09/01/2022 - 10:07

Hệ thống đường ống khí đốt của Nga tại châu Âu 

ÐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Cùng với việc hoàn thành đường ống khí đốt Power of Siberia 1 dài hơn 2.250km đi qua Trung Quốc năm 2019, Nga đã bắt đầu xây dựng đường ống khí đốt Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2, cung cấp khí đốt cho Ðức, khu vực Bắc Âu và Tây Âu) từ năm 2018 và dự án TurkStream (Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ, khu vực Nam Âu và Ðông Nam châu Âu) từ năm 2017.

Hệ thống đường ống khí đốt của Nga qua châu Âu. Ảnh: Clingendael Spectator.

North Stream 2 là một dự án đường ống dẫn khí đốt xa bờ từ thành phố Vyborg (Nga) đến thành phố Greifswald (Ðức) dọc theo đáy biển Baltic, bao gồm cả các đường ống cung cấp khí trên cạn ở Nga và xa hơn nữa là nối liền hệ thống này với khu vực Tây Âu. Dự án gồm 2 đường ống nêu trên có tổng chiều dài 1.230km. Khi đi vào hoạt động, dự án có công suất 55 tỉ mét khối khí mỗi năm. Ðường ống trị giá 11 tỉ USD được xây dựng bởi tập đoàn khí đốt Gazprom (Nga) và một nửa chi phí do các công ty năng lượng châu Âu chi trả.

Trong khi đó, đường ống TurkStream, từ vùng Krasnodar của Nga đi qua Biển Ðen đến tỉnh Kirklareli, Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ dài 930km và có công suất 31,5 tỉ mét khối khí/năm, đã vận hành thương mại đầu năm 2020. Tập đoàn Gazprom cho biết nhờ đường ống này mà lượng khí đốt Nga cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2021 tăng 160%, trong khi lượng khí đốt Nga cung cấp cho các nước châu Âu giảm.

Ðường ống Nord Stream 2 được hoàn thành vào tháng 9-2021 nhưng vẫn chưa bắt đầu hoạt động thương mại do chờ sự chấp thuận của Ðức và Liên minh châu Âu (EU) theo quy định. Ðức cho rằng Nord Stream 2 sẽ duy trì mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau chứ không hẳn lệ thuộc vào Nga vì bán khí đốt cho châu Âu cũng là vấn đề sống còn của Nga. Theo Ðức, siết chặt quan hệ năng lượng Nga - EU là phương thức tốt nhất hạn chế căng thẳng với Nga và tạo điều kiện ổn định quan hệ chính trị giữa đôi bên. Tuy nhiên, cùng với TurkStream, Mỹ cho rằng dự án Nord Stream gây phương hại đến an ninh năng lượng châu Âu và phục vụ mưu đồ mở rộng ảnh hưởng địa chính trị của Nga ở lục địa già.

Trước North Stream 2, Nga đã vận hành đường ống North Stream 1 dài 1.222km và có công suất tương tự từ cuối năm 2011. Dư luận phương Tây nhận định hai tuyến đường ống này sẽ cho phép Nga vận chuyển khí đốt tới châu Âu mà không phải trung chuyển qua Ukraine, quốc gia đối đầu với Nga và nuôi tham vọng gia nhập NATO. Trong cuộc tranh cãi về giá khí đốt với Ukraine năm 2009, Gazprom đã cắt tất cả nguồn cung cho châu Âu từ đường ống đi qua Ukraine. Tiếp đến vào năm 2014, sau cuộc khủng hoảng ngoại giao liên quan đến việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea, Mát-xcơ-va một lần nữa lặp lại hành động này với cáo buộc Kiev không trả được nợ cho Gazprom.

Khi giá khí đốt tăng phi mã năm 2021, nhiều nhà phê bình đã cáo buộc Ðiện Kremlin cố ý cung cấp khí đốt ở mức thấp hơn bình thường để đẩy giá nhiên liệu và gây sức ép buộc Ðức và các nước châu Âu khác phải “bật đèn xanh” cho đường ống North Stream 2 được đưa vào hoạt động.

Trước nay, Nga có các tuyến đường ống tới Ukraina và qua các nước Slovakia, CH Séc, Áo, Hungary và Romania; các tuyến đường đi qua lãnh thổ Romania tới Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và Bắc Macedonia; tuyến đường ống đi qua Belarus, Ba Lan và Ðức; tuyến đường ống tới Phần Lan. EU hiện phải nhập khẩu 90% lượng khí đốt từ bên ngoài, trong đó khí đốt của Nga chiếm 40%.

Chia sẻ bài viết