30/05/2014 - 21:59

Hiến kế thu gom - tái điều chỉnh đất để phát triển đô thị Việt Nam

(CT)- Vừa qua, tại TP Cần Thơ, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam phối hợp cùng Cục Phát triển đô thị-Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo quốc tế về "Phương pháp thu gom-tái điều chỉnh đất và khả năng áp dụng tại Việt Nam". Tham dự hội thảo có bà Phan Thị Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, đại diện WB, Hiệp hội Các đô thị Việt Nam, lãnh đạo một số tỉnh, thành trong cả nước.

Theo WB, thu gom và điều chỉnh đất là công cụ nhằm cải tạo, tái thiết các khu đô thị cũ hoặc mở rộng và phát triển các khu đô thị mới để góp phần giải quyết những thách thức đối với các đô thị của các quốc gia trên thế giới. Quá trình này được tiến hành bằng cách hợp nhất các thửa đất thuộc sở hữu cá nhân thành một diện tích duy nhất để phân chia và phát triển một cách hiệu quả. Trong quá trình thu gom và điều chỉnh đất, mỗi quốc gia sẽ áp dụng những phương thức khác nhau và sẽ phải giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan đến các mức độ đóng góp đất, tỷ lệ đồng ý của chủ đất để dự án được phép triển khai, việc thu hồi chi phí đầu tư sau khi dự án đã được nhà nước hoàn thiện hạ tầng…. Ngoài ra, cần xem xét tăng cường khả năng tiếp cận cho người có thu nhập thấp bị ảnh hưởng bởi dự án và phải đảm bảo tính công bằng giữa hộ dân trong vùng dự án. Dịp này, các chuyên gia nghiên cứu của WB đến từ Nhật Bản, Ấn Độ, Bhutan cũng giới thiệu về một số mô hình góp đất và điều chỉnh đất đã được áp dụng tại các quốc gia sở tại và một số quốc gia khác nhằm trao đổi kinh nghiệm, cung cấp các thông tin liên quan để phía Việt Nam có thể chọn lựa áp dụng.

Theo các nhà tư vấn chính sách, một số đại biểu tại hội thảo, để quá trình thu gom và điều chỉnh đất được áp dụng hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của các đô thị Việt Nam, Chính phủ, các bộ ngành liên quan cần tiếp tục hoàn thiện khung chính sách liên quan đến quản lý đất đai, quản lý và phát triển đô thị. Việc quy hoạch, quản lý, khai thác, sử dụng đất đai phải phù hợp với mục tiêu phát triển đô thị, phải đảm bảo tính công bằng về quyền lợi của các bên liên quan. Cần xây dựng các mô hình thí điểm về góp đất và điều chỉnh đất tại địa phương để cải thiện cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, thu hút sự quan tâm và đồng thuận cao của người dân. Từ đó đúc kết kinh nghiệm và chọn lựa ra mô hình phù hợp để áp dụng và nhân rộng cho các đô thị Việt Nam trong tương lai.

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết