiếp cận giữa trung tâm thành phố và quốc lộ 1 (quận Cái Răng): hoàn thành công trình trọng điểm cầu Trần Hoàng Na thiết kế hiện đại, làm thay đổi diện mạo đô thị thành phố. Công trình được thiết kế với kiến trúc biểu tượng đàn chim tung cánh thể hiện khát vọng của người dân Cần Thơ; kết hợp kết cấu vòm thép kiến trúc, chiếu sáng nghệ thuật làm điểm nhấn cho thành phố du lịch. Hoàn thành cầu Quang Trung được thiết kế với kiến trúc vòm thép, chiếu sáng nghệ thuật là cửa ngỏ vào trung tâm thành phố… Về kết nối giao thông nội ô và chỉnh trang đô thị: đường Trần Hoàng Na với chiều dài tuyến 2,63km, mặt cắt ngang 20-28m; đường Hoàng Quốc Việt chiều dài tuyến hơn 3,46km, mặt cắt ngang 23m; cải tạo hệ thống cống thoát nước mặt và cải tạo thảm nhựa mặt đường nội ô thành phố (gồm 35 tuyến đường với tổng chiều dài khoảng 13,5km)…
Hoàn thành và vận hành hệ thống thông tin quản lý rủi ro ngập để tăng cường khả năng thích ứng của TP Cần Thơ (hệ thống FRMIS). Đây là bộ não công cụ hỗ trợ giúp thành phố quản lý rủi ro ngập một cách thông minh, tự động điều chỉnh, kiểm soát mực nước trong vùng lõi đô thị. FRMIS hỗ trợ thành phố trong việc ra quyết định: quản lý tối ưu hoạt động của các cống và máy bơm mới trong vùng lõi thành phố để giảm thiểu ngập lụt trong mùa mưa lũ, duy trì mực nước tối thiểu cho cảnh quan và giao thông thủy; truy cập thông tin và dự báo ngập lụt mới nhất tại TP Cần Thơ để hỗ trợ cảnh báo sớm; giám sát chất lượng nước trong các kênh rạch và sông của thành phố; tích hợp quản lý ngập lụt trong quy hoạch đô thị, cải thiện các quyết định đầu tư và quy hoạch đô thị nhằm phát triển đô thị bền vững.
Ông Nguyễn Văn Tho, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án ODA TP Cần Thơ, cho biết: Đối với Dự án 3, đến nay các tuyến cầu đường giao thông được xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng đảm bảo khả năng kết nối giao thông giữa các quận của thành phố và với các tuyến quốc lộ, phục vụ đi lại và giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế địa phương. Còn hệ thống kè, âu thuyền, cống ngăn triều, trạm bơm được hoàn thành đảm bảo mục tiêu chống ngập úng vùng lõi trung tâm thành phố trong các đợt triều cường, mùa lũ. Đây là điểm nổi bật nhất cho thấy hiệu quả đầu tư của Dự án 3 so với các dự án chống ngập trong cả nước, được WB đánh giá rất cao và là mô hình cho các tỉnh, thành khác tham quan, học hỏi.
Điểm đặt biệt nhất của Dự án 3 là từ ngày 30-10-2023 đến nay, khi các âu thuyền và các cống ngăn triều được đóng mở tự động bằng hệ thống thông tin quản lý rủi ro ngập, nhiều tuyến đường ở khu vực trung tâm thành phố không còn bị ngập trong các đợt triều cường. Nhờ vậy, không còn cảnh kẹt xe, người dân cũng không còn thắc thỏm, vất vả kê cao đồ đạc, vật dụng trong nhà mỗi khi triều cường lên, đường phố lênh láng nước, nhà bị ngập. Hệ thống chống ngập bảo vệ vùng lõi thành phố (quận Ninh Kiều, một phần quận Bình Thủy) được vận hành xuyên suốt các đợt triều cường dâng cao trong năm nay; gồm dự báo và kiểm soát đóng mở các cống, âu thuyền các con nước lớn trong các tháng mùa lũ.
Những năm trước, vào các đợt triều cường, tuyến đường Mậu Thân - Võ Văn Kiệt (đoạn quận Ninh Kiều) thường ngập sâu. Năm nay, tình trạng này không còn. Cô Trương Ngọc Phụng buôn bán trên đường Mậu Thân, cho biết: Các đợt triều cường những năm trước, đoạn đường Mậu Thân này ngập sâu nhiều khi gần cả mét nước, mỗi đợt nước lên mất cả tuần đến 10 ngày phải nghỉ bán, có buôn bán cũng không ai ghé mua. Năm nay, không còn lo mất thu nhập vì đường không còn ngập, đi lại thuận lợi, không còn các trường hợp té xe, hay cảnh xe chết máy như các năm trước. Người dân ở đây rất phấn khởi.
Bài, ảnh: ANH KHOA