25/09/2017 - 21:31

Hẹp động mạch cảnh – “sát thủ” thầm lặng gây tai biến mạch máu não 

Hẹp động mạch cảnh là một trong những nguyên nhân thầm lặng gây tai biến mạch máu não, bệnh nhân bị tàn phế hoặc tử vong. Qua thực tế khám chữa bệnh, thạc sĩ – bác sĩ BV Trường Đại học Y dược Cần Thơ chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về bệnh lý này.

Động mạch cảnh là một trong những động mạch quan trọng cung cấp máu cho não và vùng đầu mặt cổ. Từ trong lồng ngực, động mạch cảnh chung bên phải xuất phát từ động mạch thân cánh tay đầu, bên trái xuất phát từ quai động mạch chủ. Các động mạch cảnh chung đi lên và nằm hai bên cổ, đến đoạn giữa cổ chia thành động mạch cảnh ngoài để cấp máu nuôi vùng đầu mặt và động mạch cảnh trong tiếp tục đi lên trên, chui vào trong sọ để cấp máu cho não. Hẹp động mạch cảnh có thể dẫn đến thiếu máu não hoặc nặng hơn dẫn đến nhồi máu não.

Hình 1a: trước đặt stent.

Hình 1b: sau đặt stent

 

Có nhiều nguyên nhân gây hẹp động mạch cảnh gồm: xơ vữa mạch, bóc tách do chấn thương, viêm mạch máu, bẩm sinh... nhưng nguyên nhân chủ yếu của hẹp động mạch cảnh là do xơ vữa. Hẹp động mạch cảnh dẫn đến thiếu cấp máu cho não và biểu hiện triệu chứng của suy giảm chức năng của các vùng não tương ứng từ nhẹ đến nặng gồm: nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, xây xẩm, choáng váng, méo miệng, nói đớ, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn ý thức, mất ý thức, hôn mê, yếu liệt tay chân...

Nhóm người thường gặp bệnh lý hẹp động mạch cảnh trên 60 tuổi, người có bệnh nội khoa như: tiểu đường, tăng huyết áp... Nhóm những người mang yếu tố nguy cơ khác gồm: người hút thuốc lá, béo phì, tăng mỡ máu, ít vận động, chế độ ăn nhiều đường, nhiều chất béo...

Chẩn đoán hẹp động mạch cảnh được thực hiện đơn giản, nhanh chóng bằng siêu âm động mạch cảnh đoạn cổ. Khoảng 70% các trường hợp hẹp động mạch cảnh xảy ra ở đoạn cổ. Do đó, hoàn toàn có thể phát hiện được bệnh lý này bằng siêu âm. Ở những trường hợp khác, nếu có nghi ngờ, bác sĩ sẽ chỉ định chụp CT scan động mạch cảnh hoặc MRI động mạch cảnh để tầm soát những chỗ hẹp bên trong sọ hoặc ở đoạn trong lồng ngực mà không thể phát hiện được bằng siêu âm.

Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Vũ Đằng chia sẻ, bên cạnh hướng dẫn bệnh nhân thay đổi lối sống và các chế độ dinh dưỡng, chế tiết, việc điều trị hẹp động mạch cảnh tại BV Trường Đại học Y dược Cần Thơ được thực hiện bằng cách kết hợp điều trị nội khoa và can thiệp nội mạch.

Trong trường hợp hẹp ít hơn 70% khẩu kính, bệnh nhân được điều trị bằng thuốc và theo dõi. Mục đích là duy trì tưới máu lên não, ngăn chặn sự tiến triển của bệnh. Nếu hẹp động mạch cảnh từ 70% khẩu kính trở lên, bệnh nhân sẽ được nong và đặt stent để tái thông làm cho lòng mạch rộng ra.

Hình 2a: trước can thiệp

Hình 2b: sau can thiệp

BV Trường Đại học Y dược Cần Thơ đã điều trị cho nhiều trường hợp hẹp động mạch cảnh mức độ nặng bằng phương pháp can thiệp nội mạch. Tất cả những bệnh nhân hẹp nặng động mạch cảnh nêu trên đều được nong, đặt stent an toàn và cho hiệu quả cao với hơn 90% bệnh nhân cải thiện triệu chứng rất tốt.

Điển hình như trường hợp của bệnh nhân N.V.T (71 tuổi) bị hẹp động mạch cảnh trong trái, chóng mặt xây xẩm, yếu 1/2 phải. Sau can thiệp nong và đặt stent, các triệu chứng được cải thiện, bớt chóng mặt, tay chân phải mạnh hơn, đi lại bình thường.

Một trường hợp khác là bệnh nhân nữ, 68 tuổi, hẹp động mạch cảnh trong trái với các triệu chứng chóng mặt, yếu 1/2 phải, nói đớ, nhầm lẫn, có nhiều đợt mất ý thức thoáng qua. Sau can thiệp, bệnh nhân cải thiện triệu chứng, tỉnh táo, không chóng mặt, cải thiện sức cơ tốt, đi lại bình thường.

Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Vũ Đằng khuyến cáo, ngoài việc luyện tập và lựa chọn chế độ ăn, tiết chế phù hợp, những người lớn tuổi nên có kế hoạch kiểm tra sức khỏe định kỳ, kiểm tra động mạch cảnh để phát hiện sớm bệnh lý và điều trị kịp thời.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG 

Chia sẻ bài viết